Sai lầm thường gặp của cha mẹ khi con ho

Theo Vnexpress,
Chia sẻ

Thời tiết chuyển sang hanh, bé 2 tuổi nhà chị Như (Hà Nội) lại bị ho, uống thuốc 1 tuần thì khỏi, nhưng được 3 ngày cháu lại ho tiếp. Tình trạng này kéo dài trong 2 tháng liền, lần nào chị cũng cho con uống kháng sinh.

Hiện nay, giống như chị Như, nhiều bà mẹ có con nhỏ đang thực hiện theo “công thức” cứ ho là phải dùng kháng sinh, nhất là khi kèm theo sốt cao. Tuy nhiên, điều cha mẹ không biết là ho là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau ở trẻ và không phải lúc nào những thuốc này cũng có tác dụng.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, không chỉ người dân mà thậm chí đôi khi cả các bác sĩ cũng đang có hiện tượng quá lạm dụng thuốc kháng sinh. Đây là cũng nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất.

Viêm mũi họng cấp hoặc nhiễm khuẩn hô hấp trên là bệnh hay gặp trẻ, với hai biểu hiện chính là ho và sốt. Bệnh hay xảy ra lúc chuyển mùa: khí hậu nóng-ẩm, chênh lệch nhiệt độ sáng chiều quá lớn, mật độ virus nhiều, cơ thể trẻ không thích nghi kịp.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, trong đó chủ yếu là adenovirus, cúm A và B, rhinovirus... Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng với virus, vì thế trong trường hợp này không nên dùng kháng sinh. Theo phó giáo sư Dũng, trường hợp nào uống mà khỏi nhanh thực chất là cảm giác của bà mẹ, chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này.

"Nhiều bà mẹ đến khám thắc mắc không hiểu vì sao con uống bao nhiêu kháng sinh mà mãi không thấy khỏi. Thực tế, việc uống kháng sinh nhiều làm trẻ kém ăn, chán ăn, có thể dẫn đến tiêu chảy, sức đề kháng của trẻ kém đi nhiều, làm bệnh lâu khỏi", phó giáo sư Dũng nói.

Ngoài thuốc kháng sinh, các bác sĩ cũng không khuyến cáo sử dụng thuốc kháng virus vì không có sự thay đổi rõ.

Bên cạnh đó, cũng theo bác sĩ nhiều cha mẹ cho rằng cứ viêm họng thì trẻ mới ho, điều này không hoàn toàn đúng. Nhiều trẻ viêm mũi, nhưng ho dữ dội. Thực tế là virus xâm nhập vào mũi trước, nếu trẻ chảy nước mũi nhiều sẽ ít ho. Ngược lại, sẽ xảy ra một hiện tượng gọi là chảy mũi sau, nước mũi chảy xuống họng, gây ho kinh khủng. Trẻ đặc biệt hay ho khi nằm xuống ngủ do khi đó dịch đã chảy đủ vào họng, kích thích gây ho.

Sai lầm thường gặp của cha mẹ khi con ho 1

Một điều cha mẹ cũng cần lứu ý là ho hay sổ mũi, sốt đều là triệu chứng có lợi của cơ thể. Ho nhiều là phản xạ khạc nhổ các dịch chất tiết (đờm), chất nhày từ mũi xuống họng nếu trẻ ho được thì lại nhanh khỏi bệnh. Sốt cũng vậy, nó là một phản xạ của cơ thể, huy động cả hệ thống miễn dịch loại trừ virus ra ngoài.

“Nhưng cái gì quá cũng không được, sốt quá cao thì gây nguy hiểm, biến chứng co giật, nên phải uống thuốc hạ sốt, ho quá nhiều khiến trẻ mệt, không ăn uống được. Vì thế, cha mẹ chỉ chữa khi các triệu chứng nhiều lên, như ho quá nhiều, đặc biệt là nôn sau ho, có thể uống thuốc giảm ho… Có thể nói chữa ho do viêm đường hô hấp trên là chữa triệu chứng, có mạnh lên thì mới dùng thuốc”, phó giáo sư Dũng chia sẻ.

Theo ông, cha mẹ có thể sử dụng các thuốc hạ sốt như paracetamol khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ trở lên. Dùng các loại thuốc ho Tây y hoặc Đông y nếu trẻ ho nhiều. Cũng có thể dùng mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho. Nếu trẻ chảy mũi hoặc tắc mũi nhiều thì có thể sử dụng thuốc có các chế phấm chống tắc mũi.

Bệnh do virus nên thường tự khỏi sau 3-7 ngày, cơ thể có cơ chế tự bảo vệ để tự thải loại virus. Vấn đề cha mẹ cần tăng cường sức đề kháng giúp trẻ chống bệnh tật, ăn uống tốt, phòng sạch sẽ, cải tạo môi trường, thoáng, đỡ bụi bặm… Nếu trẻ bị ho tái đi tái lại thì cha mẹ cần hiểu nguyên nhân vì sao: trẻ kén ăn, sức đề kháng kém, nhà cửa bụi bặm, ẩm thấp, trong nhà có người hút thuốc lá, trẻ bị suy dinh dưỡng…

Bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu trẻ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ho kéo dài dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau thì cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, một điều cần lưu ý là trẻ càng nhỏ thì khi mắc bệnh càng dễ chuyển nặng. Không những thế, biểu hiện bệnh ở các bé sơ sinh thường không rầm rồ, điển hình nên dễ bị bỏ sót. Vì thế, cha mẹ khi thấy bé ăn uống kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì có thể trẻ đang bị bệnh, cần đưa đi khám.



Các mẹ cũng có thể tham khảo thêm cách chữa ho cho con không cần thuốc của mẹ Bờm nhé!

Sai lầm thường gặp của cha mẹ khi con ho 2
Chia sẻ