Nói "không" với trẻ?

,
Chia sẻ

“Không!” Bé ghét nghe nó, còn bạn thì không thích phải nói từ đó với con. Vậy bố mẹ phải làm gì đây để hạn chế nói không với con trẻ?

Theo một nghiên cứu, mỗi ngày trung bình bé phải nghe từ không đến 400 lần. Nói không không chỉ khiến bạn mệt mỏi mà còn có hại cho con của bạn.Trẻ nghe từ không quá nhiều có kỹ năng ngôn ngữ nghèo nàn hơn những trẻ mà bố mẹ chúng có những phản hồi tích cực. Hơn nữa, nói không nhiều quá có khi lại phản tác dụng. Chúng có thể lờ từ đó đi, hoặc tức giận khi bạn phủ đầu chúng bằng từ đó. Vậy bố mẹ phải làm gì đây để hạn chế nói không với con trẻ.

Nói có, nhưng nghĩa là không

Con bạn đòi kẹo khi bạn đang đi mua sắm. Bạn nói “Không ăn kẹo trước bữa tối”. Bé giậm chân càu nhàu. Bạn lại nói không một lần nữa, kiên quyết hơn. Nhiều trẻ đâu hiểu được lý do tại sao nếu bạn chỉ nói từ không. Vậy lần sau, bạn nói không bằng có. Ví dụ bạn nói: “Được, con sẽ có kẹo sau bữa tối. Giờ hãy ăn táo nhé”.

Giải thích cho bé bạn đang cảm thấy thế nào

Thử giải thích cho con tại sao hành vi của bé – chẳng hạn như bé đập thình thịch xuống bàn – và bạn cảm thấy đang bị làm phiền. Bạn có thể nói “Con đập thế làm đau cái bàn đấy, vì thế mẹ rất buồn. Dừng lại đi.” Mặc dù có thể chẳng có tác dụng gì đối với bé, nhưng thực sự bạn đang cho bé biết rằng những gì bé đang làm ảnh hưởng tới người khác, một bài học về sự thấu cảm.
 
Hai bố con mình cùng làm nào. Ảnh minh họa
 
Cho bé sự lựa chọn

Bé đang ném bóng trong phòng khách, còn bạn đang chịu đựng những âm thanh đổ vỡ. Thay vì nói: “Không! Không chơi bóng trong nhà”, bạn hãy nói “Con muốn chơi bóng trong nhà hay là nên mang ra ngoài mà chơi? Con chọn đi?”. Với việc đưa ra lựa chọn, bạn khiến bé cảm thấy như có nhiều quyền lực hơn trong tình huống này. Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, nên khuyến khích chúng tự lựa chọn và phát huy tính độc lập tự chủ. Nhưng tránh đưa ra nhiều lựa chọn. Đối với trẻ mới biết đi và trẻ sắp đến trường, chỉ hai lựa chọn là phù hợp.

Vừa nói vừa diễn

Bé Duy hai tuổi đang cấu véo em gái của nó, còn bố thì nói: “Không, dừng lại!”. Tại sao bé Duy không dừng? Đơn giản là vì Duy không biết làm gì thay vào đó. Bạn sẽ là người giúp bé hình dung ra phải làm gì. Ví dụ bạn cần nói “Duy, thơm em một cái đi nào”, hoặc một gợi ý tương tự. Nhờ đó bé sẽ tưởng tượng trong đầu một cái gì đó thay vào việc cấu véo.

Hay bé Linh một tuổi rưỡi đang đánh con mèo, bạn nói “Nhẹ thôi nào” và cầm tay bé vuốt lên con mèo. Làm nhiều lần để bé đủ hình dung ra cách vuốt con mèo.
 

Cũng vậy, bé Yến rất hiếu động, luôn động đậy không yên thì mới thấy thoải mái, và đi lại một cách không có mục đích. Bạn có thể thử hài hước: “Bảo cái chân dừng lại nào!”; hoặc biểu diễn luôn để giúp bé hình dung ra. Có thể thay vì dừng lại, bé lại đi rón rén. Đó là vì câu nói dài quá bé chưa hình dung ra. Lúc đó bạn có thể nói một cách đơn giản hơn: “Nhẹ chân!” và đặt tay lên chân bé để hướng dẫn.

Thể hiện đúng thái độ

Trẻ hiểu ý nghĩa của từ không rộng hơn là âm thanh phát ra khi bạn nói. Vì thế bạn hãy thể hiện giọng điệu cương quyết mà không cần dùng từ tiêu cực. Luôn giữ giọng điệu nghiêm khắc khi con bạn cần biết rằng nó không được làm phiền. Thay vì bế thốc bé ra khỏi lọ đường đang vãi ra sàn nhà, hãy làm phân tán bé bằng một thứ khác có thể làm cho bé thích, một món đồ chơi ưa thích chẳng hạn. Bạn càng chú ý đến trẻ và những thứ trẻ đang nghịch thì trẻ sẽ có khuynh hướng hợp tác với bạn hơn.

Nhờ việc thu hút sự chú ý của trẻ và của chính bạn tới những thứ vui thích sẽ giúp bạn thư thái hơn với trăm thứ trong đầu và tránh được sự ngỗ nghịch cũng như rủi ro sẽ đến với bé yêu.

Khang Duy
TheoWebMD
Chia sẻ