'Nô lệ' cho con bây giờ, đừng mong trả lại mai sau?

,
Chia sẻ

Họ làm việc suốt ngày vì những đứa con của mình và đặt chúng lên trên tất cả. Họ quên đi những mơ ước của riêng mình, tiêu pha tiết kiệm nhất.

Chuyển nhà gần trường để con ngủ thêm 1 tiếng
 
Mỗi ngày, anh Dong Fuhai phải nhanh chóng hoàn thành công việc ở cơ quan, bắt một chuyến xe buýt dài 90 phút, sau đó chạy tới trường tiểu học để đón cô con gái. Anh dắt tay con gái, luồn lách qua những chiếc ô tô, xe máy trên con đường nhộn nhịp của Bắc Kinh.

20 phút sau anh về tới nhà – một căn hộ thuê, ngay lập tức anh nấu bữa tối. Sau bữa tối, anh xem ti vi khoảng 1 tiếng trong khi Yueyue – con gái anh tập vi-ô-lông để chuẩn bị cho một cuộc thi. Sau đó, anh kiểm tra bài tập về nhà của con trong khi cô bé chuẩn bị đi ngủ.

Anh không có thời gian để đọc truyện cho con bé trước khi đi ngủ hay làm những cử chỉ âu yếm. Còn 2 mùa hè nữa mẹ của Yueyue sẽ về nước sau khi hoàn thành xong bằng thạc sĩ ở Canada.

Một ngày mới của anh Dong bắt đầu vào khoảng 6h25. Hai bố con phải nhanh chóng tới trường trước 7h30 để anh có thể bắt được xe buýt tới cơ quan trước 8h.

Không có những ngày nghỉ cuối tuần, không thể tham gia các hoạt động xã hội. Anh Dong năm nay 38 tuổi, hiện là quản lý của một công ty bất động sản ở Bắc Kinh. Nếu ví cuộc sống của anh là trái đất thì nó chỉ luôn xoay quanh một cái trục có cái tên là ‘giáo dục cho cô con gái duy nhất của anh’.

Tìm một trường học tốt cho Yueyue là một nguyên nhân khiến anh Dong thường xuyên căng thẳng.

Cách đây 3 tháng, anh đã chuyển từ phía nam thành phố sang phía tây bắc quận Haidian để gần trường của Yueyue hơn. Họ chỉ dành 2 ngày nghỉ cuối tuần trong ngôi nhà có đến 3 phòng ngủ tiện nghi của mình ở phía nam.

Anh Dong đã bất chấp việc giá nhà đất đang tăng mạnh để mua căn hộ gần trường học của con gái.

“Số tiền thuê nhà 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng quả là khó khăn với chúng tôi, song việc gần trường cho phép Yueyue có thêm ít nhất hơn 1 tiếng để ngủ mỗi ngày. Điều đó cũng xứng đáng!” – anh nói.

Số tiền mà anh phải chi trả cho 6 năm học tiểu học của con gái lên tới 40.000 nhân dân tệ, gần gấp 4 lần thu nhập 1 năm của anh. Ngoài ra, anh Dong đã cho cô bé tham gia những lớp học vẽ, học nhảy, lớp cờ vua từ khi cô bé mới 4 tuổi.

Tuy nhiên, cô công chúa bé nhỏ của hai vợ chồng anh đã không hiểu được tình yêu thương lớn lao và mục đích tốt đẹp của bố mẹ. Đôi khi cô bé chống đối lại anh, thậm chí là đã bị đánh một lần khi khăng khăng không luyện tập vi-ô-lông.
 
Cuối tuần các ông bố, bà mẹ lại thay phiên nhau đưa con đến các lớp học năng khiếu

Chỉ dám đi taxi khi đi cùng con gái

Một trường hợp khác là câu chuyện về gia đình chị Su. Chị Su tuy may mắn hơn anh Dong là có chồng bên cạnh song họ cũng gặp phải vô vàn những khó khăn trong việc đầu tư cho việc học tập của cô con gái.

Su – 32 tuổi, là một quản lý viên ở bộ phận quan hệ khách hàng. Chồng cô - anh Zhang Xiaotian - năm nay 34 tuổi, là quản lý dự án cho một công ty quảng cáo.

Hiện tại, Su kiếm được khoảng 6.000 nhân dân tệ (khoảng 880 đô) 1 tháng và lương của Zhang là 8.000 nhân dân tệ 1 tháng. Ở độ tuổi của họ kiếm được mức lương này không phải là tồi so với mặt bằng chung ở Thượng Hải và cũng đủ để chi trả cho những buổi đi chơi xa xỉ mà trước kia họ vẫn tổ chức mỗi tháng.

Song cuộc sống của họ đã thay đổi từ khi Su mang thai. Bây giờ kiếm được bao nhiêu họ đều dành dụm. Họ chi tiêu tằn tiện để tiết kiệm cho cô con gái, cung cấp cho con gái tất cả những nhu cầu mà họ thấy cần thiết đồng thời tiết kiệm cho việc học đại học sau này của cô bé.

Trước đây Su đi lại hoàn toàn bằng taxi và từng nói rằng cô muốn nghỉ việc nếu phải đi làm bằng tàu điện ngầm. Song hiện tại cô sử dụng phương tiện công cộng mọi lúc và chỉ đi taxi khi đi cùng con gái.

Cặp vợ chồng này đã không ăn trưa ở ngoài bởi những quán ăn xung quanh khu vực họ làm việc đều rất đắt đỏ.

Họ mang đến cơ quan những hộp cơm mà Su đã chuẩn bị từ đồ ăn còn lại của bữa tối hôm trước.

Khi cô con gái của họ bắt đầu học ở một trường mầm non song ngữ, cặp vợ chồng này đã tự thống nhất với nhau để đảm bảo cuối tuần một trong 2 người có thể đưa cô con gái bé bỏng của họ tham gia vào các hoạt động ngoại khóa.

Đôi vợ chồng này cũng đã mua được một căn hộ nhỏ ở ngoại ô, song họ hiếm khi ở đó bởi vì họ đã thuê một căn hộ khác ở gần trường mầm non của con gái. Học phí của trường mầm non này là 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng và tiền thuê nhà là 3.500 nhân dân tệ mỗi tháng.

Anh Dong, chị Su và hàng nghìn ông bố bà mẹ Trung Quốc khác đang trở thành ‘nô lệ cho con cái’. Họ làm việc suốt ngày vì những đứa con của mình và đặt chúng lên trên tất cả. Họ quên đi những mơ ước của riêng mình, tiêu pha tiết kiệm nhất.

“Đầu tư vào một đứa trẻ không giống như mua cổ phiếu. Chắc chắn bạn sẽ được trả lại trong tương lai. Hơn nữa, tôi chỉ là một giọt nước trong cả một đại dương” - anh Dong nói.

Nhóm những ông bố bà mẹ ‘nô lệ’ này đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về hậu quả của hệ thống giáo dục Trung Quốc – một hệ thống giáo dục nhiều áp lực, chỉ dựa trên những bài kiểm tra, chi phí đắt đỏ và thiếu tính cân bằng.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một loạt những dự luật cải cách giáo dục từ những năm 90, xây dựng nhiều trường học hơn và tăng số lượng tuyển sinh để số người được đào tạo nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra được công bố vào hồi tháng 3 thì số người không hài lòng về dự luật này nhiều hơn số người đánh giá cao nó.
 
Theo Vietnamnet/Shanghai Daily
Chia sẻ