Những trò giả vờ đáo để của bé

,
Chia sẻ

"Mình đã vô cùng bất ngờ khi thấy con trèo phắt lên giữa giường đứng và bắt đầu "ọe ọe" thật to sau khi bị mắng" - chị Hà Minh kể về cô con gái 1 tuổi rưỡi của mình.

Trẻ con bây giờ do môi trường và điều kiện sống ngày càng phát triển, cũng trở nên thông minh lanh lợi hơn rất nhiều so với đồng lứa ngày xưa. Được bố mẹ, ông bà cưng chiều và hết mực chăm lo, chúng bỗng sinh ra tính đòi hỏi và bướng bỉnh khiến cho mọi người trong gia đình không ít lần phải dở khóc dở cười. Một trong những tật xấu thường thấy nhất ở bọn trẻ đó là thói "giả vờ nôn ọe".

Không muốn ăn nữa - giả vờ ọe!

Lười ăn cũng là hiện tượng phổ biến ở trẻ em hiện nay. Trong khi được bố mẹ mua cho rất nhiều các loại sữa bột đắt tiền, những lọ sữa chua, phomai nhập ngoại, kì công nấu bữa ăn được tính toán một cách cẩn thận để đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng, thì chúng lại chẳng mấy thiết tha. Khi không muốn ăn nữa, chúng tìm đủ mọi cách để từ chối như ngậm, mím chặt miệng, khóc, ho hay tỏ ra buồn nôn.  

Không được thỏa mãn ý muốn - giả vờ ọe!

"Thằng Tôm nhà em hư lắm, đòi gì là phải đòi bằng được. Có lần nó đòi lấy đồ chơi siêu nhân của thằng bé hàng xóm, mặc dù mẹ đã dỗ dành và hứa sẽ mua sau nhưng nó nhất định không chịu. Rồi nó bắt đầu khóc ăn vạ, vừa khóc vừa hắng giọng "ọe ọe", sau đó thì nó nôn ra thật" - Bạn Thu Hường (Chùa Bộc, quận Đống Đa - Hà Nội) than thở.
 

Một lần cho Tôm ăn cháo, khi thấy con bắt đầu ngang dạ và suýt nôn, chị Hà đã tỏ ra rất hốt hoảng. Sau vài lần như thế, con trai chị hiểu rằng bố mẹ rất sợ tiếng ọe của mình. Thế là cứ mỗi khi muốn đòi hỏi cái gì, cu cậu lại giở vờ như muốn ói.

Hay đơn giản là trẻ muốn được để ý

Đó là nhu cầu rất đáng yêu của trẻ - nhu cầu được người thân để ý và quan tâm. Khi thấy mọi người mải việc gì mà không để mắt tới mình, trẻ sẽ tìm cách gây chú ý. Có bé sẽ khóc quấy để được bế, có bé lại ho hắng và như một phản xạ của thói quen - bé cất tiếng "ọe". Nhưng không chỉ dừng lại ở việc "giả vờ", nhiều bé không kiểm soát được đã dẫn đến việc nôn trớ thật sự. Thậm chí có không ít những bé ghê gớm hơn đã ăn vạ một cách đáng sợ là đã móc tay vào miệng để nôn hòng làm thỏa mãn việc gây hốt hoảng cho bố mẹ.

Đừng để bị bé nắm được điểm yếu!

Khi con vừa hắng giọng ọe khan, các bà mẹ thường có một biểu hiện chung là tỏ ra lo lắng, cuống quýt. Mẹ sẽ vội vàng bế con lên, vỗ về con, thỏa mãn ý muốn của con. Vậy là mẹ đã "mắc bẫy" của bé rồi đấy!

"Thỉnh thoảng Cún nhà mình cũng hay bị nôn trớ trong lúc ăn hoặc ho, mỗi lần như vậy mình lại cuống cả lên. Có một lần Cún không nghe lời, mình liền quát con. Mình đã vô cùng bất ngờ khi thấy con gái liền trèo phắt lên giường, đứng giữa giường và bắt đầu "ọe ọe" thật to, mặt vẫn ráo hoảnh nhìn mẹ. Lúc đấy mình mới nhận ra là Cún đang làm trò. Mình liền nghiêm mặt kéo con vào trong toilet rồi bảo: "Con muốn nôn à, vậy con cứ ở đây nôn cho hết đi" rồi mình bỏ vào trong nhà. Thế là Cún biết không thể bắt nạt mẹ bằng cách ấy được, lần sau không thấy cô nàng giả vờ ọe nữa". - Chị Hà Minh tủm tỉm cười khi kể về cô con gáo đáo để của mình.

Mỗi bà mẹ có một cách hành xử khác nhau khi đứng trước tật xấu ấy của con mình. Người thì vỗ về, người thì dọa nạt, nhưng suy cho cùng vẫn đã để cho bé nắm được điểm yếu là thu hút được sự bận tâm của cha mẹ. Hãy tỏ ra không hề bị ảnh hưởng bởi hành động của con. Khi con bắt đầu khóc lóc rồi giả vờ buồn nôn, cha mẹ cứ tảng lờ bé đi, hoặc thản nhiên đưa bé vào toilet hay đặt một chiếc chậu trước mặt để bé "được nôn ọe" rồi bỏ ra chỗ khác. Bé sẽ nhận ra rằng trò giả vờ của mình đã vô tác dụng, và những lần sau bé chẳng còn lí do gì để lặp lại tất xấu này nữa cả.

Hoàng Vi
Tổng hợp
Chia sẻ