Những lời nói nhói lòng con trẻ

,
Chia sẻ

Một số lời trách mắng mà cha mẹ thốt ra trong lúc nóng giận có thể gây nhũng tác hại trên trẻ như đòn roi. Thế mà những lời ấy lại rất thường nghe phải...

“Cha mày là kẻ bất tài, chẳng ra gì”

Bảo với một đứa trẻ rằng cha nó là một kẻ chẳng ra gì cũng hàm ý nó sẽ chịu cùng số phận, vì nó là con của nguời ấy. Nếu lời đã lỡ thốt ra, tốt hơn người mẹ nên trở lại chủ đề, thừa nhận đã nói ra trong lúc giận dữ. Điều cần thiết là tránh hạ thấp giá trị chồng trên cương vị người cha, đừng mắng mỏ “cha mày thế này thế kia” trước con trẻ.

“Nếu con không vâng lời, mẹ sẽ đi và bỏ con lại”

Lời đe dọa kiểu này thường nhắm vào những đứa con nhỏ, dùng dằng không muốn đến trường, hoặc nhăn nhó không muốn rời nhà bạn để về nhà. Lời này thường được thốt ra vào lúc cha mẹ cảm thấy mệt mỏi, bực dọc. Trẻ bị tổn thương ở mức độ nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa. Nếu cha mẹ nói thế nhiều lần mỗi ngày, trẻ sẽ buồn, nhưng sau đó trẻ sẽ không còn quá quan tâm, vì nó biết điều đó không xảy ra.
 

Đừng để con trẻ đau lòng vì những câu nói "cho hả giận" của bố mẹ

“Con là kẻ vô dụng”

Câu này thường được thốt ra khi trẻ trở về nhà với bảng điểm kém, hay bỏ một ngày học thêm. Đây là một kiểu bạo lực tâm lý rất thường xảy ra, cha mẹ phạm phải mà không lường hậu quả. Trẻ sẽ nhớ lâu rằng nó là “đồ vô dụng” ảnh hưởng xấu đến sự tự tin của trẻ.

Khi bạn muốn nêu một phê phán tiêu cực, đừng nhắm vào con người mà vào hành vi hay một kết quả: “kết quả học kém” khác với “con là kẻ kém cỏi”. Trẻ sẽ không bị tổn thương và có thể thừa nhận sự thật dễ dàng hơn. Đồng thời chuẩn bị chu đáo hơn để tiến bộ.

“Nói thêm tiếng nữa, con sẽ bị ăn đòn”

Thường sự bực bội do bất mãn, phật ý phải chịu trong ngày, lúc về nhà người mẹ trút giận sang con. “Mày sẽ bị một trận đòn”, đó là câu nghe đến nhàm tai, được thốt ra một cách dễ dàng, mà không nhất thiết chuyển sang hành động. Tác động trên trẻ thế nào? Tất cả tùy thuộc số lần đe dọa và những gì xảy ra sau đó.

Đòn hay tát, ngay cả khi chỉ là lời đe dọa, không phải là cách giáo dục hay. Tốt hơn nên hướng sang một giải pháp khác, chẳng hạn thừa nhận: “Mẹ đã giận vô lý”, hay “Mẹ con ta nên tránh mặt một lúc, con vào phòng, còn mẹ ra sân”. Là người lớn, nên biết tránh bạo lực bằng cách đặt ra khoảng cách, tìm một thái độ có trách nhiệm hơn.

Theo Kim Thu 
Phụ nữ TPHCM/Femme actuelle
Chia sẻ