Những đứa trẻ không có... mùa hè

,
Chia sẻ

Trong cái nóng nực của ngày hè, tôi bắt gặp những khuôn mặt sạm đen, già hơn nhiều so với tuổi, thả ánh mắt mệt mỏi về phía những khách du lịch qua đường.

Khi tuổi thơ gắn với vỉa hè, bãi biển

Mùa hè là mùa vui chơi, nghỉ ngơi, nhưng điều đó chỉ đúng với con em những gia đình khá giả. Còn với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó, điều đó là giấc mơ xa vời.

Ở cái tuổi mà lẽ ra chỉ biết ăn, ngủ, học hành nhưng hai chị em Nguyễn Thùy Linh (11 tuổi) và Nguyễn Thùy Chi (9 tuổi) đã sớm phải bươn trải kiếm sống. Hàng ngày, cứ 5 giờ sáng, cùng với sự trợ giúp của bố mẹ, hai chị em bắt đầu dọn hàng và quản lý một quán nước vỉa hè trên một tuyến phố tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An).

Khi được hỏi chuyện, Linh nói: “Tổng kết năm học xong, hai chị em em được bố mẹ dựng cho một cái mái hiên di động và giao cho một thùng kem, mấy két nước ngọt để bán. Tiền lãi được bỏ vào lợn để đầu năm mua sách vở và nộp học phí”.

Nhìn cảnh hai chị em đon đả mời chào khách, ít ai nghĩ rằng các em đang ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Tâm sự lâu hơn với chúng tôi, Chi cho biết: “Chúng em mơ ước được một lần ra thăm lăng Bác nhưng chưa có dịp”. Vất vả cả ngày trời từ sáng sớm đến tối mịt nhưng hai chị em Chi chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng.

Cùng hoàn cảnh gia đình khó khăn giống như Linh và Chi, em Ngô Thị Hòa (10 tuổi) chọn cho mình cách mưu sinh khác. Với một chiếc túi đựng bim bim đủ loại, Hòa lang thang hết con phố này đến con hẻm khác để mời chào khách. Hòa bộc bạch: “Hồi đầu mới đi bán hàng, thấy các bạn cùng trang lứa được bố mẹ chiều chuộng, có quần áo đẹp, em tủi thân lắm nhưng lâu dần thấy quen, chỉ mong sao bán được nhiều hàng. Hôm nào đông khách, bán được khoảng 40 gói loại 2.000 đồng là em vui lắm, như thế là lãi 20.000 đồng rồi”.

Hòa là con út trong gia đình, mỗi khi hè đến, cả 3 anh em mỗi người một nghề lo phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống gia đình và có tiền để được đến trường như bao bạn khác.

Một kỳ nghỉ hè được vui chơi như thế này chỉ là niềm mơ ước của các em.

Mùa hè đối với em Trịnh Tứ Quý (13 tuổi) lại là lúc đeo bộ đồ nghề đánh giày lỉnh kỉnh trên vai, túc trực ở các quán café, nhà nghỉ, khách sạn ở thị xã du lịch Cửa Lò. Mới nhìn không ai tin em 13 tuổi. Cái nghèo, cái khổ đã hằn sâu trên khuôn mặt và nụ cười của Quý. Dưới cái nóng oi ả, Quý và một số “đồng nghiệp” ngồi ôm chặt bộ đồ nghề trong bóng râm của cây hoa sữa, chỉ chờ có khách đến là bật dậy mời chào.

Quan sát thấy chỉ mình em được vào quán mời khách, tôi hỏi, em cho hay: “Để được đánh giày ở đây, em có nhiệm vụ phải sắp xếp chỗ dựng xe và trông xe cho khách”. Nhìn đứa trẻ 13 tuổi nặng nhọc đưa từng chiếc xe vào vị trí mà tôi không khỏi chạnh lòng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trò chuyện với chị Hạnh (mẹ em Hòa), chị nói với tôi mà như đang khóc: “Nhìn các cháu được nghỉ hè nhưng không được vui chơi, nghỉ ngơi như chúng bạn, sớm phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền, tôi cũng không đành lòng, nhưng hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, không làm thì không có tiền sinh hoạt và cho các cháu đến trường”.

Tâm sự của chị Hạnh cũng chính là day dứt của rất nhiều bậc phụ huynh vì hoàn cảnh gia đình nên buộc con em sớm phải lao vào cuộc mưu sinh. Họ cũng muốn con em mình được vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động hè, được hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa, nhưng cái khó bó cái khôn, họ phải cầm lòng nhìn các em bươn chải với đời. Thực trạng trên chính là nỗi trăn trở không của riêng ai, đang đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội phải chung tay góp sức. Phải chăng, cần có sự quan tâm thiết thực và đồng bộ hơn trong việc giải quyết và chăm lo đời sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Việc tạo cho các em có điều kiện vui chơi, học tập để có thể phát triển một cách toàn diện không chỉ là tập trung xây dựng các khu vui chơi, giải trí mà phải xuất phát từ việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình. Khi cuộc sống gia đình được nâng lên, các em mới có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Trẻ em là tương lai của đất nước. Trách nhiệm của chúng ta là hãy dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất để các em được hưởng những quyền lợi chính đáng.

Theo Kinhtenongthon
Chia sẻ