Những dự tính “đen” vào đại học

Lan Anh ,
Chia sẻ

Trong khi các sỹ tử học cấp tốc "quên ăn quên ngủ" lại có những sỹ tử ngày đêm miệt mài bàn mưu tính kế những con đường ngắn để bước chân vào cổng trường đại học.

Sau mỗi kỳ thi đại học hàng năm, có những thống kê đáng buồn về số thí sinh, giám thị vi phạm trong kỳ thi.

Năm nay, kết thúc ngày thi đại học đầu tiên, theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, cả nước có 79 thí sinh bị kỷ luật, trong đó có 51 trường hợp đình chỉ thi; 18 trường hợp khiển trách; 9 trường hợp cảnh cáo và đặc biệt phát hiện một trường hợp thi hộ. Hiện tượng thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại vào phòng thi vẫn ở mức phổ biến.

Những con số đó gây nhức nhối đối với ngành giáo dục, với xã hội về tính kỷ luật, lòng trung thực trong mỗi học sinh. Đây cũng là lời cảnh tỉnh với những học sinh vẫn đang nung nấu ý định gian lận trong kỳ thi đại học này.

Tuy nhiên, bên cạnh việc khiển trách các em, những hành vi đó cũng có nguyên nhân do sức ép từ phía gia đình, xã hội đã gây cho các em áp lực học hành quá lớn.
 
Qúa nhiều bậc cha mẹ coi trọng sự sỹ diện, kỳ vọng, thúc giục con học tập gây áp lực cho con trong khi năng lực học tập của các em lại hạn chế. Những quan niệm phải vào đại học bằng mọi giá, rằng “không vào đại học thì chỉ có mà đi làm culi suốt đời”… của nhiều gia đình vô hình chung tạo nên những định kiến của xã hội quá coi trọng việc lập nghiệp bằng con đường thi cử.
 
Trong khi cần theo sát việc học tập của con để có sự định hướng kịp thời như: nếu con học ở mức vừa phải thì nên chọn thi một trường vừa sức, hay có thể định hướng cho con bằng một nghề nào đó phù hợp với khả năng trẻ… thì các bậc cha mẹ lại tiếp sức mùa thi cho con bằng những mục đích quá lớn với khả năng của con, thậm chí cha mẹ còn tạo ra niềm tin cho con bằng “những con đường tắt” … Vậy nên mới có những trường hợp con vẫn nhởn nhơ trước kỳ thi đang đến gần vì biết đã có cha mẹ lo liệu hoặc thủ sẵn những tài liệu "ruột mèo" siêu nhỏ để phòng thân...
 
Thực tế, xã hội Việt Nam đang “thừa thầy, thiếu thợ” cũng vì xuất phát từ những định hướng phiến diện, một chiều của các bậc cha mẹ cho con cái.
Các bậc cha mẹ cần có nhận thức đúng đắn về thi cử. Đại học không phải là con đường duy nhất để các em lập nghiệp. Giúp con định hướng đúng đắn bên cạnh việc tôn trọng ý kiến của trẻ sẽ là chìa khóa giúp con có con đường đi đúng hướng cho tương lai.
 
 
 
Lan Anh 
Chia sẻ