Những điều không nên làm khi chuẩn bị cho con đi mẫu giáo

Minh Huyền,
Chia sẻ

Bước vào mẫu giáo là một trong những bước ngoặt quan trọng của con vì vậy bố mẹ cần có những sự chuẩn bị chu đáo và tỉ mỉ cho bé.

Dưới đây là 5 sai lầm bố mẹ nên tránh khi chuẩn bị cho con đi mẫu giáo để giúp con có một khởi đầu thật tốt.
 
1. Quá tập trung vào những mặt tiêu cực

Những điều không nên làm khi chuẩn bị cho con đi mẫu giáo
Ảnh minh họa.

Bố mẹ rất mong chờ ngày được đưa con đến lớp nhưng con thì không. Mẹ thì đã sẵn sàng cho con đi mẫu giáo nhưng bé con lại muốn ở nhà với mẹ. Khi con nói rằng con không muốn xa mẹ, không muốn đi học, bố mẹ hãy tránh nhắc đến khoảng thời gian xa con mà nên nói cho con biết việc đi học sẽ vui và thú vị như thế nào. Ngoài ra, bố mẹ hãy nhấn mạnh vào những hoạt động bạn sẽ làm cùng con sau giờ học như nấu một bữa tối thật vui vẻ, cùng nhau đi hiệu sách hay đọc một câu chuyện hay. 
 
2. Dạy dỗ một cách thái quá

Cho dù bạn đang thực sự lo lắng và mong muốn tìm được cho con một trường mẫu giáo tốt thì cũng đừng cố tìm kiếm tất cả những cuốn sách về trẻ ở độ tuổi mẫu giáo để "chuẩn bị tinh thần" và áp dụng cho con. Bố mẹ cũng đừng nhắc quá nhiều tới những điều mới mẻ lũ trẻ sẽ được học từ trường mẫu giáo. Hãy cứ để mọi thứ tự nhiên và để con tự trải nghiệm. Con trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn mà bố mẹ cũng bớt phần nghiêm khắc hơn trong mắt con trẻ.
 
3. Lưỡng lự khi để lại con ở lớp

Việc trẻ "bám mẹ như sam" trong ngày đầu đến lớp là điều rất dễ hiểu. Nếu bạn bỏ qua những việc khác để chiều theo ý con thì con sẽ càng làm nũng để thu hút sự quan tâm của mẹ hơn mà thôi. Hãy tin vào kĩ năng và khả năng của các cô có thể làm dịu đi những lo lắng trong đầu trẻ. 

Thật khó để có thể bỏ lại đứa con đang khóc và đang cần bạn ở lớp học nhưng hãy nhớ rằng các cô nuôi dạy trẻ phải giải quyết những vấn đề như thế này đều đặn mỗi năm học. Họ có đủ kinh nghiệm cũng như năng lực để điều chỉnh cảm xúc của trẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Những điều không nên làm khi chuẩn bị cho con đi mẫu giáo
Ảnh minh họa.
 
4. So sánh con với những đứa trẻ khác

Bố mẹ thường quan sát xung quanh và hoài nghi về khả năng dạy con của chính mình và khả năng của con mình với những đứa trẻ khác. Bạn có thể băn khoăn khi "con nhà người ta" biết đọc, biết leo cây... trong khi con bạn thì không, nhưng hãy đừng vội so sánh, đó đâu phải tất cả những gì con bạn có thể làm và cũng đừng đổ lỗi cho chính mình.

Bố mẹ cần phải ủng hộ, động viên và  khích lệ những gì mà con có thể làm. Việc con bạn có biết đọc hay không khi vào mẫu giáo không quan trọng mà cũng chẳng có gì quá tệ nếu con chưa biết buộc dây giày vì dần dần con sẽ học được. 

Mỗi đứa trẻ sẽ thành công ở lĩnh vực của riêng của chúng. Vấn đề chủ chốt là bạn nên tập trung vào con mình chứ không phải nhìn và so sánh với những đứa trẻ xung quanh. Hãy trở thành nguồn cổ vũ cho con và bạn sẽ nhận ra sự phát triển của con trong những lĩnh vực nhất định đó.
 
5. Hỏi những câu hỏi khó trả lời

Khi được hỏi những câu như “Hôm nay ở trường con đã làm những gì?” thì phản ứng thường thấy ở trẻ sẽ là “Con không biết”. Tương tự như trường hợp con đi vệ sinh xong và ba mẹ hỏi: “Con đã rửa tay sạch chưa?”.

Đối với những câu hỏi chung chung như vậy, con sẽ không biết xoay sở thế nào nên hãy đưa ra những câu cụ thể như “Con chơi trò gì vui với bạn Bi?” hoặc “Bạn nào làm con cười hôm nay?” để con có cơ hội bày tỏ nhiều hơn với bạn về những điều xảy ra với con ở trường.
                                                         
                                                                                                                                (Nguồn: Parenting)
Chia sẻ