Những câu mắng "bất hủ" của mẹ

Minh Hương,
Chia sẻ

Con gái đi học về muộn, chị mắng luôn: “Con gái con đứa nứt mắt ra học không lo học đã đua đòi đi chơi, không biết giữ mình có ngày ễnh bụng ra đấy con ạ”.

“Óc mày óc người hay óc lợn hả con?”

Chị Thủy vẫn thường mắng như vậy mỗi khi thằng con trai lớp 5 của chị làm sai điều gì. Mặc dù con trai đã lớn, chồng cũng góp ý nhiều về chuyện không nên mắng con quá đáng, “con nó có sĩ diện của nó, em cứ mắng thế nó cũng biết tự ái chứ”, nhưng chị Thủy vẫn không thể bỏ được cái tính ngoa ngoắt ấy. Công việc căng thẳng và đầy áp lực khiến chị Thủy rất dễ nóng giận. Đi làm thì chớ, về nhà là chị lai trút hết lên đầu chồng con những bực dọc mỗi khi thấy chồng hoặc con làm gì không vừa ý. Con trai đi học về mải chơi không chịu tắm ngay cũng bị mẹ mắng: “Đàn ông con trai mà ở bẩn thế à, muốn làm mắm hả ông tướng?”. Chị sai con xách nồi cơm ra ăn cơm, con xách bằng một tay, chẳng may nồi cơm bật nắp xuýt rơi xuống đất, chị liền mắng con té tát: “Óc mày óc người hay óc lợn hả con? Phải đỡ ở dưới nồi chứ”. Nói chung, bất cứ việc gì mà thằng bé làm đều có vẻ không vừa mắt chị, và thế nào chị cũng phải nói con vài câu.


Chị Huế cũng là một người mẹ không được quá đỗi dịu dàng với con. Sinh hai cô con gái gần nhau, chồng lại đi công tác liên miên nên chị cũng mệt mỏi vì một mình chăm con. Ngay từ khi con còn bé chị đã hay mắng, hay quát con. Chị Huế chị nghĩ, làm như vậy cho con biết sợ mà ngoan ngoãn, bớt nghịch ngợm để chị đỡ mệt hơn. Nhưng thói quen đó dần theo chị bao nhiêu năm trời để giờ đây, hai cô con gái của chị đã lên lớp 8 mà chị vẫn không bỏ được cái tính “động tí là quát con”. Con gái đi học về muộn, chị mắng luôn: “Con gái con đứa nứt mắt ra học không lo học đã đua đòi đi chơi, không biết giữ mình có ngày ễnh bụng ra đấy con ạ”. Đi họp phụ huynh cuối năm thấy con không được học sinh giỏi, chị lại mắng: “Học dốt như lợn thì sau này chỉ có mà ăn đất thôi”. Con gái vo gạo chẳng may làm rơi gạo ra ngoài, chị Huế nhảy dựng lên: “Đồ ăn hại, chỉ biết ăn với phá thôi, không được tích sự gì”.

Tác hại theo sau

Có rất nhiều mẹ nóng tính như chị Huế và chị Thủy. Cũng có mẹ cố tình mắng con vì mong muốn con sẽ tiến bộ, cũng có những mẹ do những stress trong công việc khiến các mẹ không giữ được bình tĩnh mỗi khi con cái mắc phải sai lầm, dù là sai lầm nhỏ. Nhưng vì bất kì lý do gì đi chăng nữa thì chắc chắn các mẹ đã không lường hết những tổn thương mình đã gây ra cho con.


M. H – con trai chị Thủy càng lớn càng lầm lì. Thằng bé rất ít nói chuyện với mẹ, thậm chí mẹ nói gì nó cũng thờ ơ làm theo chứ không tỏ thái độ. Những lúc bị mẹ mắng nó cũng không cãi lại. Chị Thủy lại cứ nghĩ con biết sợ mình nên càng “phát huy” tính nóng của mình. Một hôm, cô giáo chủ nhiệm gọi của con gọi điện mời phụ huynh đến trường gặp cô giáo thì chị mới biết rằng, con trai chị là học sinh cá biết ở lớp. Tuy rằng M. H học khá tốt, tiếp thu khá nhanh nhưng lại rất lầm lì, không bao giờ phát biểu ý kiến cho dù cả lớp có mỗi mình M. H làm đúng bài tập được giao. Ở lớp, M. H cũng rất cục tính, không bằng lòng với các bạn là sẵn sàng mắng mỏ các bạn thậm tệ. Cô giáo đã vài lần nhắc nhở, cu cậu cũng hứa sẽ sửa chữa nhưng cuối cùng vẫn chứng nào tật nấy.

Chị Huế cũng sẽ không bao giờ biết được cảm nhận của con gái như thế nào nếu không có một lần vô tình đọc được nhật kí của con. Trong nhật kí, một con gái chị đã viết: “Mình cảm thấy hình như mẹ ghét chị em mình vì chị em mình không phải là con trai, bố mẹ thích có con trai cơ. Thế nên, việc gì chị em mình làm cũng không vừa mắt mẹ, động tí là mẹ mắng, ăn cơm có làm rơi cơm ra ngoài cũng bị mắng. Mình có cảm giác thật vô tích sự, có lẽ mình chị làm vướng bận chân mẹ. Không biết em gái mình cảm thấy thế nào chứ mình cảm thấy chán sống ở nhà này lắm rồi…”. Nếu không đọc được những dòng này, chắc chị Huế sẽ không hình dung nổi cách đối xử của mình với con, những câu mắng chửi con đã khứa vào trái tim, trí óc non nớt và nhạy cảm của các con như thế nào.

Trẻ em rất nhạy cảm và cha mẹ chính là những người góp phần lớn nhất trong việc hình thành nên nhân cách của trẻ. Vậy nên, cha mẹ đừng chủ quan cách nói năng, nhận xét và đánh giá về con.
Chia sẻ