Những câu hỏi đắng lòng người lớn

,
Chia sẻ

“Gia đình là mái ấm, chúng em cần tiếp xúc nhiều với người lớn. Nhưng em thấy có nhiều gia đình, trong đó có gia đình em, ba mẹ làm việc đến 11, 12 giờ đêm mới về”.

Một học sinh lớp 9 nói như vậy tại diễn đàn HĐND TP.HCM lắng nghe tiếng nói trẻ em sáng 5-2.

Em Lê Thị Ngọc Anh - học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thị Thập (Q.7) - phát biểu trong diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói trẻ em” -Ảnh: M.Đức

Nói trong nước mắt, em học sinh lớp 9 cho biết ba mẹ mình đều là giáo viên. Em tự hỏi phải chăng do tiền lương quá ít mà cả ban ngày, ban đêm ba mẹ em đều phải đi làm. Như một lời ao ước, em nói: “Những buổi tối em cần lời khen hay lời nhắc nhở của người lớn thì em phải làm như thế nào?”. Cả hội trường lắng lại, chỉ còn tiếng nấc đứt quãng của em học sinh lớp 9.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nói: “Nghe tiếng nói trẻ em từ đầu năm 2009 đã để lại cho người lớn rất nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của mình và hôm nay cũng vậy”.

Bạo lực học đường - nỗi lo của trẻ thơ

Lại thêm những tiếng nấc nữa! Giàn giụa nước mắt, em Võ Thị Tuyết Như (học sinh lớp 4 ở Củ Chi) kể về cái chết của chị mình trong trường học. Em cho biết từ ngày chị chết, ba mẹ cứ khóc suốt. Rồi Tuyết Như đặt ngay một câu hỏi cho người lớn: “Hiện có một số bạn thường hành hung các học sinh khác đến mức có thể gây ra án mạng. Vậy cô chú ở đây sẽ làm gì?”.

Ý kiến của các em xoay quanh vấn đề bạo lực học đường chiếm tỉ lệ rất đáng kể trong số hơn 60 ý kiến nói lên suy nghĩ của tuổi thơ đối với người lớn. Có thể các em chưa lột tả hết được nỗi lòng của mình nhưng những lời mộc mạc của các em đủ làm cả hội trường chết lặng. Các em lo lắng thật sự về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng trước cổng trường và ngay trong trường.

Chia sẻ với các em tại diễn đàn, bà Ngô Thị Minh - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục - thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội - nói bản thân bà cũng rất lo lắng về xu hướng gia tăng tội phạm ở lứa tuổi mới lớn; về tình trạng xâm hại trẻ em, trẻ em bị bỏ rơi...

Em Phan Thị Quỳnh Giao - học sinh ở huyện Cần Giờ - “chất vấn” tại sao tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều trường và “các cô chú đã đưa ra những gì để khắc phục tình trạng đó?”. Em Lê Ngọc Ánh - Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình - phản ảnh các bạn thường tụ tập đánh nhau trước cổng trường. “Con muốn các cô chú xử lý nghiêm tình trạng ỷ ta đây là “chị đại”, “anh đại” trong trường rồi đánh đập các bạn khác” - Ngọc Ánh kiến nghị.

“Chạy trường” - ấn tượng xấu

Tại diễn đàn, ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP - nghe rõ các em nói về tình trạng “chạy trường”, học hành nặng nề, phải đóng nhiều khoản tiền ngoài học phí...

Một học sinh ở làng thiếu nhi Thủ Đức phản ảnh tình trạng mà em nghe thấy: chạy trường phải mất tiền, chuyển từ trường này qua trường kia cũng mất tiền. Em còn phản ảnh: “Tụi con muốn tham gia vui chơi giải trí, nhưng cái gì cũng cần có tiền mới tham gia được. Tụi con là trẻ cơ nhỡ thì làm sao?”. Một học sinh ở quận 5 nói em thấy đóng quá nhiều tiền học.

Theo em, học sinh tiểu học được miễn học phí nhưng vẫn phải đóng quá nhiều khoản khác như cơ sở vật chất, tiền tăng tiết, quỹ trường, quỹ lớp... Em dẫn chứng một học sinh lớp 4 phải đóng hơn 1 triệu đồng/học kỳ, chưa tính tiền đóng trong năm vì phải tham gia phong trào thi đua như 30.000 đồng tiền mua cây cảnh trong lớp.

Một học sinh cũng ở quận 5 phản ảnh: “Nếu không đóng sẽ bị trừ điểm”. Các em hỏi: “Có cách nào giảm bớt tiền học để có thể yên tâm đi học mà không phải lo đến chuyện làm sao có tiền để đóng”. Các em nêu nhiều mong ước làm sao học hành nhẹ nhàng hơn, có thêm chương trình ngoại khóa, có nhiều phòng thực hành hơn...

Cần kỹ năng sống

Em Huỳnh Kim Phụng - lớp 8/1 Trường THCS Hồng Bàng - cho rằng buôn bán hàng rong trước cổng trường quả thật là hiện tượng không mỹ quan. Nhưng những người bán hàng rong chỉ muốn mưu sinh, “nếu ngăn cản họ thì chúng ta đã hỗ trợ họ những gì chưa ạ?”.

Em Bùi Ngọc Thủy - Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình - xúc động: “Vẫn còn nhiều bạn nhỏ tuổi đáng lý ra phải được vui chơi, cắp sách đến trường nhưng hằng ngày vẫn phải đi bươi rác, bán vé số kiếm sống... Con không biết tại sao lại như vậy, vì hoàn cảnh hay vì vấn đề khác?”. Nhiều em lên tiếng mong người lớn hãy giúp các bạn cùng trang lứa cơ nhỡ, đi ăn xin... được vui chơi, học hành như bao bạn khác.

Các em cho rằng mình đang thiếu kỹ năng sống nên tha thiết: “Chúng em cần những người có thể tư vấn để có thêm hành trang bước vào đời. Vì vậy, em muốn các thầy cô ở trường mở một phòng tư vấn tâm lý tuổi học trò cho chúng em” - em Trần Lệ Hằng (lớp 8 Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10) kiến nghị.

Ông Huỳnh Công Minh hứa sẽ thúc đẩy ngành giáo dục đáp ứng nhu cầu rất chính đáng này của các em. Không chỉ vậy, các em còn nói qua việc học giáo dục công dân, các em cần được trang bị lòng yêu thương con người, biết chia sẻ với những người xung quanh.

Nói về mong ước lớn nhất của mình, các em đều thổ lộ trẻ em cần được giáo dục bằng chính hành động của người lớn và đừng để trẻ em bắt chước, học đòi những thói quen xấu của người lớn.

Thông điệp của các em tại diễn đàn là “dám ước mơ, dám thực hiện và sẽ thành công”. Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đưa ra thông điệp của người lớn là “tất cả cho trẻ em, vì trẻ em và thành phố của trẻ em”.

Một vài kiến nghị và mong ước

* Hiện nay em thấy trên đường có nhiều dây diện rò rỉ, lòi ra mà chưa được sửa. Khi trời mưa gây ra nhiều hậu quả, đã có những bạn học sinh gặp chuyện không may... Chúng em cần sự an toàn mỗi khi bước ra đường đi học, vui chơi giải trí.

* Nạn chăn dắt và bắt trẻ em đi ăn xin hiện đang còn, tuy đã được báo đài phản ánh nhưng vẫn chưa được khắc phục.

* Đừng đánh đập trẻ em vì trẻ em rất sợ bị đánh đập.

* Mong ước có nhiều sân chơi hơn cho trẻ em ngoại thành.

* Hi vọng không còn trẻ em đi ăn xin, bán vé số... Mong cho các bạn này được đi học và sống cuộc sống bình thường như bao bạn nhỏ khác.

* Thành phố sạch hơn và có một ngày đi xe đạp.

* Mắt thấy rác, tay nhặt liền - hành động vì môi trường.

 
Theo Quốc Thanh
Tuổi trẻ
Chia sẻ