Những bà mẹ không thích trẻ con

,
Chia sẻ

Lấy chồng gần 5 năm, sinh đến em bé thứ hai rồi mà N.O vẫn chưa khắc phục được cảm giác thấy con nít là... phát mệt!

“Cứ tưởng con ai...”

N.O cho hay càng ngày cô càng “oải chè đậu” khi phải đối diện với những thắc mắc không ngừng theo kiểu trẻ con từ đứa đầu vừa lên bốn tuổi, chưa kể đến chuyện chăm sóc đứa nhỏ mới gần một tuổi. Không kiếm ra người giúp việc kiêm luôn vai trò trông trẻ, O. năn nỉ rước một bà thím còn khỏe mạnh từ ngoài quê vào TP.HCM, trả “lương” cao, lại còn đóng tiền học cho đứa con sinh viên của thím, cốt chỉ để có người tin cậy giúp đưa rước đứa lớn đi học, chăm sóc đứa nhỏ ở nhà.
 
Phải ráng tìm ai đó trông coi bọn nhỏ, vì ông xã mình công việc rất lu bu. Về phần mình thì nói thật, thương con thì thương, có điều tính mình xưa nay không thích con nít cho lắm. Hễ loay hoay chừng một lát với chúng là mình phát nhức đầu”.
 
N.D.V cũng là trường hợp tương tự. Mở một tiệm tạp hóa lớn tại nhà, V. thích vui với chuyện buôn bán hơn là chơi với đứa con gái ba tuổi rưỡi. Khi bé vừa biết đi chập chững, V. đã gửi sang nhà chị hàng xóm nhờ chị trông giúp, đến 7-8 giờ tối mới đón con về. Nhiều lần chị hàng xóm than phiền: “Ở bên này với tui, con nhỏ ngoan ngoãn, chơi rất vui vẻ, nhưng hễ trả về bên đó là y như rằng hai mẹ con... sanh giặc! Con khóc, ăn vạ; mẹ đánh, mắng um trời. Nhiều khi sốt ruột quá, tối thì tối, tui vẫn trở ngược qua ẵm về nhà tui, thì nó im ru, ngủ ngon tới sáng”.
 

Từ khi con còn nhỏ xíu, chưa gửi được cho ai, thì ở nhà V. cũng ít khi nào tự tay đút sữa, cháo hay làm vệ sinh cho con, mà toàn đùn đẩy cho chồng hoặc người nhà làm giúp. Hễ có ai thắc mắc, V. nói tránh đi là mình rất dở trong những công việc tỉ mỉ.

Còn mẹ cô thì thở ra, kể: “Trước lúc sinh con nó nói rồi, nhà ai cũng thích con nít hết, trong khi nó thì không thích lắm, nên sau này nó sẽ “nhường” lại việc chăm sóc em bé - bất kể cho phía nội hay phía ngoại”. V. nghe mẹ nói mình như thế thì phì cười, tỉnh queo bổ sung: “Con bé thích ba nó chứ hổng có thích em, chắc vì được ba thương nhiều hơn mẹ”.

Trong chuyến nghỉ mát Vũng Tàu nhân dịp nghỉ lễ vừa qua, cả gia đình gồm bố mẹ hai bên và bà con họ hàng được nhiều phen cười... méo xẹo trước sự “vô tư” của T.A. Năm giờ sáng, tập trung tại địa điểm xe chuẩn bị xuất phát từ TP.HCM, nhiều người ngạc nhiên khi thấy T.A ung dung một mình, trong khi cô đã có hai đứa con lít nhít.

Nghe thắc mắc: “Sao không dẫn mấy đứa nhỏ theo chơi cho vui?”, T.A tỉnh queo hai tay chỉ vào hai người - một em họ và một em trai. Quả nhiên hai đứa bé đang cười nói bi bô trên tay hai ông cậu. Khi bị người lớn sai đi xách thùng nước đá, em trai A. trao đứa bé lại cho chị ẵm. Chỉ chốc lát sau, A. đã kêu ầm tên em, la làng: “Mày làm gì thì cũng ráng nhanh nhanh một chút, chứ cứ giao nó cho tao ẵm suốt là sao? Mệt quá trời!”. Tuy đã “rành sáu câu” tính nết con dâu, nhưng nghe bà bác bên cạnh chép miệng: “Con của nó mà nó làm như con ai...”, mẹ chồng của A. vội trách cô: “Con đừng sai em hoài như vậy, tội nghiệp nó. Con mệt thì giao lại cho mẹ trông chừng cháu cho”. Chỉ đợi có thế, T.A mau mắn “đẩy” con lên xe ngồi với bà nội...

Cải thiện

So sánh việc chăm sóc con cái giữa mình với các cô bạn thân, N.O thừa nhận mình còn nhiều thua sút, mặc dù thu nhập của vợ chồng cô đủ để thoải mái trang trải nhiều tiện nghi vật chất cho con. “Sự thua kém của mình ở chỗ ít dành thời gian cho con hơn người khác. Hồi chưa sinh em bé, ngay đối với mấy đứa cháu trong nhà, mình cũng chỉ nựng nịu một chút rồi thôi, chứ ít khi đủ kiên nhẫn giúp trông giữ hay chơi với chúng. Bây giờ con của mình thì rất nhiều việc mình phải đích thân làm lấy, nhưng cũng dễ mệt mỏi, phát cáu, nhức đầu"...

Bất cứ người mẹ nào cũng yêu con cái. Nhưng đối với một số bà mẹ trẻ luôn “ôm” tâm lý ngán ngại con nít như đã kể trên, tình yêu đó phải được cải thiện, bồi đắp thông qua việc cố gắng quan sát trẻ con. Đó là lời khuyên từ kinh nghiệm của nhiều người lớn tuổi.

Khi mang thai, nên dành nhiều thời gian để ý đến những baby xung quanh mình, như vậy từ từ có thể hình thành trọn vẹn suy nghĩ “mình cũng sắp có một baby dễ thương như vậy”, và bắt đầu mong chờ nó. Khi baby chào đời, đừng vội tìm ai đó đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc bé, mà nên tự mình làm lấy. Gần gũi quan sát em bé lớn lên từng ngày với nhiều thay đổi khác nhau, thì dù cho người không thích trẻ con đến mấy tin chắc dần dần cũng sẽ có một tình thương đầy đủ.   
 
Theo Tiểu Kiên
Thanh Niên
Chia sẻ