Nhiều trẻ tàn phế suốt đời do phế cầu khuẩn

,
Chia sẻ

Liệt chân tay, mù lòa, điếc, thậm chí tử vong, căn bệnh viêm màng não do phế cầu đã khiến không ít trẻ đang lành lặn trở nên tàn phế chỉ sau vài tuần phát bệnh.

Đưa con trai 3 tuổi nhập viện từ giữa tháng 7 sau đó thất vọng đành chở về, chị Hà nhà ở Vĩnh Long cho biết, căn bệnh viêm màng não do phế cầu đã khiến con chị bị điếc vĩnh viễn.

“Thật không ngờ bệnh lại trầm trọng như vậy bởi ban đầu con tôi chỉ bị sốt, nghĩ không sao nên không đưa đi khám. Đến khi nhập viện thì đã quá muộn. Điều trị mãi mà cháu vẫn không thuyên giảm”, chị Hà nói.

Trẻ mắc viêm màng não đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương.

Cũng có con bị chứng viêm màng não, anh Hưng ngụ tại Tây Ninh cho hay, dù các bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng căn bệnh viêm màng não đã khiến con anh bị liệt chi, phải nằm một chỗ chỉ sau một tháng phát bệnh.

“Vợ chồng tôi phát hiện con bị sốt sau đó nôn ói và co giật. Đưa đi phòng mạch tư, bác sĩ nghi bị động kinh và cho thuốc điều trị, đến ngày thứ 3 cháu hôn mê. Chúng tôi đưa bé về TP HCM để chữa trị nhưng vẫn không kịp”, anh Hưng nói.

Trường hợp bé Tâm, nhà ở quận 12, TP HCM, cũng thương tâm không kém. Nhìn đứa con sống đời sống thực vật, mẹ bé xót xa cho hay, gia đình đã dốc hết tài sản để chữa trị nhưng bệnh nhi vẫn không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, mỗi năm khoa nhận điều trị từ 600 - 800 trẻ viêm màng não, trong số đó có hơn 150 trường hợp bị viêm màng não do phế cầu khuẩn xâm lấn.

“Nguyên nhân khiến viêm màng não do phế cầu trở nên nguy hiểm, khó khăn trong điều trị là do loại phế cầu khuẩn xâm lấn vốn kháng thuốc”, bác sĩ Khanh cho hay.

Tại VN, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa lạnh. Thời gian phát bệnh đối với phế cầu khuẩn xâm lấn theo bác sĩ Khanh là khá nhanh. Có khi chỉ sau 48 giờ đồng hồ đã dẫn đến hôn mê. Do đó khi thấy trẻ sốt, đau đầu, nôn ói thì nên đưa đi khám. Những trường hợp phát hiện sớm vẫn có thể khống chế được bệnh sau 3 tuần điều trị.

Cũng theo ông Khanh, phế cầu khuẩn vốn khu trú ở đường hô hấp, trẻ dưới 5 tuổi thường là đối tượng mà loại khuẩn này tấn công. Tuy nhiên điều kiện thuận lợi nhất là khi trẻ bị viêm nhiễm ở tai - mũi - họng. Chính vì thế, khi thấy trẻ bị bệnh tai mũi họng thì phải điều trị cho đến khi hết bệnh để hạn chế khả năng xâm lấn.

Ngoài gây viêm màng não, bác sĩ Khanh cho biết, phế cầu khuẩn còn gây chứng viêm phổi. Việc điều trị nói chung cũng gặp khó khăn do kháng thuốc.

Bên cạnh việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời, theo bác sĩ Khanh, tiêm văcxin là một trong những biện pháp phòng phế cầu khuẩn tấn công. Tuy nhiên cho đến nay, văcxin ngừa phế cầu khuẩn vẫn chỉ tạo ra hệ miễn dịch tương đối.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ