Nhiều bé trai bị hẹp bao quy đầu

Ngọc Linh,
Chia sẻ

Có tới gần 90% trẻ bị hẹp bao quy đầu (BQĐ) nhưng hầu hết cha mẹ đều không nhận biết được dấu hiệu trẻ bị chít hẹp, hay không muốn cho trẻ đi chích BQĐ

“Lớn lên sẽ khỏi”

Đó là quan niệm của rất nhiều người dù bác sĩ bảo bé bị hẹp bao quy đầu, nên chích. Thậm chí, có bà mẹ muốn cho con đi chích nhưng ông bà nội, ngoại nhất quyết không cho. Ông bà đưa ra “nhân chứng sống” là bố thằng cu, ngày xưa cũng hẹp, tè phồng hết cả đầu chim, mà giờ cũng tự khỏi, lấy vợ, sinh con, làm sao phải chích cho bé phải chịu đau đớn.

Chị Nguyễn Thu Vĩnh vì không nghe theo lời khuyên của bố mẹ, đưa bé trai 8 tháng tuổi đi chích bao quy đầu đã bị ông bà giận ra mặt hàng tuần liền không hỏi han. Nhất là sau khi chích, vì vệ sinh không cẩn thận, chu đáo (sợ con đau), bao quy đầu của bé lại dính lại như chưa chích. Hay chị Hằng P.734, CT2A Văn Quán, Hà Đông năm lần bảy lượt định cho con đi chích bao quy đầu, vì lần nào bé ho, xổ mũi đưa đi khám, chị đều nhờ bác sĩ khám đầu chim cho con, do đầu chim bé luôn đỏ, tè hay dặn, rồi lần nào bác sĩ cũng khuyên chích, nhưng chị lại không dám trái ý bố mẹ hai bên nội ngoại.

Hẹp BQĐ là tình trạng lớp da ở phần đầu của dương vật không tụt được xuống để lộ phần quy đầu dương vật. Đa số trẻ hẹp bao quy đầu sinh lý, "bao da" vẫn bọc ngoài quy đầu mà không cản trở việc đi tiểu nhưng đến 1-2 tuổi quy đầu không lộ ra là hẹp BQĐ. Nếu trẻ có dấu hiệu bí tiểu, hay khi đi tiểu thì khóc thét và bao quy đầu căng phồng như bong bóng thì có thể cháu bị hẹp bao quy đầu thật sự, khi đó bố mẹ cần đưa đến bác sĩ khám.

GS Nguyễn Thu Nhạn, chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, có tới gần 90% trẻ nam bị hẹp bao quy đầu (BQĐ). Tuyu nhiên, hầu hết cha mẹ đều không nhận biết được dấu hiệu trẻ bị chít hẹp, hay không muốn cho trẻ đi chích BQĐ.

Theo GS Nhạn, cha mẹ có tâm lý ngại cho con đi chích bao quy đầu một phần là do ông bà không đồng ý, nhưng quan trọng hơn, họ không ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh. Nhiều người như bố mẹ chị Hằng đều có quan niệm: “Trẻ con, đứa nào chẳng bị hẹp bao quy đầu, lớn khắc tự khỏi. Ở nông thôn, có đứa trẻ nào phải đi chích, mà vẫn lớn lên, lấy vợ, sinh con đẻ cái như thường”.

Mối nguy trước mắt

Khi nhỏ, cha mẹ không ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh, không cho trẻ đi chích bao quy đầu. Đến khi lớn, nhiều người vì xấu hổ không dám đi phẫu thuật mà không có được hạnh phúc trọn vẹn khi lập gia đình.

Hẹp bao quy đầu nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tiểu, lâu ngày sẽ gây viêm nhiễm. Hậu quả lâu dài có thể dẫn tới viêm đường tiết niệu hoặc ảnh hưởng tới thận, thậm chí gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này. Nguy hiểm hơn, đó là nhiều người bị ung thư dương vật, phải cắt bỏ hoàn toàn “cậu nhỏ” cũng vì nguyên nhân hẹp bao quy đầu bẩm sinh.

Theo TS Nguyễn Sĩ Hoá, Phó Viện trưởng Viện Da liễu quốc gia, có nhiều nguyên nhân gây ung thư dương vật, trong đó, phần lớn là do chít hẹp bao quy đầu. Trên thực tế, 90% bệnh nhân ung thư dương vật có tật hẹp bao quy đầu và khoảng 80% số đó phải cắt bỏ hoàn toàn dương vật.

Theo TS Hoá, hẹp bao quy đầu không trực tiếp gây ung thư, nhưng nó tạo điều kiện viêm mạn tính niêm mạc bao quy đầu và quy đầu. Tổn thương viêm kéo dài nhiều năm làm biến dị tế bào niêm mạc, biến hoá dần thành ung thư. Và sau khi đã cắt bỏ, khả năng làm chồng, làm cha là rất khó khăn dù được tạo hình dương vật giả.

Vì thế, theo các bác sĩ, nếu trẻ hẹp bao quy đầu, cha mẹ nên tin tưởng nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Vì không phải trường hợp nào cũng cần tách, có những trường hợp, nếu người mẹ vệ sinh bao quy đầu sạch sẽ cho trẻ dần dần tình trạng này sẽ khỏi. Khi tắm cho trẻ, bố mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho con. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, sự tích tụ các "bựa" trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây chính là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Lâu dần thành viêm đường tiết niệu, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này vàdễ dẫn tới ung thư dương vật.

Còn nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại, trẻ hay gãi ngứa ở đầu dương vật, đi tiểu tiện đau buốt, thấy đầu dương vật sưng đỏ, hoặc khi nhìn thấy có những nốt hay cục màu trắng ngà nằm ở trong bao quy đầu… thì nên đưa trẻ đi khám và yên tâm nghe theo chỉ định của bác sĩ. Vì kỹ thuật tách bao quy đầu rất đơn giản, chỉ cần cắt chỗ chít hẹp ở quy đầu.

Việc xử lý hẹp bao quy đầu cần thực hiện càng sớm càng tốt (1- 2 tuổi) và muộn nhất là trước tuổi dậy thì. Nếu để quá tuổi trưởng thành mới can thiệp, bao quy đầu sẽ khó bóc tách hết, chưa kể những trường hợp đã có biến chứng xơ chai hoặc ung thư do “tù hãm” quá lâu. Khi đó, dương vật đã có viêm mạn tính biến đổi thành tiền ung thư hoặc ung thư.

Theo Ngọc Linh
Dân trí
Chia sẻ