Nhật ký chăm con ngày sơ sinh

,
Chia sẻ

Mẹ loay hoay không biết ẵm con thế nào. Cái này mẹ chưa hỏi ai, cũng chưa tìm đọc vì …không nghĩ ẵm em bé lại khó như vậy. Con còn bé quá, mà mẹ lại vốn rất vụng về...

Cô hộ lý nhắc mẹ nên cho con bú sữa non, vì nó tốt cho hệ miễn dịch của con. Mẹ loay hoay không biết ẵm con thế nào. Cái này mẹ chưa hỏi ai, cũng chưa tìm đọc vì … không nghĩ ẵm em bé lại khó như vậy. Con còn bé quá, mà mẹ lại vốn rất vụng về. Mẹ cầu cứu bà ngoại.

Ngày thứ nhất: Con oe oe tiếng khóc đầu tiên trong tay cô hộ lý. Mẹ dù mệt nhoài vẫn cố ngoái đầu nhìn cách cô tắm con. Mẹ tranh thủ học hỏi từng chút một. Kinh nghiệm thì không bao giờ cũ và thừa.
 
Cô hộ lý nhắc mẹ nên cho con bú sữa non, vì nó tốt cho hệ miễn dịch của con. Mẹ loay hoay không biết ẵm con thế nào. Cái này mẹ chưa hỏi ai, cũng chưa tìm đọc vì …không nghĩ ẵm em bé lại khó như vậy. Con còn bé quá, mà mẹ lại vốn rất vụng về. Mẹ cầu cứu bà ngoại.
Bà đặt con vào lòng mẹ, kê đầu con dựa vào khủy tay mẹ. Bà dặn phải để đầu con cao hơn bầu sữa một chút cho con dễ nuốt. Bà còn dạy mẹ cách dùng 2 ngón tay “điều chỉnh” lượng sữa không cho xuống quá nhanh con nuốt không kịp. Và quan trọng là luôn quan sát không để cái mũi bé xíu của con bị ngộp.
 
Ngày thứ 10: Con bị sổ mũi do thời tiết thay đổi. Nhìn con không ngủ được, bú không ngon bữa vì nghẹt mũi, mẹ lo buồn không ăn nổi. Mẹ học theo bác sĩ chỉ nhỏ nuớc muối sinh lí 0,9 % và làm vệ sinh mũi cho con thôi. Bà ngọai không chịu, bảo phải cho con uống thuốc thì mới mau hết bệnh.

Mẹ nhất định không nghe. Ngoại giận. Cái khó ló cái khôn. Mẹ nghĩ ra cách cho con uống thuốc gián tiếp bằng cách: mẹ uống thuốc và con bú sữa mẹ. Nhờ uống thuốc tự chế của mẹ cộng với việc được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng nước muối, 3 ngày sau con khỏi bệnh. Mẹ vui, bà ngoại vui mà con cũng vui vì con đã có thể bú mẹ thoải mái, không sợ bị nghẹt mũi nữa.

Ngày thứ 15: Ban ngày con ngủ thật ngon giấc, cái môi bé xíu dẩu lên, thỉnh thoảng chép chép miệng như đang ngậm vú. Mẹ ngắm con mãi, đôi khi thấy thừa thãi tay chân, không biết làm gì.

Nhưng cứ đêm về là con trở mình liên tục, cứ quấy khóc đòi ẵm, đòi bú. Cứ một tiếng đồng hồ con lại giật mình. Một tiếng động nhỏ cũng làm con mở mắt và khóc oe oe. Mẹ gần như thức trắng đêm để luôn bên cạnh con, vỗ về con.

Con mẹ vừa ra đời, chưa quen với ban ngày và ban đêm, chu kì sinh học của con vẫn chưa khớp với môi trường mới. Ban ngày con lại thích ngủ, ban đêm thức chơi làm cả nhà cũng phải thức theo. Bà ngoại nói con nít đứa nào cũng vậy, ra tháng là hết thôi. Mẹ không thể chịu đựng thêm vì xót con hay giật mình, mà cả nhà cũng không ai ngủ được với con nên nhất định phải tập cho con quen dần với môi trường mới thôi.

Thế là ban ngày mẹ mở toang cửa sổ, kéo rèm cửa cho nắng rọi vào phòng. Mẹ treo chuông gió lên thành nôi để con có thể nghe được những âm thanh du dương hòa vào âm thanh cuộc sống. Mẹ lùa náo nhiệt vào phòng. Mẹ hát cho con nghe, trò chuyện với con, massage tay chân con giúp con quên đi cơn buồn ngủ.

Ban đêm, mẹ chỉ để sáng một bóng đèn trái ớt. Phòng ngủ thật yên tĩnh. Mẹ quấn khăn ôm sát 2 tay con vào người để con không quẫy đạp nhiều. Mẹ hát ru nhè nhẹ, nhè nhẹ, tay vỗ đầu đều lên mông con. Con nhẹ nhàng ngủ thiếp đi sau khi bú no. Đêm nào mẹ cũng làm như thế.

Rồi một ngày con phân biệt được đêm và ngày. Đêm con ngủ, ngày con chơi. Mẹ đã có thể luôn tay luôn chân với chú bé hiếu động. Vẫn mệt nhưng vui vì mẹ đã tạo được bước thích nghi đầu tiên cho con trong cuộc sống mới mẻ này.
 
Theo Lâm Thị Lệ Sương
23/20 TTH 10, p.TTH, Q12, Tp.HCM
Vnexpress
Chia sẻ