Nhà có cháu đích tôn

Theo TGPN,
Chia sẻ

Bố mẹ chồng tôi đã “chỉ thị”, nhất định cháu đích tôn của họ phải học ở ngôi trường này. Họ đã chấm và tôi có trách nhiệm thực hiện bằng mọi giá.

Mấy ngày hôm nay, tôi cứ như người ngồi trên đống lửa, lo lắng không biết chuyện xin học vào cấp hai cho con trai liệu có “đầu xuôi đuôi lọt” mặc dù tôi chẳng tiếc chi phí, miễn sao được việc. Việc này mà lo không xong, tôi chỉ có nước chết. Bố mẹ chồng tôi đã “chỉ thị”, nhất định cháu đích tôn của họ phải học ở ngôi trường này. Họ đã chấm và tôi có trách nhiệm thực hiện bằng mọi giá.

Tôi kinh doanh nhiều năm rồi nhưng quả thực thương trường cũng không khiến tôi cảm thấy áp lực bằng chuyện con cái. Gánh nặng nuôi dạy thằng cháu đích tôn của cả họ quấn lấy tôi cả ngày lẫn đêm. Tôi luôn được bố mẹ chồng nhắc nhở về bổn phận làm mẹ, về trọng trách của người con dâu trong việc nuôi dạy cháu đích tôn cho gia đình chồng.

“Nhà này không thiếu tiền, không cần tiền, con không cần phải lo kiếm tiền làm gì cho mệt. Thời gian ấy ở nhà mà lo nuôi dạy thằng Gia Bảo cho nên người”, bố chồng đã nói thẳng với tôi như vậy khi thấy tôi tối ngày lo chuyện kinh doanh. Tôi đã nhờ khắp nơi tìm một gia sư giỏi, tối tối đến tận nhà kèm riêng con trai học, cốt để bố mẹ chồng bớt lo lắng và trách cứ. Trong mắt ông bà, cháu đích tôn luôn là nhất, nó có sẵn trong mình tố chất của một luật sư tương lai, sau này kế tục nghề chánh án như ông nội. Họ đặt kì vọng vào Gia Bảo và áp lực nặng nề lên vai người đã sinh thành ra nó.
 

Ngày nào cũng vậy, cả nhà, từ ông bà, bố mẹ cho đến người giúp việc, tất thảy tập trung vào một mối quan tâm là Gia Bảo. Từ chuyện ăn sáng, thực đơn giàu dinh dưỡng cho bữa tối đến chuyện mặc gì, thích gì của cậu ấm. Sáng nào ông bà cũng tiễn cháu đích tôn đi học, trìu mến thơm lên gò má của cháu và không quên dặn dò cháu cố gắng học tốt, dành được nhiều điểm 10 để tối về ông bà còn thưởng. Tôi hiểu rõ sức học và trí lực của con trai mình. Để có được điểm 9, điểm 10 đối với thằng bé thật là khó khăn. Năm học nào tôi cũng phải chạy vạy, ngoại giao bằng mọi cách để có thể đảm bảo cầm được trong tay tờ giấy khen học sinh giỏi xuất sắc về báo cáo với bố mẹ chồng như một bảng tổng kết quá trình nuôi và dạy dỗ con của tôi sau mỗi năm học của thằng bé. Tôi lo lắng, mất ăn mất ngủ về điểm số của con trai hơn cả cu cậu. Chiều nào cũng vậy, dù bận đến mấy tôi cũng phải tranh thủ lái xe đến trường đón con trai. Câu đầu tiên khi đón con bao giờ cũng là “hôm nay con được mấy điểm?” để nhỡ bị điểm kém là bày cách cho con lấp liếm với ông bà. Biết mình làm vậy là sai, vô hình trung mẹ dạy con nói dối, chẳng khác nào “vẽ đường cho hươu chạy” nhưng cực chẳng đã tôi đành chọn giải pháp an toàn cho cả hai mẹ con.

Là mẹ nhưng tôi hầu như không có quyền gì trong việc dạy dỗ con cái. Từ chuyện học cái gì, chơi cái gì, ăn cái gì, mặc cái gì cũng đều do ông bà nội quyết định. Ấy vậy nhưng nếu con trai tôi mắc phải lỗi lầm gì thì người đầu tiên bị quy trách nhiệm là mẹ của nó. Tôi nhận ra, sự nuông chiều một cách vô điều kiện, cả sự kì vọng không có cơ sở của người lớn đã đẩy con trai tôi trở thành một đứa trẻ khó ưa, bị bạn bè cùng lớp ghét bỏ vì tính ích kỉ, muốn gì được nấy và cả sự tự mãn hão của nó.

Tôi hiểu mình cũng đang dần làm hỏng thằng bé, biến nó trở thành một đứa trẻ xấu tính nhưng tôi không biết sẽ phải hóa giải những mâu thuẫn, những sai lầm ấy của người lớn bằng cách nào. Từ lâu, tôi đã cố biến mình trở thành một nàng dâu tốt, nhất nhất nghe theo mọi sự sắp đặt của bố mẹ chồng, những người có quyền, có tiền và cả có danh, lầm tưởng đó là sự hiếu lễ, bổn phận của một người con dâu trong gia đình chồng. Giờ tôi cứ loay hoay, khổ sở vì không biết sẽ phải bắt đầu từ đâu.

Chia sẻ