Nguyên tắc thêm gia vị khi chế biến thức ăn cho con

Gia Linh,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Một vài những gợi ý trong viên dùng gia vị khi chế biến thức ăn cho con sẽ giúp các mẹ đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Đồ ăn thừa muối sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ

Khi chế biến thức ăn cho con, nếu mẹ cho nhiều muối sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ như:

- Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm cho tuyến nước bọt của trẻ bị giảm, gây lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, làm viêm nhiễm đường hô hấp.

- Ăn nhiều muối khiến cơ thể kém hấp thu kẽm. Khi cơ thể thiếu kẽm, bé sẽ biếng ăn, khó ngủ và chậm lớn.

- Chế độ ăn nhiều muối sẽ khiến tim đập nhanh và làm tăng gánh nặng cho thận. Trong khi đó thận của trẻ vẫn còn yếu nên dễ gây nên những tác hại không lường trước được.

- Nếu con có thói quen ăn mặn ngay từ khi còn nhỏ thì sẽ rất khó thay đổi khi lớn lên. Chính thói quen này có thể là nguyên nhân gây ra chứng cao huyết áp và một vài căn bệnh khác sau này. Vì vậy mẹ hãy rèn cho bé thói quen ăn nhạt ngay từ khi bắt đầu ăn dặm.

Làm thế nào để tính toán lượng muối vừa đủ cho con?

Khi chế biến thức ăn cho con, các mẹ phải tính toàn lượng muối nạp vào cơ thể bé mỗi ngày để không bị quá dư thừa. Thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm (6 tháng tuổi) thì khi chế biến thức ăn cho con mẹ không nên thêm muối hay gia vị khác. Sau thời gian này, lượng muối cho bé theo từng độ tuổi cụ thể như sau:

- Bé 1-3 tuổi: 1,5gram /ngày.

- Bé 4-8 tuổi: 1,9gram /ngày.

- Bé 9-13 tuổi: 2,2gram /ngày.

- Bé 14-18 tuổi: 2,3gram /ngày.

Nguyên tắc thêm gia vị khi chế biến thức ăn cho con 1
Ảnh minh họa.


Lượng nước mắm dùng cho bé chỉ nên khoảng 1/3 thìa cafe rồi tăng dần. Nên nêm nhạt vì vị giác của bé còn rất nhạy. Nêm vừa miệng người lớn là quá mặn đối với bé.

Chế độ ăn ít muối sẽ làm giảm lượng natri nhưng ngược lại sẽ làm tăng lượng kali và magie. Những chất này đóng vai trò tích cực trong việc giảm huyết áp. Các mẹ có thể dùng muối có lượng natri thấp thay vì dùng muối thường để chế biến đồ ăn cho con.

Một số bà mẹ chú ý tới việc khống chế lượng muối khi chế biến thức ăn cho con. Tuy nhiên, họ lại vô tình bỏ qua những đồ ăn khác chứa nhiều muối như dưa muối, thịt hun khói, cá muối, thậm chí là rau bina và những loại rau màu xanh đậm cũng chứa nhiều muối. Bởi vậy, trong chế độ ăn hàng ngày của con, các mẹ hãy chú ý để cân đối.

Nếu cho bé ăn ít muối (hoặc không ăn muối, nước mắm) thì các mẹ cũng không sợ thiếu muối cho cơ thể vì trong thực phẩm tự nhiên (thịt, cá, rau, quả...) dù không nêm cũng đã có một lượng natri (muối là NaCl). Khi đó, cơ thể bé tự khắc sẽ điều tiết theo hướng tiết kiệm natri, không cho thải ra nước tiểu nhiều.

Ăn ít bột ngọt

Thức ăn có chứa quá nhiều bột ngọt sẽ khiến trẻ bị khô miệng, ngứa, đau đầu, buồn nôn, tăng nhịp tim và nhiều triệu chứng khác. Ngoài ra, nếu trẻ thường xuyen ăn phải đồ ăn có chứa nhiều bột ngọt thì sẽ bị thiếu kẽm cấp tính gây chậm phát triển. Bởi vậy, các mẹ nên chú ý tới lượng bột ngọt khi chế biến thức ăn cho con.

Một số loại gia vị khác có thể dùng để kích thích sự thèm ăn ở trẻ

Khi nấu đồ ăn cho con, các mẹ có thể dùng những loại gia vị có sẵn trong nhà để làm tăng hương vị giúp kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Theo gợi ý của các chuyên gia sức khỏe thì các mẹ nên dùng các loại thảo mộc để làm tăng mùi vị . Điều này cũng giúp trẻ làm quen với vị của nhiều loại thức ăn trong gia đình.

- Vỏ cam có thể bào sợi hoặc băm nhỏ để chế biến cùng thịt bò.

- Bột  nghệ, rau mùi nấu cùng với súp khoai tây, thịt bò sẽ rất ngon.

- Không cho trẻ dùng gia vị có chứa màu công nghiệp.



Video dưới đây sẽ hướng dẫn các mẹ cách chế biến thức ăn cho con mà ít bị mất chất nhất.
Nguyên tắc thêm gia vị khi chế biến thức ăn cho con 2
Chia sẻ