Nguy hiểm kiểu người lớn "sờ trym" trẻ con

,
Chia sẻ

Tim cứ đến cơ quan là các chú ở cơ quan mẹ lại đưa tay sờ nắn chim của bé: "Xem trym to không hay bay đi mất rồi?"

Không phải chuyện đùa

1. Nghỉ hè, hôm nào không có ai trông, mẹ Tim đành đưa con đến cơ quan chơi. Thế nhưng Tim cứ đến cơ quan là các chú ở cơ quan mẹ lại đưa tay sờ nắn chim của bé. Nhất là chú Khánh, vạch hẳn quần của Tim lên và nói to: “Xem giống bố nó chưa này? Mới sờ vào đã cong vống lên...”.

Tưởng mọi chuyện thế là qua đi. Nhưng mẹ Tim phát hiện ra, sau mấy lần như thế, ở nhà, Tim lại tranh thủ nằm sấp để di chim xuống giường. Mẹ đã bắt gặp mấy lần, dùng mọi biện pháp nhắc nhở: “Tim không nên làm thế. Như vậy là hư, là xấu”.

2. Bé Bill mới có 5 tuổi, hay sang chơi với các anh sinh viên trọ ở gần nhà. Có hôm, bố Mạnh đón con về phát hiện chuyện động trời. Một cậu sinh viên cởi quần bé và nằm đè lên. Bố tức lắm, cấm tiệt không cho con sang chơi với nhà hàng xóm. Thế nhưng về đến nhà, con lại có những hành động kỳ quặc. Nằm sấp trên sàn nhà, bé gồng người lên, gồng chân lên và rung rung phần dưới.

Mẹ Bill đã kiểm tra và thực sự bị sốc, không hiểu chuyện gì xảy ra. Trym của bé cũng to lên. Hai bố mẹ đánh Bill một trận và dọa nạt. Nhưng mấy lần bố mẹ không để ý, quay lại đã thấy con lén lặp lại hành động kia và mồ hôi toát ra.

Vẽ cho hươu chạy đúng đường

Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, cách đùa, trêu chọc trẻ như trên là rất phổ biến ở Việt Nam và được bao biện rằng đó chỉ là đùa cho vui.

Rất nhiều bố mẹ lâm phải những tình huống dở khóc dở cười như bố mẹ Tim và bố mẹ Bill. Với những gia đình có con trai, bố mẹ nên để ý và nhắc nhở người lớn đừng chơi kiểu sờ trym trẻ con với những câu nửa đùa nửa thật: “Xem nào, to không”, “Trym mất đâu rồi”, “Cắt bớt đi nhé...”. Do đó, khi thấy có người đùa con mình theo cách trên, cha mẹ nên nói thẳng: "Bác đừng làm như vậy, cháu nó không thích đâu", chứ không nên vì nể nang mà bỏ qua.

Những kiểu đùa đó dễ làm cho con trẻ bị ấn tượng và có những thói quen, hành động xấu. Các bé sẽ quá chú ý tới chỗ đó, không tốt cho sự phát triển giới tính. Trẻ quen bị đùa theo cách này sẽ không biết tự vệ khi thực sự bị xâm hại tình dục. Có những cậu bé học cách nghịch này và áp dụng với bạn bè, trở thành kẻ xâm hại.

Bố mẹ cần dạy con không để ai chạm vào cơ quan sinh dục. Bố mẹ tránh để con nhìn thấy những cảnh nóng ở ngoài đời hay trên phim ảnh. Nếu bắt gặp con có những hành động kỳ quặc, bố hãy nói chuyện với con trai như những người đàn ông.

Có rất nhiều cách thủ thỉ tâm tình với con: “Con làm việc đó là không nên. Hồi nhỏ bố không bao giờ làm thế. Chú A/anh B làm thế là sai rồi. Cứ làm như thế này, con sẽ bị ốm và phải vào bệnh viện...”.

Bố mẹ không nên đánh mắng con. Hãy bày cho con nhiều hoạt động vui chơi, tránh để con ở một mình trong phòng. Một thời gian sau, con sẽ quen thôi. Đừng quên dành thời gian để ý, theo dõi xem con có hành động như thế nữa không.

Một quan điểm chung mà rất nhiều các nhà tâm lý học, chuyên gia tâm lý đã đưa ra là cởi mở, không giấu con điều gì về giới tính. Nếu biết rõ rồi thì con sẽ ít tò mò, cho đó là chuyện bình thường, như là một môn khoa học về con người vậy. Bố mẹ không nên xem đó là việc sau này lớn con sẽ tự biết. Hãy giải thích cho con thế nào để con hiểu theo từng độ tuổi. Thà "vẽ đường cho hươu chạy" mà đúng đường còn hơn là để hươu tự chạy mà sai đường.

Lương Hoàng
(Tổng hợp)
Chia sẻ