Nguy hiểm khi bé đột nhiên nói ngọng

M&B,
Chia sẻ

Bé Nga được phát hiện đột nhiên nói ngọng khi cô giáo gọi bé lên đọc bài. Đến khám về âm - ngữ trị liệu, bố mẹ bé cho biết bé còn nuốt khó, thức ăn trào lên mũi.

Đây là trường hợp thứ hai mà khoa Phục hồi chức năng gặp với bệnh cảnh giống hệt nhau: ở độ tuổi 6-7, sức khỏe bình thường, đang đi học, đột nhiên ngọng và ăn thức ăn lỏng bị trào ngược lên mũi. Cả hai trường hợp đều được khám nhiều chuyên khoa như nội thần kinh, tai mũi họng, tâm lý, cuối cùng chuyển đến khoa phục hồi chức năng để giải quyết vấn đề ngọng.

Với bệnh cảnh ngọng và nuốt khó, thức ăn trào lên mũi, có khả năng là vấn đề rối loạn chức năng của cấu trúc ngạc mềm (gồm có lưỡi gà và màng khẩu cái mềm). Qua thăm khám, chuyên viên âm - ngữ trị liệu cho ra chẩn đoán là lưỡi gà và màng khẩu cái mềm này bị mất vận động, do đó không thực hiện được chức năng đóng khoang mũi, nên thức ăn khi di chuyển đến cuống lưỡi một phần bị ép đẩy lên khoang mũi, trào ra mũi.
 

Một chức năng vận động khác của nhóm cơ này là chức năng phát âm cũng được lượng giá, để củng cố thêm chẩn đoán. Kết qủa của cả haibé nêu trên đều không phát âm được các âm tạo bởi ngạc mềm, là âm /k/, /kh/, /ng/, do đó phát âm sai các từ “cá”, “khỉ”, “ngựa”. Và do ngạc mềm không làm được cử động đóng khoang mũi, nên các âm /t/, /th/ hơi bị thoát lên mũi, các từ như “thỏ” nói thành “ỏ”, “thành” nói là “ành”.

Được hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi, sau hai tuần cả haibé đều trở lại bình thường về ăn và phát âm. Do vấn đề chức năng vận động của ngạc mềm liên quan đến thần kinh sọ thiệt hầu,mất sự chỉ huy của thần kinh là vấn đề không nên xem thường, do đó trao đổi thêm chuyên khoa có liên quan là tai - mũi - họng, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn cho biết trong y văn, nguyên nhân của chứng này có thể do virus hoặc u não, nếu có diễn biến xấu cần khám theo dõi chuyên khoa nội thần kinh.

Như vậy, vấn đề bỗng dưng nói ngọng kèm khó khăn ăn uống xảy ra với cácbé như kể trên, các phụ huynh có thể cho cháu đến khám ở các chuyên khoa như tai - mũi - họng, nội thần kinh hoặc phục hồi chức năng nhi, để được tư vấn, can thiệp đúng, ngừa các diễn biến xấu ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và học tập của bé.
 
Chia sẻ