Ngày mẹ sinh con

Mẹ Bảo Anh,
Chia sẻ

Đó là một ngày rất đẹp, mẹ chắc chắn thế…

Mai là sinh nhật mẹ. Còn chừng 10 ngày nữa thì con sẽ chào đời. Mẹ định nốt ngày mai sẽ nghỉ làm nên chiều nay đã gói ghém công việc, bàn giao lại cho đồng nghiệp, ngày mai làm một cái tiệc nho nhỏ mừng sinh nhật và tạm biệt mọi người trước khi nghỉ sinh con. 5h30’, nhân lúc đợi bố con đến đón, mẹ gọi điện hỏi thăm mẹ Cún, hôm nay đầy tháng Cún mà chẳng đến được. Bất thình lình mẹ thấy hình như… con đòi ra. Một dấu hiệu rất khẽ khàng, rồi lại thôi. Mẹ tự nhủ, chắc mình tưởng tượng ra thôi, còn những 10 ngày nữa cơ mà.

Buổi tối bố đưa mẹ đi ăn mừng sinh nhật sớm, mẹ tung tẩy váy áo, bố cười: “Làm mẹ đến nơi rồi mà xì tin quá đấy!”. Bà ngoại gọi điện chúc mừng, mẹ tiện miệng kể cho bà nghe chuyện lúc chiều, bà cuống cuồng kêu: “Ôi trời ạ thế là sắp đẻ rồi, vào viện ngay, vào viện ngay!”. Mẹ còn cố cãi: “Nhưng mỗi thế thôi ạ, từ lúc ấy đến giờ thì chẳng có gì”. Bà vẫn khăng khăng bắt mẹ vào viện, mẹ cũng ậm ừ, rồi lại cắm mặt vào đánh chén, lòng thầm nghĩ cứ chén đã, hì hì… Chừng như không yên tâm, bà ngoại lại gọi điện cho bố bắt bố hứa là đưa mẹ vào viện ngay.

Về nhà, bố mẹ cứ ngồi nhìn nhau băn khoăn: “Có vào viện luôn không nhỉ? Em thấy chả có dấu hiệu gì thêm cả?”, bố bảo: “Thôi cứ vào đi, kiểm tra xem, không tí nữa bà lại gọi điện thì không biết nói thế nào”. Thế là vào viện lúc 9h tối. Cô bác sĩ khám cho mẹ hỏi:

- Em bị đau à?

- Không ạ

- Thế ra nước ối à?

- Không ạ, à có một tí tẹo lúc chiều, em không rõ lắm là có phải không?

- Thế giờ còn không?

- Không ạ

- Thế có cơn đau nào không?

- Không ạ

- Thế sao lại vào viện? - Hơ hơ, câu này thì mẹ chịu không biết nói làm sao. Rồi cô ấy chỉ cho mẹ sang phòng theo dõi bảo nằm đó 2 tiếng để theo dõi, tính từ 9h15’ 

11h, mẹ quay lại phòng khám, chẳng có dấu hiệu gì, cô bác sĩ hỏi:

- Em nằm được bao lâu rồi?

- 15 phút nữa là 2 tiếng chị ạ!

- Thế quay lại nằm tiếp đi, khi nào đủ 2 tiếng thì quay lại đây! – Mẹ thấy cô í thật là máy móc, đành quay lại phòng theo dõi. Chỉ tội bố con, cứ ngáp ngắn rồi lại ngáp dài, lóc cóc đi theo mẹ.

11h15’, mẹ quay lại phòng khám lần nữa. Ôi trời ơi! Máu! Có máu!

- Bảo người nhà đi làm thủ tục nhập viện đi em! - Cô bác sĩ lạnh lùng. Còn mẹ thì rơi vào tâm trạng bâng khuâng khó tả. Thế là con sắp ra đời rồi sao? Mẹ run, mẹ hồi hộp, mẹ lo lắng, mẹ bối rối. Cô bác sĩ bảo làm gì mẹ làm nấy, rồi mẹ cứ níu tay bố con thì thầm: “Sắp thấy con rồi hả anh?”.

Làm xong thủ tục nhập viện thì mẹ vào phòng chờ sinh. Lúc này thì bác con cũng đã vào với mẹ, bác cứ bảo mẹ bình tĩnh đi, không sao đâu, cả bố con cũng thế. Hu hu, mọi người cứ thử chuẩn bị đẻ đi, xem có bình tĩnh được không. Mẹ đứng, mẹ ngồi, mẹ nằm, rồi lại đứng, lại ngồi, lại nằm. Trong khi đó bác con và bố con thì mỗi người chiếm một cái ghế chờ ngoài hành lang để… ngủ, kèm lời dặn dò: “Có gì thì gọi nhé!”.

Qua 12h đêm vài phút thì cơn đau đầu tiên xuất hiện. Ngày sinh nhật mẹ bắt đầu như thế đấy, có lẽ là con đang múa hát tặng mẹ cũng nên. Rồi cứ một tiếng một lần mẹ lóc cóc sang phòng sinh để khám xem con đã sẵn sàng đến đâu rồi. Những cơn đau thì cứ tăng dần, mẹ tự nhủ phải bình tĩnh, phải cố gắng. Suốt cả đêm mẹ chẳng thể nào chợp mắt được. Con cũng thật gan lì, đến 9h sáng mà vẫn chưa có vẻ gì là sẵn sàng cả, cứ trêu cho mẹ đau vậy thôi.

9h30’, bác sĩ trưởng khoa gọi mẹ vào khám lần cuối và hỏi mẹ có nguyện vọng sinh thường hay mổ? Mẹ thật anh hùng, bảo rằng mẹ muốn sinh thường. Rõ rồi, nếu định mổ thì mẹ đâu có ở đây đến tận giờ này, trải qua cả một đêm đau đớn và chờ đợi. Với cả nhà mình có truyền thống bà ngoại và bác con đều sinh ra “bé bự” mà không gặp khó khăn gì cơ mà, lo gì chứ!

Bác sĩ nói: “Tôi hơi e ngại vì em bé khá to, nhưng có thuận lợi là mẹ có sức khỏe tốt, khung chậu rộng. Vậy cứ thống nhất phương án sinh thường, trong trường hợp khó khăn ta sẽ thay đổi phương án. Tôi sẽ đỡ cho em”.

Mẹ được chuyển lên bàn sinh và truyền dịch. Mẹ bắt đầu đau dữ dội. Mẹ mím môi, níu chặt tay bà nội, nước mắt bắt đầu trào ra, chưa bao giờ mẹ thấy đau đớn như thế. Lý trí bảo mẹ phải cố gắng, phải bình tĩnh, để dành sức còn sinh con ra. Nhưng cuối cùng thì mẹ không thể. Không biết các mẹ khác khi sinh con thì đau đến mức nào, nhưng mẹ cảm thấy mẹ không thể chịu đựng hơn được. Mẹ bắt đầu mất kiểm soát. Mẹ bắt đầu khóc và la hét mà không thể dừng lại được. Bà nội cũng khóc theo mẹ, nhưng bà nhất định không buông tay mẹ ra. Lúc đó mà không có bà níu tay thì có lẽ mẹ còn lăn cả xuống đất. Rồi mẹ bị nôn, có lẽ là việc truyền dịch làm mẹ bị sốc, mẹ lả cả người, bà nội chạy ra ngoài lấy nước cho mẹ rồi để bác con thay bà vào với mẹ. Chắc bà cũng mất bình tĩnh.

Mẹ đau quá, trong đầu vẫn bảo phải im lặng, phải để dành sức, nhưng cơ thể thì không kiểm soát được, mẹ cứ la hét và giãy giụa. Cô hộ sinh còn mắng mẹ: “Chị chưa từng thấy sản phụ nào buồn cười như em, em cứ la hét thế thì làm sao mà sinh con ra được!”. Mẹ mặc kệ, mẹ vẫn hét, vẫn khóc, sau này bố con bảo: “May mà không thấy rủa xả gì mình!”.

11h, bác sĩ trưởng khoa lại xuất hiện, sau khi khám cho mẹ, bác sĩ bảo: “Mở chưa được 6 phân, sản phụ đau quá ngưỡng rồi, chuyển mổ!”. Ôi trời ơi, biết thế này thì xin sinh mổ từ đầu cho xong, chỉ vì muốn sau này kể công với con là mẹ đã “mang nặng đẻ đau” con mà tự dưng phải chịu đau đớn mười mấy tiếng đồng hồ. Mẹ cũng nghiệm ra rằng “truyền thống gia đình” chẳng có liên quan gì đến việc mẹ có khả năng sinh con bằng cách bình thường hay không. Và có lẽ cô hộ sinh nói đúng, chẳng có sản phụ nào như mẹ, trên đường chuyển từ phòng sinh sang phòng mổ, không biết vì sao mà mẹ đã rơi vào… giấc ngủ. Trong cái giờ phút trọng đại ấy, mẹ ngủ ngon lành, chỉ đến khi đã nằm trên bàn mổ, một cô y tá lay mẹ dậy, bảo mẹ nằm nghiêng, co người để gây mê thì mẹ mới mơ màng tỉnh và làm theo. Gây mê xong một lúc thì có bác sĩ vào chuẩn bị mổ cho mẹ, mẹ mới mở mắt nhìn trân trân vào cái đèn và nghe họ nói chuyện với nhau về chuyện vàng tăng giá nhanh, chuyện sáng nay tắc đường, và nghe tiếng dao kéo loảng xoảng, rồi mẹ lại từ từ chìm vào giấc ngủ. Con đã ra khỏi bụng mẹ lúc nào, như thế nào thì thực tình mẹ không biết, vì mẹ chẳng nhìn thấy gì, cũng chẳng có cảm giác gì cả, thậm chí mẹ còn không nghe thấy tiếng con khóc. Chỉ đến lúc cô y tá bế con lại gần mẹ và nói: “Con trai 3,8kg, sinh 11h30’ nhé! Đẹp trai lắm!” thì mẹ mới tin được rằng con đã không còn ở trong bụng mẹ nữa, con đã hiển hiện ở ngay cạnh mẹ kia. Rồi cô ấy lại bế con đi, còn mẹ được chuyển sang phòng hậu phẫu.

6 tiếng trong phòng hậu phẫu hôm ấy là khoảng thời gian kỳ lạ nhất từ trước đến nay trong đời mẹ. Mẹ nằm đó với nửa thân người không có cảm giác gì, hai bàn chân thì thỉnh thoảng giật giật một cái do tác dụng còn lại của thuốc mê, hai tay gần như cũng không cử động được. Chỉ có cái đầu mẹ tỉnh táo, mẹ nghĩ về con, duy nhất về con. Và trái tim mẹ thổn thức nhớ con dù mẹ chưa kịp nhớ khuôn mặt con thế nào. Mẹ vui, mẹ hồi hộp, mẹ lo lắng… rất rất nhiều cảm xúc đã đến với mẹ, có cả một chút tủi thân và ghen tị với ông bà, với bác con, cả bố con nữa vì mẹ không phải là người đầu tiên được bế con.

Đến cuối giờ chiều thì người ta chuyển mẹ sang cáng để chuẩn bị về phòng. Mẹ chưa kịp vui thì bị đẩy vào một góc. Sau đó các cô y tá cứ ngồi buôn chuyện với nhau mặc kệ mẹ nằm đó. Mẹ tưởng người ta quên mất mẹ rồi, mẹ gọi, mẹ hỏi thì luôn nhận được câu trả lời: “Chờ một chút đi, đang làm thủ tục cho em rồi”. Mẹ chẳng biết thủ tục gì mà lâu thế, có mấy người ra cáng sau mẹ đều được chuyển đi cả rồi mà. Mẹ lại gọi, lại hỏi, và lại nghe: “Em buồn cười nhỉ, đến lượt em thì mới đi được chứ!”. Giá mà mẹ khỏe một chút mẹ sẽ nhảy ngay khỏi cáng mà chạy về với con, khỏi phải đợi người ta đưa về. Lần cuối cùng mẹ gọi, mẹ mếu máo, mẹ bảo: “Chị cho em về với con em đi”, có lẽ trông cái mặt mẹ thảm thương quá nên một cô y tá ra bàn lục lấy hồ sơ của mẹ rồi đưa mẹ về thật.

Mẹ về phòng, nghỉ ngơi một lúc thì con được đưa về. Bố bảo: “Quà mừng sinh nhật mẹ nó đây, đúng là mẹ nào con nấy, ham vui như nhau, con đòi ra sớm để mừng sinh nhật mẹ đây mà!” Mẹ khóc hu hu như một đứa trẻ khi con được đặt vào tay mẹ và ngoắc ngoắc cái đầu rúc mẹ tìm ti trong khi đôi mắt vẫn nhắm tịt vào. Ai cũng cười, bác con thì mắng mẹ: “Buồn cười nhỉ, khóc cái gì mà khóc, cho con ti đi còn gì”.
 
Lần thứ ba trong ngày mẹ bị mọi người nói là “buồn cười”. Cũng chẳng sao, buồn cười cũng được, miễn rằng con đã đến bên mẹ, khỏe mạnh, an toàn, ai nói gì thì nói, mẹ vẫn thấy mẹ thật phi thường… Ơ nhưng sao bố con “khôn” thế nhỉ, lại gọi con là “quà mừng sinh nhật mẹ”? Rõ ràng con đến từ mẹ cơ mà? Bố định “xù” quà của mẹ chắc? Còn lâu nhé!
                                                                                  
                  

Nếu các mẹ có những trang nhật kí, những lời nhắn nhủ yêu thương của một người mẹ tới con yêu của mình, hãy chia sẻ những cảm xúc đó với độc giả aFamily bằng cách gửi thư về cho chúng tôi theo địa chỉ email: nuoidaycon@afamily.vn

Chia sẻ