Nếu bạn thường xuyên nói "Ăn đi con!", hãy thay đổi ngay!

Yến Phạm,
Chia sẻ

"Ăn đi con!", "Một miếng nữa thôi!", "Không ăn là đói đấy!"... là những câu nói quen thuộc của các cha mẹ Việt khi cho con ăn.

Theo chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ từ 0 -18 tuổi Yến Phạm, đây chính là sai lầm của các bậc phụ huynh khiến trẻ lười ăn, biếng ăn và không tự lập trong chuyện ăn uống từ nhỏ. Theo chị Yến Phạm, ăn không phải để tăng cân, để chống đói mà ăn là một món quà, là văn hóa, là vấn đề quan trọng mà trẻ con cần được học ngay từ khi lọt lòng. Chị cũng chỉ ra cách ứng xử của cha mẹ Việt vô tình khiến con cái hình thành những thói quen ăn uống xấu như ép con ăn, treo thưởng khi con ăn hay đút cho con ăn khi con đã lớn...

Từ đó, chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em Yến Phạm rút ra kết luận muốn trả lại ý nghĩa vốn có cho chuyện ăn uống, điều mà mỗi cha mẹ cần làm đó là "tâm an", hãy để con tự quyết định chuyện ăn uống của mình. 

Có thể sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ phải thay đổi ngay cách thức cho con ăn và quan niệm về chuyện cho con ăn của chính mình:
Nếu bạn thường xuyên nói
Chuyên gia nghiên cứu tâm lý giáo dục trẻ em Yến Phạm cho rằng cha mẹ không nên quan niệm cho con ăn để tăng cân, để chống đói.

Cứ mỗi lần dạy lớp phụ huynh hoặc tư vấn cho phụ huynh, tôi lại gặp chuyện ăn của con. Hình như đây là đề tài muôn thuở và khổ sở cho các bậc phụ huynh nhất.

Đầu tiên xin xác định một việc: Ăn là một món quà. Nhân loại từ cổ chí kim chưa từng được thượng đế thiết kế có dư dả đồ ăn đến không phải làm gì mà cũng có ăn. Ai cũng phải lao động để kiếm ăn và khi được ăn thì thực sự đây là một món quà. 

Cho nên mọi người ăn rất ngon, rất thích. Càng thiếu ăn thì càng thèm ăn.

Chúng ta nuôi con trái tự nhiên, chúng ta nhét cho trẻ ăn. Bạn nên nhớ ăn cũng là một triết lý trong đời sống. Ăn là học, là văn hoá, là sự hiểu biết về vũ trụ và con người, thiên nhiên xung quanh. Nếu ăn chỉ là để mập, để không chết đói thì ăn không còn ý nghĩa gì nữa.

Cho nên đầu tiên nếu bạn đang có trong đầu ý tưởng: "Ăn đi con!" và luôn suy nghĩ làm sao cho con ăn... thêm tí nữa vì sợ con đói thì tốt nhất bạn nên thay đổi.

Vì sao?

Thứ nhất, đã nói ăn là một món quà, tức là nếu không ăn thì đói, mà đói thì gối phải bò, tức là từ bé đứa trẻ đã phải học tìm kiếm thức ăn. Không phải như vậy sao khi con vừa sinh ra con đã quầy quậy tìm ti mẹ. Vậy mà khi con cần tự ăn, mẹ và bà luôn cố gắng nhét thức ăn vào miệng con? Như thế là làm cho đứa trẻ hiểu ăn là một đặc ân cho ai đó, dẫn đến trẻ không thèm ăn để thể hiện quyền lực của mình.

Thứ hai, con còn có khả năng tự ăn từ khi biết sử dụng bàn tay. Không có lý do gì phải đút con ăn cả. 

Vậy nếu không ăn thì sao? Không ăn có nghĩa là không đói, vậy thôi! Cơ thể trẻ không được thiết kế để ăn một lượng thức ăn như bạn mong muốn. Có thể trẻ thiết kế để ăn đủ nhu cầu. Đừng cho uống sữa thay cơm, đừng cho ăn ngọt thay cơm. Trẻ chỉ cần đủ năng lượng là có thể không ăn, nhất là độ tuổi từ 15 tháng đến 5 tuổi. 

Nếu bố mẹ xót ruột sợ con đói thì thua rồi. Trẻ em không được thiết kế để tự bỏ đói đến chết! Trẻ ăn ít không có nghĩa là đói! Con có thể ăn nhiều bữa hoặc hiểu rằng một ngày chỉ có 3 bữa. Không ăn sẽ đói! 

Tóm lại là bạn không cần hỗ trợ con ăn, chỉ cần cho con không gian ăn chung với gia đình để con bắt chước ăn, tâm lý thoải mái khi ăn, không bị ép buộc và thời gian đủ để con ăn. Vậy là xong! Không năn nỉ, không chơi trò chơi, không ép con ăn, không khua chiêng múa trống. Đơn giản là cùng ngồi ăn và để con ăn.

Một vài bài học cho các mẹ nhé:

1. Ngày đầu tiên đi học có một bạn 4 tuổi không hề muốn ăn, luôn luôn lý sự để khỏi ăn, cô nói: "Ok con. Con không ăn thì ngồi với các bạn, nhìn các bạn ăn". Ngồi một lát, con tự đi lấy cơm ăn. Hôm sau, con không muốn ăn và không ngồi với các bạn luôn. "Ok. Vậy con vào phòng ngồi chơi một mình nhé". "Dạ!". Thế là vào phòng ngồi chơi. Cô hỏi thêm: "Thế chiều con có ăn xế không?". "Không ạ!". "Ok con". 

Con vô phòng rồi vẫn đi ra đi vô ngó các bạn. Cô bảo vô đi con đừng làm phiền các bạn ăn. Thực chất đứa trẻ này không phải là không muốn ăn mà vì ở nhà con quen được nuông chiều nếu ăn sẽ được gì đó và là trung tâm vũ trụ, nên con lấy chuyện không ăn để làm vũ khí đòi hỏi cái mình muốn dù đó chỉ là được chú ý hơn! 

Con và bạn như nhau? Tại sao con được đút mà bạn lại không? Con có gì hơn bạn? Và con có khả năng tự ăn và học hỏi cách ăn nên nếu đút con là tước đoạt việc học hỏi ăn uống của con. Cô sẽ không đút, bạn nhỏ được nhắc đến ở trên không hề biết cầm muỗng. Ngày đầu tiên, đến ăn canh cũng bốc. 3 ngày sau cầm được đũa rồi!

Trở lại với bạn nhỏ trên, đến xế chiều khi các bạn khác ăn chè em chạy xuống: 

- Cô Yến ơi con muốn ăn chè. 
- Ok con. Nhưng lúc trưa con nói không ăn mà. 
- Bây giờ con đói. 
- Ok con. Có điều ăn chè không làm con no được nhé. Nhưng ok thôi. Con lên nói các cô là cô Yến cho ăn 1 ít.

Có 1 điều cần chú ý nữa là không quá ép buộc con phải... giữ lời hứa ăn hết hoặc không được ăn. Thực ra bạn phải đọc hiểu đứa trẻ đã học được bài học của mình chưa. Hiểu rồi là đủ. Bây giờ em lâu lâu cũng nói: "Con không ăn nhưng không thấy cô phản ứng gì nên ngồi xuống ăn tất!".

Sai lầm khi cho con ăn
Để ăn là một món quà không khó. Chỉ là cha mẹ phải tin con, cho con cơ hội được ăn như con muốn, bỏ đi cái ý nghĩ con đói, tin vào cơ chế lập trình của con.

2. Có bạn hôm qua uống cafe với mình, con cũng không muốn ăn. Bạn gọi một đĩa cơm to trước mặt con. Con vừa đói nhưng vừa trả giá ăn xong được mua đồ chơi. 

Mình nhẹ nhàng xin thêm một cái đĩa, hỏi: "Con ăn bao nhiêu?". 

- Con: Một nửa (mình xúc 1 muỗng cơm, xắn 1 nửa muỗng).
- Một nửa là nhiêu đây? (Bé im lặng, mẹ hết hồn).
- Mẹ: Một nửa là một nửa phần cơm đó chị. Rồi mẹ xắn nửa phần cơm cho bé (Tôi cam đoan nếu chị đừng quá lo lắng mà làm theo cách tôi thì bé sẽ ăn nhiều hơn. Kết quả là phần cơm đó bị bỏ lại 2/3).

Đến thức ăn, tôi hỏi: Con ăn bao nhiêu trứng? 

- Hết luôn. 
- Ok con (Tôi cho hết quả trứng ốp la). 
- Thịt?
- Ba miếng nhỏ. 
- Ok.

Lúc bé ăn không ngớt đòi mua đồ chơi. Tôi nói: "Đồ chơi và ăn không liên quan. Con ăn hay không ăn cũng có thể có đồ chơi vì mẹ hứa rồi. Nhưng không phải bây giờ. Nhé!".

Bé bắt đầu đòi miếng thịt, mẹ nói: "Không con. Hồi nãy con nói là 3 miếng mà. Cái này của mẹ" (Mẹ học được rồi).

Bé bỏ lại cơm và trứng. Mẹ lo lắng hỏi: "Giờ sao cô Yến. Mình có phải bắt bé giữ lời ăn hết không?".

Chú ý là phụ huynh không nên làm khó con, dù ép ăn hay... răn đe bắt giữ lời. Phụ huynh ơi, nhẹ nhàng thôi. Con vẫn có thể hiểu bài học của con mà!

Thế là tôi hỏi bé: "Hồi nãy con xin nguyên cái trứng, mẹ cũng muốn ăn mà mẹ phải cho con hết, vậy con bỏ mứa con thấy sao?".

Bé im lặng một chút: "Vậy để con ăn hết".

- Good! 

Khuyến khích bé ăn hết xong trứng. Bé nói: "Nhưng con không ăn cơm!". 

- Ok con!

Bạn biết vì sao không? Vì khi cho con ăn bạn phải cho trẻ tự quyết định trẻ ăn gì và ăn bao nhiêu. Chính sự tự quyết định này là chìa khoá để con tự chịu trách nhiệm việc làm của mình.

Để ăn là một món quà không khó. Chỉ là cha mẹ phải tin con, cho con cơ hội được ăn như con muốn, bỏ đi cái ý nghĩ con đói, tin vào cơ chế lập trình của con. Dẹp cái cân đi! Quên chuyện ép con ăn. Bỏ luôn ba chữ "Ăn đi con!", và hoàn toàn thoải mái ăn cùng con.

Vậy thôi! Bạn làm được không? Chỉ cần ở bạn hai chữ: "TÂM AN".
Chia sẻ