“Nắn” ước mơ con trẻ

,
Chia sẻ

Việc chăm sóc con cái, nhất là sức khỏe tinh thần, phải được các bậc phụ huynh thận trọng nhìn nhận lại, đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực nào cho trẻ.

“Làm giáo viên cả đời cũng khó mà giàu được” là lý do mẹ Lam phản đối nguyện vọng của cô con gái. Lam cho biết, ngày trẻ mẹ ước mơ làm bác sĩ nhưng ông bà nghèo nên không có điều kiện cho mẹ theo học. Ngậm ngùi với những trang giáo án, bà Hà quyết tâm cho con thi bằng được trường Y để thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của mình.

Ngay từ khi còn nhỏ Lam đã được định hướng nghề nghiệp bằng cách chơi những trò chơi tập làm bác sĩ, ý tá với đủ thứ dụng cụ y tế bằng nhựa mẹ mua về. Câu nói “lớn lên con sẽ làm bác sĩ” như đã được mẹ lập trình sẵn mỗi khi có ai đó hỏi sau này con sẽ làm gì?”. Lớn lên, trong chương trình học của Lam bao giờ cũng được mẹ thuê gia sư dạy thêm ba môn Toán, Hoá, Sinh. Niềm tin có con làm trong ngành y của mẹ quá lớn khiến Lam lo sợ vì cô nhận ra rằng mình chẳng có chút hứng thú nào với ngành này và luôn buồn nôn khi nhìn thấy máu. “Em chưa biết nói thế nào cho mẹ hiểu, vì sợ mẹ buồn”.
 

Hai vợ chồng chị Hoà đều làm trong ngành kinh doanh, sở hữu một công ty bất động sản ăn nên làm ra. Từ lúc mới sinh ra, bé Bin đã đươc bố mẹ vẽ cho một con đường thẳng tắp đến trường Kinh tế quốc dân. Đi chơi công viên, Bin thích lắm những quả bong bay nhiều màu sắc.. Bé khoe “sau này con sẽ làm… người bán bóng bay”. Cả nhà cười ồ vì câu nói ngộ nghĩnh, chỉ có mẹ Bin là thoáng cau mày không vui. Sợ con đi “chệch hướng” nên kế hoạch để cho “con nhà tông không giống lông cũng phải giống cánh” ngày càng được kiểm soát gắt gao. Kế hoạch chặt chẽ đến nỗi dì Út cho Bin quả bóng bay nó cũng không dám cầm vì “ con không chơi bóng bay nữa, mẹ bảo sau này con phải là nhà kinh doanh giỏi”.

Những trường hợp như trên không phải là cá biệt. Theo các chuyên gia tâm lý cho biết, hiện nay nhiều người lớn đang áp đặt ước mơ của mình lên con trẻ một cách không ý thức, bất chấp năng khiếu, xu hướng, nguyện vọng của các em. Một bác sĩ có thể làm tốt nhiệm vụ của mình khi sợ máu? Một người sẽ trở thành nhà kinh doanh thành công khi không có đam mê?

Mong muốn con giỏi giang, thành đạt của các bậc làm cha mẹ là chính đáng, nhưng nhất thiết phải để ý đến năng khiếu của trẻ trong cả quá trình phát triển. Vì nếu không có hoặc thiếu năng khiếu, không niềm có say mê, trẻ khó lòng tiến bộ, thành đạt được trong nghề nghiệp tương lai.

Theo kết quả khảo sát của đề tài "Vai trò của cha mẹ đối với việc hướng nghiệp cho con" tại TP HCM của sinh viên ĐH Mở TP HCM Nguyễn Bảo Huân Chương, hơn 93% phụ huynh muốn con thi ĐH theo định hướng của gia đình. Trong đó, gần 50% trả lời không hiểu hết tính cách, sở thích, năng khiếu, nguyện vọng của con. Nhóm nghề được các gia đình quan tâm và muốn con theo học nhiều nhất là bác sĩ, dược sĩ, kinh tế, tài chính với 12%.

Trong xã hội ngày nay, ở các đô thị, con trẻ tiếp cận thông tin rất sớm. Kinh tế xã hội phát triển nhưng môi trường xã hội lại không an toàn cho trẻ. Vì thế, việc chăm sóc con cái, nhất là sức khỏe tinh thần, phải được các bậc phụ huynh thận trọng nhìn nhận lại, đừng vô tình hay cố ý mà tạo áp lực nào cho trẻ.

Hải Minh

 

 

Chia sẻ