Mỹ Linh tránh xa bí quyết dạy con của "mẹ Hổ"

Theo Đẹp,
Chia sẻ

Không tán thành mẹ Hổ, cũng chẳng đồng tình với mẹ của Quỳnh Anh (Vietnam’s Got Talent), diva Mỹ Linh đang ươm trồng những “mầm xanh” của nhà mình theo “trường phái” nào?

- Chị đi hát rất sớm. Hẳn mọi người trong gia đình đã nhận ra khả năng ca hát của chị từ nhỏ? Chị có còn nhớ cách bố mẹ chị nhìn nhận tài năng và giúp chị định hướng tương lai như thế nào không?

Tôi thích hát từ khi còn rất nhỏ, và chính mẹ tôi là người biết điều ấy rõ nhất. Chính bà cũng là người nuôi dưỡng ước mơ được hát của tôi. Tuy nhiên, bố tôi mặc dầu cũng rất yêu ca hát và hát rất hay, thì lại không đồng tình lắm. Ông luôn sợ tôi không tập trung tốt vào việc học và đặt cho tôi những điều kiện nho nhỏ nếu như tôi muốn được tham gia các chương trình thi hát nghiệp dư. Khi lớn hơn một chút, khi tôi đã hiểu rõ là mình thích và mình có khả năng để làm ca sĩ thì bố mẹ tôi cũng đồng ý. Các cụ đã đúng khi nói với tôi rằng, muốn làm tốt bất cứ công việc nào cũng phải học nó đến nơi đến chốn và hiểu rõ mình đang làm và có thể làm gì.

- Bây giờ, các con chị cũng bộc lộ những tố chất tốt. Chị chăm sóc những tố chất ấy như thế nào?

Quan điểm của vợ chồng tôi là không ép các con làm những điều mà chúng không muốn làm. Chúng tôi chỉ lắng nghe và cảm nhận khả năng của các con, từ đó đối chiếu với những gì chúng đang mơ ước để định hướng cho con nghề nghiệp tương lai. Không ai có thể đạt được thành công trong công việc gì nếu như không say mê công việc ấy.
 

- Tôi còn nhớ chị từng nhận xét về một giọng hát hay rằng nên đi làm giáo viên thanh nhạc chứ đừng làm ca sĩ vì nghề này khó khăn? Vậy tại sao chị lại hướng các con đi hát?

Nếu như tôi nhận xét như thế thì chắc chắn là tôi đã nhìn thấy ở giọng hát đó tiềm năng của một người làm sư phạm hơn là một người làm nghề trình diễn. Còn vợ chồng tôi hiện giờ chưa hề có ý định chọn nghề cho các con. Ngoại trừ Anna rất thích hát và chính cháu đã chọn nghề nghiệp cho mình, còn lại lũ trẻ nhà tôi học âm nhạc như một bộ môn nghệ thuật tại trường và chúng tôi cũng chỉ coi đó là một cách trang bị hành trang cho các con. Đương nhiên, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình thành công, có cuộc sống tốt và có ích cho xã hội. Nhưng tôi không kỳ vọng các con nhất thiết phải đi theo nghề của cha mẹ kiểu cha truyền con nối.

Cô út Mỹ Anh cũng thích hát, nhưng tuyệt đối chúng tôi không can thiệp vào quá trình tự hoàn thiện của con. Nếu anh Quân có ý tưởng thu thanh cho cháu thì cũng là do anh ấy quá yêu con, muốn lưu giữ tất cả những khoảng thời gian ấu thơ của các cháu.

- Chị nhìn nhận thế nào về con trẻ, giữa hai khái niệm: "ước mơ" và "thực tế", "tài năng" và "khả năng"?

Chính tôi đã từng có ước mơ. Và thực tế tôi cũng đã đạt được ước mơ của mình. Tôi nghĩ, nuôi dưỡng ước mơ của con trẻ là điều phụ huynh cần lưu tâm. Con người sẽ chỉ hạnh phúc khi sống với những ước mơ của mình, dù cho nó viển vông đến mức nào. Và đương nhiên, hạnh phúc nhất là khi họ được tự do làm công việc mà mình yêu thích và chọn lựa. Đương nhiên, trong thực tế thì không phải ai cũng biết ngay và rõ ràng khả năng thực sự của mình ở đâu. Nhưng cũng có những trường hợp vì những định kiến, hoặc đơn giản là vì sự khác biệt về thế hệ, cha mẹ không thực sự hiểu con mình. Có lẽ, người lớn chúng ta đôi khi cũng phải đặt mình vào hoàn cảnh của con trẻ để hiểu chúng.

- Chị có sợ chính mình lâm vào cảnh "con hát, mẹ khen hay" không?

Tôi không lo lắng lắm vì ngoài vợ chồng tôi làm nghề chuyên nghiệp, còn có các cô chú đồng nghiệp thường xuyên lui tới nhà. Các thành viên trong ban nhạc Anh Em, ê kíp của riêng tôi cũng là những người thường xuyên sát cánh cùng vợ chồng tôi trong cả công việc chung và riêng.

- Có dễ nhận ra năng khiếu của một đứa trẻ không thưa chị?

Tôi nghĩ là không khó, nếu như chúng ta thực sự muốn tìm hiểu. Tôi biết một em bé ở Vũng Tàu rất yêu thích đàn violon. Cha mẹ em đã tìm một người có thể cho lời khuyên hữu ích, trả lời câu hỏi, em ấy thực sự có năng khiếu hay không, và liệu có nên cho em ấy thỏa mãn ước mơ hay không... Bây giờ, em ấy đang là sinh viên giỏi của khoa violon.

- Làm cha mẹ quả không đơn giản. Ví dụ làm sao để truyền đạt quan điểm một cách dễ dàng nhất? Làm cách nào để các cháu biết nuôi dưỡng ước mơ và không ỷ lại vào tài năng?

Đối thoại với con cái trong nhiều vấn đề khác nhau là một cách tiếp cận chúng rất hay, hơn nữa lại dễ kéo gần khoảng cách thế hệ. Mà khoảng cách này thường sẽ xa dần khi tụi trẻ sắp bước vào tuổi trưởng thành. Tôi cũng thường nghĩ về việc phải dạy các con thêm về đức tính khiêm nhường.
 



- Việt Nam có câu "con hư tại mẹ", rõ ràng, không khéo mẹ lại làm hỏng con? Câu chuyện Quỳnh Anh “Got Talent” chắc chị cũng nghe qua. Người lớn chúng ta đôi khi để "giấc mơ cha đè nát cuộc đời con"?

Nếu tôi là mẹ của Quỳnh Anh thì tôi sẽ không khuyến khích con mình dấn thân vào showbiz một cách nguy hiểm như vậy. Trẻ con cần được bảo vệ vì chúng chưa nhận thức được thấu đáo những hiểm nguy trên đường thi thố. Cha mẹ cũng nên tự bảo vệ con mình bằng cách tránh những gì không đáng phải đối mặt khi chúng còn quá nhỏ tuổi.

- Chị đã đọc "Khúc chiến ca của Mẹ Hổ" rồi chứ? Các bà mẹ hiện đại đang có ý thức nuôi dưỡng nhân tài, và có kế hoạch cụ thể cho tình yêu con vô bờ bến đó. Theo chị, liệu chúng ta có thể thành công được với những kế hoạch đó?

Tôi đã đọc qua internet nhưng cũng chưa đọc kỹ lắm vì tôi không đồng tình với những kiểu dạy con khắc nghiệt như vậy. Tôi nghĩ mỗi người có một cuộc đời, một tuổi thơ. Và mỗi đứa trẻ đều cần được sống đúng với tuổi thơ của mình. Tôi cũng rất ghét sự áp đặt của người khác, đặc biệt với trẻ thơ thì tôi không cho đó là tình yêu.

- Xin hỏi câu cuối, cảm giác của chị mỗi ngày, khi nhìn thấy con bước ra khỏi cổng trường?

Vì xa nhà thường xuyên nên tôi không đưa đón các con hàng ngày. Ông xã là người đưa đón các con nhiều hơn. Với tôi, những lần nhìn thấy các cháu ở cổng trường, nghe chúng đùa giỡn hay thậm chí là cãi vã để chọn nhạc trong xe... là những thời khắc tôi cảm thấy vui nhất. Những lúc lặng yên lắng nghe con cái như thế lại là lúc tôi được cảm nhận sự lớn lên của chúng.

Tôi không đồng tình với những kiểu dạy con khắc nghiệt như mẹ Hổ. Tôi rất ghét sự áp đặt của người khác, đặc biệt với trẻ thơ thì tôi không cho đó là tình yêu.

Chia sẻ