Một ca vượt cạn dưới lưỡi hái tử thần

Theo SGTT,
Chia sẻ

Đã hai lần vượt cạn nhưng với chị Doan, lần thứ ba này mới khó khăn nhất, bởi có lúc cả mẹ lẫn con gần kề cái chết.

Sau hơn một tháng cấp cứu điều trị, mẹ con chị Nguyễn Thị Doan, 39 tuổi ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh xuất viện trong niềm vui sướng của cả dòng họ và các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Chị Doan nhớ lại: “Hai lần trước tôi đều sinh thường rất nhanh. Lần này, biết mình cao tuổi nên trong thai kỳ tôi thường xuyên đi khám, siêu âm. Khi thai được 37 tuần, tôi vẫn đi khám thai định kỳ nhưng không phát hiện bất thường nào. Thế nhưng, về nhà tôi luôn thấy mệt mỏi kèm sốt gai rét. Đi khám lần nữa tại bệnh viện tỉnh, tôi được chẩn đoán tăng men gan”.

Lo lắng cho sức khoẻ thai phụ, bệnh viện tỉnh chuyển chị Doan xuống bệnh viện Phụ sản Trung ương xét nghiệm. Thật bất ngờ: chị Doan bị suy gan, suy thận cấp, rối loạn đông máu nặng. “Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ chết cả mẹ lẫn con. Tôi bị rối loạn đông máu nên càng đáng lo hơn vì bác sĩ nói mổ có thể không cầm được máu, mà không mổ ngay thì nguy hiểm cho em bé” – chị Doan nghẹn ngào nhớ lại thời điểm nguy kịch đó. Sức khoẻ chị xấu đi nhanh chóng, buộc các bác sĩ phải chuyển sang cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai. Lúc này, chị vẫn tỉnh táo dù hai chân phù nặng, củng mạc mắt vàng có nhiều đám xuất huyết tại vị trí tiêm truyền.

Các bác sĩ lại tiến hành xét nghiệm và kết luận: bệnh nhân nhiễm độc thai nghén nặng, biến chứng suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn đông máu nặng, nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ và con!

Một ca vượt cạn dưới lưỡi hái tử thần 1
Mẹ con chị Doan ngày xuất viện.

Thoát chết trong gang tấc

PGS.TS.BS Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi vào viện, bệnh nhân đã có hiện tượng chảy máu dưới da, nếu không mổ cấp cứu gấp có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con. Đây là trường hợp hiếm gặp. Các khoa được huy động cấp cứu cho bệnh nhân. Một cuộc hội chẩn khẩn cấp diễn ra giữa các khoa sản, gây mê hồi sức, nhi, huyết học, tiêu hoá, vi sinh. Các bác sĩ lên kế hoạch mổ lấy thai cấp cứu.

“Đây là quyết định hết sức khó khăn vì tình trạng mẹ rất nặng, khả năng chảy máu và tử vong cao nếu mổ. Tuy nhiên, do tình trạng suy gan – thận cấp tính đe doạ tính mạng người mẹ cũng như nguy cơ suy thai cấp gây chết thai nên bắt buộc phải đình chỉ thai nghén để hy vọng có thể cứu cả mẹ và con” – TS.BS Nguyễn Việt Hùng, trưởng khoa sản bệnh viện Bạch Mai, nhớ lại.

Sau khi xác định mổ cứu thai, khoa nhi chuẩn bị sẵn sàng hồi sức sơ sinh để đón bé; khoa gây mê hồi sức sẵn sàng phòng mổ; khoa huyết học truyền ngay lập tức các chế phẩm máu; khoa hồi sức tiếp tục hồi sức, phối hợp với khoa sản, gây mê tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân Doan được mổ cấp cứu lấy ra một thai nặng 3,1kg, nước ối vàng. Em bé bị suy hô hấp nên ngay lập tức phải bóp bóng, đặt nội khí quản và chuyển khoa nhi điều trị hồi sức sơ sinh.

Nguy hiểm chưa hết: chỉ sau ca mổ lấy thai 15 tiếng sản phụ xuất hiện sốc phản vệ và tiếp tục phải điều trị tích cực. May mắn là sau một ngày, bệnh nhân dần ổn định, hết sốt, chức năng thận, men gan và các kết quả xét nghiệm đông máu trở về bình thường. 25 ngày sau sinh, bệnh nhân hoàn toàn ổn định, ăn ngon miệng. Cháu bé được đặt tên là Hữu Quốc An. Sau một thời gian chăm sóc và điều trị bé đã tự ăn, tự thở, tăng cân.

Ngày ra viện, chia tay với các ân nhân của mình chị Doan không khỏi xúc động: “Gia đình tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành nhất gửi tới các y, bác sĩ”. Cậu bé An ngày ra viện bụ bẫm, cuộn tròn trong lòng mẹ ngủ say tít.



Đọc nhật kí vượt cạn của một bà mẹ có người quen trong viện, liệu có sung sướng hơn khi có nhiều tiền?
Một ca vượt cạn dưới lưỡi hái tử thần 2
Chia sẻ