Mệt mỏi vì "làm bố" trẻ con hàng xóm

Minh Huyền,
Chia sẻ

Không khí trong nhà trở nên căng thẳng, anh Long đã mệt, nay lại nghe tiếng con eo éo khóc làm anh càng cảm thấy mệt mỏi hơn và bất lực trước đứa con “bướng bỉnh” của mình.

Chiều nào đi làm về, anh Long cũng phải chứng kiến cảnh nhà mình thật bừa bộn, tiếng trẻ con ồn ào , hò hét om sòm. Chả là các cháu cùng lớp mẫu giáo với con trai anh Long đang được nghỉ hè nên cứ chiều chiều chúng lại “tụ tập” ở nhà anh Long để cùng chơi. Vừa nóng bức, vừa mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, nhìn thấy cảnh đồ chơi ngổn ngang khắp nhà, nào là ô tô, búp bê, tàu điện… anh Long tự nhiên cảm thấy bực bội, cáu kỉnh.

Lúc đầu anh Long chỉ la mắng con, bắt lũ trẻ dọn dẹp đồ đạc, nhà cửa cho gọn gàng, nhưng chỉ vài hôm sau đâu lại vào đấy. Anh Long bèn cấm lũ trẻ không được đến nhà anh tụ tập nữa. Bọn trẻ líu ríu ra về, còn con trai tôi òa lên khóc và nói: “Bố không được đuổi các bạn của con về. Con thích chơi với các bạn cơ!”.

Thấy con khóc nức nở, anh Long dỗ dành con bằng mọi cách, nào là đưa thêm đồ chơi đẹp, cho căn đồ ăn mà con vẫn thích hoặc hứa đưa con đi chơi bách thú… nhưng có vẻ những “chiêu” dụ con của anh Long không mấy hiệu quả vì thằng bé vẫn không để ý đến những lời dỗ dành của bố mà cứ nhìn ra cửa, mếu mào khóc thật to đòi bạn ở lại chơi với mình.


Không khí trong nhà trở nên căng thẳng, anh Long đã mệt, nay lại nghe tiếng con eo éo khóc làm anh càng cảm thấy mệt mỏi hơn và cảm thấy bất lực trước đứa con “bướng bỉnh” của mình. Thấy con khóc mãi không thôi, anh Long đâm bực mình và quát con to hơn, át cả tiếng khóc của con. Anh còn cầm roi ra dọa con, nếu cứ “kéo” bạn  về nhà thì sẽ đánh cả con cả bạn. Thằng bé ngân ngấn nước mắt, không dám khóc to, vừa sụt sịt vừa nhìn bố, giọng nức nở: “Đưa bạn về nhà mình chơi là xấu hả bố? Nhưng con thích chơi với các bạn”.

Mấy ngày sau đó, bọn trẻ không còn sang nhà anh Long chơi ầm ĩ và bày bừa bãi nữa. Nhưng con trai anh Long cũng “trầm tính” hẳn đi. Nó không nói cười liên tục như trước nữa mà vẻ mặt lúc nào cũng đăm chiêu và chỉ trả lời khi bố mẹ hỏi. Chiều con, anh Long lại đồng ý cho con dẫn bạn về nhà chơi. Và nhà anh lại như "bãi chiến trường". Về nhà, tự nhiên anh có cảm giác mình là bố của từng đó đứa trẻ mà giật mình.

Ở đây, anh Long đã không đúng khi muốn dạy con. Lũ trẻ đang chơi một cách hết sức vui vẻ, bỗng chốc bị “cấm đoán” chỉ vì sự mệt mỏi và cáu giận vô cớ của anh Long. Khi đi qua tuổi ấu thơ, chúng ta thường hay quên đi những niềm vui, nỗi buồn của mình khi mình còn nhỏ. Việc nuôi dạy con cái thường suy diễn theo tình cảm chủ quan của mình, từ đó dẫn đến việc áp đặt những điều không phù hợp với tâm lý của con trẻ.


Nhiều bậc cha mẹ chỉ nghĩ đơn giảm là cứ chăm lo cho con đầy đủ về mặt vật chất là được chứ không nhiều người quan tâm đến tâm trạng và cảm xúc của trẻ. Có mấy bậc cha mẹ biết rằng, bé có thể cảm thấy hạnh phúc khi được tự do vui đùa hay cùng cười như nắc nẻ với các bạn.

Thiếu bạn để chơi cũng thực sự là một điều đau khổ đối với trẻ em. Ngay từ tuổi mẫu giáo, chơi với bạn bè đã là một nhu cầu bức thiết của trẻ cà nhiều khi người lớn không hiểu được tâm trạng và sự đau khổ đó của trẻ, nên vô tình cấm đoán trẻ chơi với bạn bè, khiến trẻ càng thêm cô độc và buồn tủi. Trong trường hợp này, trẻ bị cấm đoán một cách thái quá có thể khiến trẻ vô tình bị tự kỉ. Anh Long cũng như bất kì bậc phụ huynh nào cũng đừng quá ép buộc hay cấm đoán các mối quan hệ của con. Thay vào đó, hãy để con tự do chơi những trong khuôn khổ tức là chỉ được chơi trong các quy định của bố mẹ buộc phải tuân theo, ví dụ không hò hét to, chơi xong phải cất đồ chơi cẩn thận...
Chia sẻ