Mệt đầu vì bé hay tị nạnh

Hàn Phương,
Chia sẻ

Chị Hoa chia sẻ: “Để có được ngày như hôm nay, không phải tự nhiên mà vậy đâu. Trước anh nó suốt ngày 'chí' em đấy”.

"Tại sao ai cũng chỉ yêu mình em bé?"

Ai đến nhà chị Thanh Hoa (Cầu Gỗ, Hà Nội) cũng phải ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách nuôi dạy hai con của chị. 

Nhà chị có hai cậu con trai, cậu anh thì lên 6 còn em mới lên 2. Anh em trai quấn quýt nhau lắm, anh mà đi học về muộn, cậu em lại khóc ời ời gọi anh. Những lúc không phải làm bài tập, Bin – cậu con cả lúc nào cũng chơi với em, dạy em hình này hình nọ, trông em cho mẹ nấu cơm. 

Rất nhiều người đến hỏi kinh nghiệm “Làm thế nào chị có thể kết nối anh em nó vậy? Bởi thường khi mẹ có em bé, cậu cả lúc nào cũng hờn giận, ghen tị”. 

Chị Hoa chia sẻ: “Để có được ngày như hôm nay, không phải tự nhiên mà vậy đâu. Trước anh nó suốt ngày 'chí' em đấy”. Qua lời kể của chị, từ ngày nhà chị đón thêm một thành viên mới, Bin tỏ vẻ buồn bã, tính tình cáu gắt. 

Chị bảo thực ra cũng tại chị, do thời gian đầu sau khi sinh con tâm trạng, thể chất không tốt rồi phải chăm con nhỏ nên cứ khi nào bé Bin chạy đến đòi “sờ ti” mẹ như trước rồi muốn mẹ cưng nựng thì chị chỉ thơm con lấy lệ rồi "xua" con ra chơi với bạn bè, ông bà, “để yên cho em ngủ”. 

Rồi bạn bè vợ chồng chị đến toàn thơm rồi khen em bé. Tất cả những điều như vậy khiến Bin chán nản, thất vọng và dần khép mình lại.

Mấy ngày sau, chị Hoa thấy trên người em bé có nhiều nốt đỏ lạ rồi hay khóc vật vã, chị nghĩ có thể do muỗi đốt, những lần sau chị cẩn thận buông màn. Nhưng một lần, vô tình lên phòng chị thấy Bin đang cấu em. 

Mệt đầu vì bé hay tị nạnh 1
Mỗi lần đi học về, bé lại đòi mua cái bút này, con búp bê nọ 
chỉ vì “Đứa bạn ngồi cạnh của con có, con cũng phải có”. (Ảnh minh họa)

Trong lúc mất bình tĩnh, chị chạy đến đánh và mắng Bin thì con khóc loạn lên bảo: “Tại ai cũng yêu em, sao con không được bố mẹ yêu như trước?”.

Giờ chị mới giật mình khi hiểu ra nguyên nhân và dần dần chị thay đổi bản thân cũng như năng trò chuyện để hiểu con hơn. 

Hay như trường hợp chị Liên (Q. Tân Bình, TP HCM) là một ví dụ. Gia đình anh chị dạo này rất căng thẳng bởi vì tình tính đứa con gái 6 tuổi càng ngày càng hay đòi hỏi, bướng bỉnh, cha mẹ nói không bao giờ nghe. 

Mỗi lần đi học về, bé lại đòi mua cái bút này, con búp bê nọ chỉ vì “Đứa bạn ngồi cạnh của con có, con cũng phải có”. 

Ban đầu thì anh chị bảo “khi nào con được điểm cao, bố mẹ sẽ mua cho nhé” nhưng vô tác dụng với bé. Trước những đòi hỏi ngày càng nhiều của bé, chị Liên có lần gắt lên với con: “Sao con hay ghen tỵ với bạn thế?”

Trị thói ghen tị của con - phải biết cách

Giai đoạn bé từ 4 - 6 tuổi, bé đã nhận thức tốt về "đặc quyền” của mình. Và khi bố mẹ có thêm em thì trẻ càng thấy “vị trí” của mình bị lung lay. Ghen tỵ là phương án bé tìm đến. 

Bố mẹ cần hiểu rằng, sự ghen tỵ là dấu hiệu cho thấy bé đang lo lắng thái quá: Khi bé bộc lộ tính cách này thường xuyên trong ngày, đó là dấu hiệu cho thấy bé buồn chán, tự ti. 

Vậy bố mẹ nên làm thế nào?

Chị Thanh Hoa ở trường hợp trên có chia sẻ rằng: “Để hai anh em chúng hiểu và chơi được với nhau, bố mẹ nên cho bé biết được rằng mình rất hiểu cảm giác ghen tỵ trong con”. 

Sẽ chẳng có gì xấu khi bạn thừa nhận với bé đôi lúc bạn cũng có cảm giác ấy, sự thẳng thắn của bạn sẽ khiến con thấy an toàn và dễ chia sẻ với bố mẹ hơn. Nhưng bậc phụ huynh cần giải thích với bé rằng hãy chia sẻ để giải tỏa sự ghen tỵ, ấm ức trong con, không nên để cảm giác này tồn tại lâu. Khi con bạn hiểu ra, cảm giác ghen tỵ sẽ dần được xoa dịu.

Mệt đầu vì bé hay tị nạnh 2
Cha mẹ hãy trò chuyện nhiều hơn với con, giúp con tự tin, hòa đồng. (Ảnh minh họa)

Việc phớt lờ tính ghen tỵ này của con, bạn không thể giúp bé từ bỏ tính xấu này thậm chí còn ngược lại...

Với trường hợp thứ hai, khi chị Liên mắng con rằng: “Sao con hay ghen tỵ với bạn thế?”, đây là nhận xét không nên dành cho con trẻ. Bởi những câu nói kiểu này chỉ khiến con buồn hơn, bé sẽ tìm cách che đậy cảm xúc thật của mình trước bố mẹ mà thôi.

Việc trẻ con ghen tị với bạn bè là chuyện bình thường. Ắt hẳn trong chúng ta cũng sẽ có lúc mình tự thắc mắc: “Tại sao mình không được xinh như cô ấy? Tại sao cô ấy trẻ vậy mà có nhiều tiền, trong khi mình thì chưa?”

Vì vậy, những lúc bé đòi hỏi phải có cái này cái nọ giống bạn A, bạn B thì bố mẹ cần tinh ý phát hiện ra và nhanh chóng chuyển hướng chú ý của trẻ.

Bạn hãy giúp con giải tỏa, để con hiểu rằng thay vì tị nạnh với bạn về món đồ, con hãy cố gắng học chăm học, giỏi hơn để được bằng bạn.

Cha mẹ hãy trò chuyện nhiều hơn với con, giúp con tự tin, hòa đồng cùng với các bạn bằng cách bản thân phụ huynh phải tự hào về con mình, hạn chế mắng mỏ con, khuyến khích bé phát triển năng khiếu, cho bé tham gia nhiều hoạt động tập thể…



Nhờ sự dạy dỗ ngọt ngào của mẹ mà bé Sún (4 tuổi) biết yêu thương, "thảo" với ông bà, bố mẹ.
Mệt đầu vì bé hay tị nạnh 3
Chia sẻ