Mẹ vô tình dạy con thành trẻ tham lam

Theo Bee,
Chia sẻ

Thấy bạn sang chơi, con vui cuống cuồng cả tay chân. Bất chợt, nhớ ra điều gì, con chạy lại thùng đồ chơi, ôm bạn khù khì mang ra cho mẹ, con bảo: “Mẹ cất đi, không các bạn lấy đấy!”

Mẹ biết, cũng như các bạn khác thôi, ở tuổi lên 3 con đã ý thức rõ ràng hơn về sự sở hữu. Bao giờ con cũng nói “mẹ của con, bố của con, bạn thỏ của con, bạn khù khì của con..."

Mẹ biết, bạn khù khì là món đồ chơi con thích nhất. Bạn khỉ mặc áo xanh xinh xinh biết chạy, biết hát, biết vẫy tay... Nhưng trước kia, dù là món đồ yêu đến đâu, mỗi khi có các bạn đến nhà chơi, con vẫn luôn cho các bạn chơi cùng, chưa bao giờ con giấu đi như vậy, con luôn được khen là em bé thảo.

Mẹ luôn mong con, nhắc con biết chia sẻ, sống thảo thơm. Mỗi khi con ăn hoa quả hay bánh kẹo, bim bim, mẹ đều nhắc con mời bố, mời mẹ; mỗi khi có bạn đến chơi, mẹ đều gợi ý con mang đồ ra để bạn chơi cùng.

Vậy mà hôm nay con của mẹ lại “ki bo, đề phòng” với các bạn. Mẹ kể với bố, bố bảo “trẻ con, chuyện bình thường”. Mẹ kể với mấy bác cùng làm, các bác ấy bảo “đứa trẻ nào cũng qua giai đoạn ấy, kệ chúng nó” nhưng thực sự lòng mẹ vẫn vô cùng lăn tăn.

Mẹ để ý đến các hành động của con nhiều hơn và nhận ra rằng, những ngày gần đây, con hay khư khư giữ những đồ con thích. Có lúc con đang ăn hũ sữa chua, bố đi vào, con giấu ngay ra sau lưng; mỗi khi ai đùa xin một miếng bim bim của con thì con ngấu nghiến ăn thật nhanh, đến nghẹn cả ra. Có lúc anh Tũn đến chơi, con bê ngay hộp ô tô mô hình giấu vào dưới gối... Cái gì không kịp giấu mà không thích cho bạn chơi, con sẵn sàng lao vào vừa giành giật vừa hét “trả đây, trả đây”!

Mẹ hỏi cô giáo, cô bảo ở lớp cô luôn dạy các con phải sẻ chia đồ chơi cùng nhau, không bao giờ cho một bạn giữ rịt một món. Mẹ hỏi bố, bố bảo bố cũng không dạy con kiểu ấy bao giờ. Mẹ tìm đọc các thông tin trên internet thì nhận thấy tham lam, ích kỷ không nên coi là một tâm lý lứa tuổi dù nó là dấu hiệu phát triển tự ý thức của trẻ. Mẹ đã thực sự rất lo lắng trước sự thay đổi của con.

Mẹ vô tình dạy con thành trẻ tham lam

Mẹ biết, tham lam không phải là một điều quá ghê gớm, nhưng nó lại là một cản trở lớn khi con hòa nhập cộng đồng. Vì thế, mẹ quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân để hai từ đó không bao giờ xuất hiện trong tâm hồn con gái mẹ.

Mẹ kiểm tra lại tất cả mọi lời nói, cư xử của mẹ với con gái và mọi người xung quanh. Mẹ phát hiện ra rằng, đôi khi, mẹ đã vô tình dạy con tính xấu ấy.

Mỗi lúc bón cơm, con ăn chậm, lười ăn, mẹ hay hù “không ăn mẹ cho bạn Cún ăn hết bây giờ”; mỗi khi chơi xong con không chịu dọn đồ chơi, bố mẹ cũng dọa “con không cất đồ chơi gọn gàng, mai bạn Tí, bạn Tèo sang, mẹ cho các bạn ấy mang về hết, con không được chơi nữa”; rồi mỗi khi con định đụng vào món đồ gì nguy hiểm hay dễ hỏng, vỡ, mẹ hay quát: “Đây là đồ của mẹ, con không được động vào”...

Mẹ không phải người tham lam, nhưng đôi khi, các bé hàng xóm sang chơi, có những món đồ chơi dễ hỏng, hoặc có những món nếu các con tranh nhau dễ làm nhau đau, mẹ cũng mang cất lên cao. Mẹ không nghĩ được rằng những lời nói, hành động vô tình của mẹ đã được con quan sát, ghi nhận hàng ngày.

Từ hôm nhận ra những điều ấy, mẹ không bao giờ nói với con “đây không phải của con” hay “đây là của mẹ” nữa. Mẹ thay những cụm từ sở hữu ấy bằng việc chia sẻ với con “con còn bé, chơi đồ này sẽ bị đau”.

Mỗi lần đưa con đi chơi hay sang nhà các bác, mẹ luôn mang quà cho các bạn, các anh. Buổi tối, mẹ đề nghị con cho bố mẹ cùng chơi. Có lúc con tiếc, cứ ôm chặt bạn khù khì, mẹ liền quay ra chơi với bố đủ trò, rất vui. Con ngồi nhìn thèm thuồng, và rồi con chủ động rủ bố mẹ chơi bạn khù khì, để con được chơi cùng bố mẹ trò vui kia.

Khi con không muốn cho bạn chơi đồ của con, mẹ nhắc con về những món đồ của bạn mà mỗi khi sang nhà bạn con rất thích. Mẹ dứt khoát nếu con không chia sẻ với bạn thì bạn cũng sẽ không chia sẻ với con.

Mẹ thường kể cho con những câu chuyện về bạn Thỏ tham lam, bạn Gấu thảo thơm, và kết quả đáng buồn của những bạn nhỏ không biết chia sẻ là sự cô đơn, không có bạn mà con rất sợ.

Kết quả rõ ràng thì chưa có ngay ngày một, ngày hai như mẹ mong chờ. Nhưng từ hôm nay, mẹ sẽ cẩn thận trong từng lời nói, hành động của mẹ, không để chính mẹ thành bài học xấu cho con nữa. Mẹ tin rằng, với hy vọng và sự kiên trì của bố mẹ, con dần dần sẽ trở lại là một em bé biết yêu thương, chia sẻ, không tham lam với mọi người!


Đã bao giờ bạn mắc phải 1 trong 10 sai lầm kinh điển khi dạy con dưới đây chưa?

Mẹ vô tình dạy con thành trẻ tham lam
Chia sẻ