Tết thiếu nhi 1/6

Mẹ nghèo rớt nước mắt ngày của bé

Vân Trần,
Chia sẻ

1/6 là thời điểm bố mẹ bế con yêu đi thăm thú các nơi với những món quà ý nghĩa trên tay. Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những cặp vợ chồng rớt nước mắt vì chẳng có gì cho con.

Con hau háu thèm được như bạn

Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà nhà chị Thu lại lạc lõng giữa khu dân cư thượng lưu. Nói thượng lưu hơi quá nhưng quả thật nếu so căn nhà 1 tầng, 1 gác xép của chị với các tòa nhà 5 tầng cao vút bên cạnh thì rõ ràng chị thuộc dạng “ở nhầm chỗ”.

Đầu tắt mặt tối làm từ sáng tới nửa đêm nên bình thường, chị cũng không bận tâm lắm tới hoàn cảnh của mình. Thế nhưng cứ đến 1/6, trái tim chị lại quặn đau.

Bé Cẩm nhà chị đã 7 tuổi, cái tuổi chưa đủ hiểu hết cuộc sống nhưng đã đủ hiểu bạn được mặc váy đẹp, mình thì quần thủng đít, bạn được quà hay, mình thì không. Những năm trước, bé còn nhèo nhẽo đòi đồ chơi của bạn, đòi mẹ mua cái này, mua cái khác nhưng bây giờ bé quen rồi.

Trước 1/6 cả tuần lễ, hàng xóm đã rộn ràng không khí ngày Tết thiếu nhi. Nhà anh Thọ bỏ cả 4,5 triệu đồng mua cho cu Thắng chiếc ô tô điều khiển từ xa. Nhà chị Tuyết nghèo hơn, chỉ mua cho bé Quế chiếc váy dạ hội màu đỏ thắm, bắt mắt với giá gần 500.000 đồng. Vợ chồng chị Nguyệt tậu cho cu Nhật những chiếc máy bay đồ chơi đắt tiền,… Các bé cùng khu dân cư hồn nhiên mang ra khoe và chơi chung với nhau. Bé Cẩm không được rủ chơi cùng vì bé chẳng có đồ gì để góp với bạn bè.

Bé Cẩm không đòi bạn, cũng không đòi bố mẹ mua đồ chơi cho mình. Bé chỉ nép sau cánh cửa, đôi mắt hau háu, ngân ngấn ngước nhìn ra ngoài với vẻ thèm thuồng lắm. Thương con mà không làm gì được. Với thu nhập chưa tới 4 triệu đồng của cả hai vợ chồng, gia đình chị phải co kéo lắm mới đủ cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Tiền tiết kiệm chẳng có, lấy đâu ra tiền mua đồ chơi cho con. Thành ra, kho đồ chơi của bé Cẩm chỉ toàn là đồ cũ, hàng xóm dùng chán muốn vứt đi nhưng chị lại xin về cho con.

Ôm con vào lòng mà nước mắt nhạt nhòa, chị Cẩm chỉ ao ước một ngày nào đó chị mua được chiếc váy công chúa cho bé. Thấy mẹ khóc, bé Cẩm lau nước mắt cho mẹ: “Không có đồ chơi đẹp, con không buồn đâu. Mẹ còn phải nuôi con, nuôi em Bin nữa. Sau này con lớn, mẹ mua cho con cũng được, mẹ nhỉ”.
 

Bé cũng tủi thân vì nghèo

Chị Thu may mắn vì bé Cẩm ngoan ngoãn và biết suy nghĩ cho bố mẹ nên nỗi đau nghèo khổ trong chị dẫu sao cũng được nguôi ngoai. Anh Thường, chị Thảo lại khác. Cu Thức nhà anh chị đã hơn 10 tuổi. Cũng như bố mẹ, cu cậu hiểu rõ hoàn cảnh nghèo khó của mình nên cu cậu chỉ dám chơi với bạn bè cùng “tầng lớp”. Hàng xóm nhà anh Thường dù không quá giàu nhưng cũng dư dả. Đến 1/6, họ vẫn thoải mái mua cho con đồ chơi đắt tiền, đưa con đi chơi quanh Hà Nội.

Những bé sống quanh nhà Thức không độc nên các bé thường xuyên rủ Thức chơi cùng. Nhưng do còn trẻ con nên các bé vẫn rất hồn nhiên, vô tư. Đôi khi, các bé nói nhiều câu, đến anh Thường nghe thấy cũng phải đau lòng. Thức hiểu, Thức tủi thân nên dần xa lánh các bạn. Nhưng vẫn dõi theo sự sung túc của các bạn.

Thấy bạn bè thực sự được hưởng cái Tết thiếu nhi, cu Thức nằng nặc đòi được như bạn bè. Năm nào cũng như năm nào, hết khóc lóc van vỉ rồi đến màn ném đồ trong nhà nhưng chẳng bao giờ Thức được toại nguyện. Năm nay, vì thương con, khi sắp tới 1/6, anh chị cố gắng trích một phần lương ít ỏi của mình mua quà cho con. Cầm chiếc mô hình máy bay trên tay, cu Thức nhảy lên vì sung sướng. Nhìn nụ cười hồn nhiên vô tư của con mà chị Thảo rớt nước mắt. Con vui, chị cũng vui nhưng đâu đó trong đầu chị nảy lên phép tính: “Một món đồ chơi mà ngốn đến mấy ngày cơm của nhà mình anh ạ”.

Nhìn về xa xăm, anh Thường an ủi vợ: “Thôi, cố một lần mua cho con cũng được em ạ. Bạn bè đầy đủ mà con thiếu thốn, anh cũng đau lòng lắm. Thương con mà chẳng biết làm sao. Vợ chồng mình nghèo, cố giảm bớt khẩu phần ăn mỗi bữa. Cố vài tháng chắc cũng đủ số tiền mua quà cho con. Chỉ hy vọng sau này đời sống khá hơn. Chứ cứ mãi thế này thì khổ lắm”.

Không chỉ riêng gì chị Thu, vợ chồng anh Thường, chị Thảo, trong ngày 1/6 này, sẽ vẫn còn rất nhiều ông bố bà mẹ lẳng lặng nhìn đôi mắt u buồn, thèm quà của con trẻ mà lòng đắng ngắt.
 

Mẹ tham gia trò chơi, rinh quà về cho bé!

Chia sẻ