Mẹ con cùng "khóc" vì cái chữ trước khi vào lớp một

,
Chia sẻ

Bé Lan thút thít xin mẹ không đi học chữ nữa vì hôm nào cô giáo cũng bắt viết mấy trang vở. Thương con lắm nhưng vẫn bắt con học vì sợ không theo kịp bạn khi vào lớp một.

Cứ đến 17h chiều mỗi ngày, chị Thanh Hằng, quận 8, lại đèo cô con gái đến nhà một cô giáo đã về hưu để học chữ. Chị nói: “Không học trước không được. Vì nếu không cho con đi học biết chữ, biết làm toán trước khi vào học sẽ bị lạc lõng, không theo kịp chương trình và rất vất vả bởi theo các bạn đã được học trước”.

Nhiều bậc cha mẹ tin rằng bây giờ, nhà nào cũng cho con đi học trước, nếu con mình không đi sợ khi vào học sẽ bị tụt hậu. Chính tâm lý này khiến nhu cầu đưa con học chữ trước khi vào lớp một ngày càng tăng cao. "Hiện nay, quanh khu phố nhà tôi mọc lên không biết bao nhiêu lớp dạy kèm cho các cháu 5 tuổi. Vậy mà vẫn quá tải và không đủ chỗ cho các bé học", chị Thanh Lan, nhà ở khu phố 7, Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, cho biết.

Nhìn bé Loan bi bô hát “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo…”, chị Lan, làm việc cho một công ty nước ngoài, chia sẻ, dù công việc bận tối mắt tối mũi nhưng đêm nào chị cũng tự kèm cho con học chữ để chuẩn bị vào lớp một. Chị đã mua hẳn một bộ sách lớp 1 về nhà dạy trước cho cháu. "Mặc dù cả mẹ lẫn con đều vất vả nhưng đã đầu tư thì phải đầu tư ngay từ đầu, chứ sau này không theo kịp các bạn rồi mất căn bản, cháu sẽ nản không học được”, chị Lan nói.

Nhiều phụ huynh khác lại tỏ ra hối tiếc vì trước kia không cho con đi học sớm. “Con tôi không được học chữ trước nên vào học thường làm bài bị điểm thấp, cô giáo suốt ngày mời phụ huynh đến nhắc nhở, bé sinh ra bị áp lực, sợ không dám đến trường. Tôi mà biết sự thể thế này thì cho cháu học chữ trước có phải hơn không”, chị Phương, có con học lớp một trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, than thở.

Bé Mỹ Hảo đang cặm cụi tập viết chữ trước khi vào lớp một. Ảnh: Lệ Thanh

Chia sẻ vấn đề này, cô giáo dạy lớp một Trường tiểu học Tân Tạo, Bình Tân, cho biết, hầu hết em đã biết đọc, biết viết trước khi vào lớp một thường không còn hứng thú nghe cô dạy trong giờ học. Trong khi đó, những em không học trước dễ lâm vào tình trạng lo lắng, khủng hoảng ngay từ ngày đầu tiên đi học khi thấy các bạn đọc, viết ào ào dù không cần tập trung nhiều. “Chúng tôi thực sự không đồng tình việc phụ huynh cho con học trước, vì trong một lớp sẽ bị phân hóa thành nhiều trình độ khác nhau, giáo viên rất vất vả để có thể dạy tốt chương trình chuẩn”, cô giáo nói.

Các chuyên gia về giáo dục và tâm lý đều cho rằng, quyết định cho con học chữ sớm trước khi vào lớp một, chính các phụ huynh đang cắt ngắn tuổi thơ được vui chơi của con mình, làm khổ giáo viên và gây khủng hoảng, lo âu cho những đứa trẻ khác. Chương trình lớp một là chương trình dành cho trẻ chưa biết chữ. Từ đó, các em được bắt đầu làm quen từ những con chữ đầu tiên và sự tự tin từ ngày đầu vào lớp một.

Do đó, trao đổi với VnExpress.net, bà Dương Thị Bạch Liên, Hiệu phó trường mẫu giáo 20/10, quận 1, cho rằng, chương trình học mầm non chỉ chú trọng cho trẻ em phát triển về năng khiếu vẽ, hát, múa… chứ không dạy chữ cho các em. Cấp này cũng có rèn nét vẽ hoặc những nét viết cơ bản nhưng chỉ là để các em luyện cơ tay hoặc tạo khả năng tư duy chứ không nhắm đến việc dạy đọc, viết chữ.

“Mỗi lứa tuổi thích hợp với mỗi chương trình học khác nhau. Việc đọc và viết chữ nên để dành cho chương trình học lớp một và giáo viên tiểu học", bà Liên nói.

Ở lứa tuổi mầm non chỉ nên cho trẻ vui chơi là chính. Ảnh: Ngoan Ngoan

Bà Bạch Liên cho biết thêm, chính vì cha mẹ thời nay có tâm lý sợ con em mình không theo kịp bạn bè nên đưa các bé đến những giáo viên bên ngoài để học thêm chữ vào buổi tối. Có giáo viên dạy không chuyên nên chỉ qua loa chiếu lệ, lớp học lại đông, họ thường không có thời gian cầm tay nắn nót nét chữ cho từng em. Hệ quả là nét chữ của trẻ không những không đẹp mà còn nguệch ngoạc hoặc không đúng những nguyên tắc giáo dục dễ dẫn đến những hệ lụy sau này.

Cùng quan điểm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bình, quận 1, cho rằng: "Hãy để trẻ như tờ giấy trắng để khi bắt đầu đi học trẻ sẽ được giáo viên chỉ dạy cặn kẽ và uốn nắn từ cách cầm bút chì, viên phấn đến nguyên tắc viết từng nét chữ đơn giản”.

Ông cũng cho biết, nhằm hạn chế chuyện học sinh đã biết chữ trước thì được điểm cao, học sinh chưa biết chữ bị điểm kém, Sở giáo dục và đào tạo TP HCM dự kiến sẽ thực hiện học kỳ 1 của lớp một không cho điểm học sinh, thay vào đó giáo viên chỉ nhận xét, ghi lời phê sau mỗi bài. Đề thi cho phần này chủ yếu là dùng các bức tranh để kiểm tra tư duy của trẻ chứ không phải thi bằng đọc và viết chữ.

Một lãnh đạo của Phòng giáo dục tiểu học thuộc Sở giáo dục và đào tạo TP HCM cho biết, chủ trương của ngành giáo dục là không cho trẻ học trước chương trình lớp một. Học chữ, làm toán trước khi đi học không phải là hoạt động giáo dục trước tuổi học đường.

"Cái trẻ cần được chuẩn bị khi sắp vào lớp một chính là tâm thế sẵn sàng đi học, như khả năng sử dụng ngôn ngữ; các khả năng về trí tuệ, thích ứng học đường, hiểu các biểu tượng về số, chữ cái; các kỹ năng sống, sự chủ động, độc lập, tự tin, hứng thú đến trường... chứ không phải là việc bắt các em học chữ trước", vị lãnh đạo này nói.

Đứng trên khía cạnh phát triển tâm sinh lý, các nhà tâm lý học cho rằng việc học trước như vậy hại nhiều hơn lợi. Theo Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, giảng viên trường Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, sự phát triển của một cá nhân là cả quá trình mà ngành giáo dục đã nghiên cứu bài bản để cho ra chương trình dạy và học phù hợp nhất. Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo cần được vui chơi và phát triển về năng khiếu, tư duy hình ảnh hơn là tư duy con chữ.

Một nghiên cứu mới của ông Thịnh về tâm lý lứa tuổi cho thấy, trẻ từ 4 đến 5 tuổi đã có nhu cầu thích học chữ. Vì thế cha mẹ chỉ nên cho các em làm quen với chữ cái thông qua nhận dạng những biểu tượng, tranh ảnh, trò đố vui… Cha mẹ không nên chỉ vì muốn con em mình trở thành “siêu sao” trong lớp mà bắt ép chúng học sẽ khiến trẻ phát triển lệch lạc.

“Việc luyện theo nét viết cơ bản đơn giản đã ghi chú bài bản trong cuốn sách vỡ lòng là phù hợp với khả năng của các em. Phương pháp giáo dục đúng sẽ giúp cho trẻ phát triển toàn diện và lành mạnh”, ông Thịnh nói.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ