Mẹ cần nói một lời xin lỗi

Hương Nguyễn,
Chia sẻ

Vừa thấy con trai chào mẹ và bước chân vào nhà, chị Hòa đã nhảy dựng lên và mắng con xa xả. Chị đay nghiến và quả quyết con đã lấy tiền của mình.

Số là hôm qua cơ quan chị tổng kết cuối tháng. Vì có nhiều công sức trong tháng nên chị Hòa được thưởng một món tiền. Vì đi liên hoan về khuya nên chị chỉ kịp để tiền trong tủ ở phòng khách. Sáng nay dậy muộn, chồng con đã đi vắng hết, chị Hòa bỏ tiền ra đếm thì thấy thiếu mất gần 1 triệu. Vội vàng gọi điện cho chồng, chồng chị nói không lấy, thế là không cần nghĩ ngợi, mọi nghi ngờ của chị dồn hết cho cậu con trai 15 tuổi. Con trai chị vốn rất mê chơi điện tử. Anh chị cũng phải cố gắng quản con thật chặt mới mong nó không “tót” ra hàng net để chơi. Mỗi tuần anh chị chỉ cho con chơi vào cuối tuần và quy định chơi trong bao lâu.
 
Chợt nhớ ra cách đây không lâu, con trai chị khoe mới mua được một cái kiếm rất đẹp nhưng còn nợ bạn một ít tiền, con chị phải cố gắng để trả hết chỗ nợ đó (kiếm là một trong những vũ khí dùng trong các trò chơi và để càng có quyền lực hay sức mạnh thì càng phải cần trang bị cho mình nhiều vũ khí - chị Hòa chỉ biết sơ sơ vậy khi con nói). Nghĩ đến đây chị giật mình: “Thôi đúng rồi, con chị đã lấy tiền để đi chơi game thật rồi”.
 

Con trai chị Hòa không nói năng gì khi mẹ mắng xối xả vào mặt. Nó vẫn thế, lúc nào cũng nhường mẹ nói xong nó mới nói. Thấy thái độ im lặng của con, chị Hòa càng bực và càng nói con những câu nặng nề nhất. Cuối cùng con chị cũng thanh minh là không lấy tiền của mẹ, tất cả tiền nợ phải trả để mua đồ trong game chỉ là tiền ảo, do chơi mà có được thôi. Nhưng dù con có nói thế nào thì chị Hòa cũng vẫn cho là con bao biện. Trong cơn bực tức chị đã đuổi con ra khỏi nhà. Gần 1 triệu không phải là nhiều nhưng chị không chấp nhận được một đứa con trai đã lấy trộm của mẹ còn không biết hối cải nhận lỗi mà còn chối bay biến. Uất ức, con trai chị Hòa xách xe đạp đi mất.

Chiều đến chỗ làm, mấy chị cùng phòng mang tiền sang trả chị Hòa vì hôm qua chị Hòa đã ứng ra trả tiền liên hoan cho mấy người. Lúc này chị Hòa mới ngớ ra. Hôm qua vì vội quá chị đã lấy nhầm tiền trong số tiền được thưởng để trả tiền liên hoan. Sáng nay chị không kiểm lại tất cả tiền nên không nhận ra. Thế mà chị lại nghĩ là mất và đổ oan cho con trai.

Tối đến vẫn không thấy con về nhà, chị Hòa bắt đầu lo lắng. Con trai ở độ tuổi “ẩm ương” này dễ suy nghĩ nông nổi và làm bừa lắm. Chị vội vàng đến nhà bạn bè của con để tìm nhưng không thấy con. Giận mình lắm, chị Hòa chỉ biết ngóng ở cổng mong con mau về.
 
 
Đến khuya mới thấy con trai về nhà, lầm lì bỏ lên phòng riêng mà không ăn cơm. Gạt bỏ hết những cảm giác ngại ngùng, chị Hòa lên phòng nói chuyện với con một cách thẳng thắn. Chị đã nhận mình sai và xin lỗi con, hứa với con lần sau sẽ suy xét, tìm hiểu kĩ vấn đề trước khi trút giận lên ai đó. Nghe mẹ xin lỗi, con trai chị Hòa cũng có vẻ nguôi ngoai và đỡ giận mẹ. Ngay ngày hôm sau, quan hệ của hai mẹ con đã trở lại bình thường.
 
Chuyện nghe có vẻ rất đỗi bình thường ở các gia đình, bố mẹ có thể thoải mái mắng con dù mình đúng hay sai. Và cho đến khi biết là mình sai cũng không thẳng thắn nhận lỗi với con. Thế nhưng, lối sống này ngày càng được nhiều người tranh luận ở khía cạnh nên hay không nên xin lỗi con. Thật ra, việc xin lỗi con không hề làm cho cha mẹ mất đi cái uy, vị thế như nhiều người lầm tưởng. Nếu cha mẹ làm sai, cứ xin lỗi một cách thẳng thắn và chân thành. Việc này chỉ có lợi chứ không có hại. Cái lợi ở chỗ, khi cha mẹ xin lỗi, đứa con sẽ được xoa dịu cảm giác ấm ức và bị hàm oan. Đặc biệt nếu con còn nhỏ, chưa có suy nghĩ chín chắn thì rất dễ làm điều dại dột. Đã không ít trường hợp trẻ em bỏ nhà ra đi, tự tử chỉ vì bị cha mẹ la mắng oan ức. Cái lợi nữa là sau khi xin lỗi con, cha mẹ sẽ nhẹ lòng vô cùng.

Hơn nữa, cha mẹ nhận sai với con, xin lỗi con thật lòng sẽ khiến con cái tôn trọng và kính nể cha mẹ hơn, đồng thời trẻ cũng cảm thấy gần gũi với cha mẹ chứ không có suy nghĩ coi thường cha mẹ.
Chia sẻ