Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao

Mẹ Táo,
Chia sẻ

Mẹ Táo cảm thấy rất may mắn khi được “tây tiến” một chuyến, nhưng hạnh phúc nhất là được thấy bạn ấy lớn lên trong một ngôi trường mầm non tuyệt vời.

Bạn Táo mới gần 3 tuổi nhưng đã có “kinh nghiệm học hành” mầm non gần 2 năm bên Úc và mấy tháng ở Việt Nam.  Mẹ bạn ấy, với sự quan sát của một người mẹ giành cho cục cưng bé nhỏ, đã đúc rút được ra 4 kinh nghiệm hay từ những trường mầm non của Úc, mà theo mẹ, bất kì một trường mầm non nào ở Việt Nam cũng có thể áp dụng được mà chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ rất hoanh nghênh.

1. Báo cáo lại hoạt động hàng ngày của trẻ một cách chi tiết

Ở Úc hay ở Việt Nam, bố mẹ luôn rất muốn biết một ngày của con ở lớp diễn ra như thế nào. Ở Việt Nam bây giờ, các nhà trẻ công thường lắp đặt hệ thống camera, bố mẹ ở bất cứ đâu, lúc nào cũng có thể thấy con đang làm gì, ăn gì, học gì, chơi ra sao. Tuy nhiên, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi để mở máy ra nhòm con mình từng giờ từng phút.

Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao 1
Cuốn nhỏ nhật kí giản dị nhưng đầy cảm xúc của Táo ở trường. (Ảnh: Mẹ Táo)

Ở bên Úc, mỗi khi tới đón bạn Táo, bố mẹ chỉ việc mở quyển sổ nhật ký các cô ghi, ở đó có đầy đủ hoạt động của từng bạn ngày hôm đó theo các cột chi tiết. Ví dụ, ở cột ăn sáng, cô sẽ ghi xem bạn Táo hôm đấy ăn được 1 cốc sữa hay nửa cốc thôi, ăn được 1 nửa suất ăn hay là không ăn gì. Ở cột toilet, cô sẽ ghi xem hôm nay con có đi toilet không, đi vào lúc mấy giờ, hoặc là ở cột ngủ trưa, bạn ấy ngủ được mấy tiếng, từ mấy giờ tới mấy giờ. Thiết kế 1 quyển số như thế là chuyện dễ nhất quả đất mà mẹ từng biết.

Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao 2
Từng hoạt động của Táo ở trường được các cô ghi chép lại một cách cẩn thận và chân thành.

Hồi mới đầu bạn Táo đi học ở Việt Nam, ngày nào mẹ cũng phải đứng lại trao đổi với cô về tình hình của con. Được vài ngày thì cô cũng mệt vì cứ phải nói, mẹ cũng ngại vì hỏi hơi nhiều. Sau đó do mẹ bận làm, ngày nào tới đón bạn ấy cũng đang ở lớp gửi muộn cùng một cô giáo lạ hoắc, thế là mẹ chẳng biết hôm nay ở trường bạn ấy ăn ngủ, học hành ra sao. Giá mà các cô cũng có quyển sổ nhật ký để ở cửa lớp, bố mẹ nào quan tâm chỉ cần mở ra nhòm vào thì tốt biết bao.

2. Đánh giá tiến bộ của trẻ định kỳ

Đấy là sinh hoạt chung, thế còn chuyện học thì sao ạ? Ở Việt Nam, các trường mầm non đã thiết kế thực đơn và thời khóa biểu học của các con rất chi tiết và gửi cho bố mẹ. Tuy nhiên, việc đánh giá tiến bộ hoặc các điểm mạnh điểm yếu của con thì chưa phải trường nào cũng làm được. Không ai hiểu các con hơn các cô vì con ở với cô cả ngày cơ mà, tối về với bố mẹ cũng ăn chơi một lúc rồi đi ngủ. Thế nên, thật vui biết bao khi định kỳ bố mẹ được nhận những báo cáo của cô về các con, chỉ cần ngắn ngắn vài câu thôi nhưng hẳn bố mẹ sẽ thấy được sự quan tâm của các cô giành cho con mình.

Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao 3
Những tiến bộ nhỏ nhất của bạn Táo đều được các cô ghi lại.

Ở lớp bạn Táo bên Úc, có khi là 2 tuần, có khi là 1 tháng, các cô đều có những nhận xét về việc học, kể cả việc chơi của các con. Mỗi nhận xét của các cô đều rất chân thành và cụ thể. Cô sẽ nhận xét cả điểm mạnh và điểm mà bạn ấy cần hoàn thiện, dù bạn ấy mới chỉ có 2 tuổi thôi nhé. Ví dụ, trong một báo cáo cô gửi cho bố mẹ, cô khen bạn ấy phân biệt màu sắc rất nhanh nhưng khi cô đặt câu hỏi thì bạn ấy chưa phản hồi được câu hỏi tốt mà chỉ mới biết lặp lại câu hỏi của cô thôi (vì vốn tiếng Anh của bạn ấy chưa được tốt bằng các bạn Úc “xịn” mà).
 
Một lần khác, cô kể rằng bạn Táo lúc đó đang xếp đường ray xe lửa cùng vài bạn khác. Táo xếp 1 đường ray rất dài và cho xe lửa chạy từ đầu này sang đầu khác. Một cô giáo gợi ý rằng, Táo nên xếp đường ray hình vòng tròn, như thế xe lửa có thể chạy không nghỉ nhưng bạn ấy nói “Không” rất quyết liệt và nói rằng “đây là điểm dừng”.  Kết luận của cô rất cụ thể rằng “bạn ấy có khả năng phân biệt các điểm xuất phát và dừng rất tốt”. 

Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao 4

3.  Khuyến khích tự tin ở tất cả con trẻ

Hồi mẹ được đi khai giảng trường bạn Táo ở Việt Nam, mẹ rất ấn tượng với quy mô tổ chức hoành tráng của trường. Mẹ không kể tới việc sơn sửa nhà trường cho mới, hay mua hoa, trải thảm cho đẹp. Mẹ muốn nói tới sự công phu tập luyện của các bạn nhỏ cơ. Các bạn ấy được các cô rèn cho múa hát những bài rất khó và yêu cầu rất cao.

Trong lúc chờ biểu diễn, có cô còn kèm lại từng bạn. Lúc các bạn ở trên sân khấu, có cô còn đứng dưới nhắc động tác vì sợ màn biểu diễn không được như ý. Các bạn không được biểu diễn thì ngồi dưới xem, bé bé như bạn Táo thì cũng chưa hiểu mấy về sự khác nhau đấy, nhưng các bạn 4-5 tuổi thì biết so sánh, biết nhen nhóm tí ghen tị vì không được mặc đẹp, được đứng trên sân khấu và được các cô khen.

Việc chọn lọc ra các bạn nổi trội có thể làm tăng “tinh thần phấn đấu” cho các bạn ấy từ bé nhưng cũng có khi làm sự tự ti của một vài bạn cũng tăng theo. Hơn nữa, các cô thường đặt kỳ vọng rất cao ở các con làm cho các con từ bé đã cảm thấy có “tí áp lực” mặc dù đó là hoạt động phong trào vui vẻ.

Ở Úc, mẹ còn nhớ hồi trường bạn Bách tổ chức giáng sinh, nhà trường thông báo cho bố mẹ thời gian và nhắc nhở bố mẹ mang theo đồ ăn tới tiệc. Bố mẹ bạn Táo cũng chuẩn bị tâm lý chắc sẽ có nhiều trò hay ho của các con ở lớp. Nhưng tới nơi thì chỉ thấy các bố mẹ quây quần nói chuyện với các con, nhạc nhẽo giáng sinh ầm ĩ một tí. Các cô và các con đeo những thứ ngộ nghĩnh tượng trưng cho giáng sinh cười nói vui vẻ. Một lúc sau, các cô bật nhạc và gọi tất cả các bạn tới nhún nhẩy theo nhạc và hét to “Merry Christmas” rồi đi về.

Bố mẹ khá là thất vọng, nhưng sau vài lần thì bố mẹ hiểu rằng, ở Úc, họ rất chú trọng tới phát triển tinh thần cộng đồng và khuyến khích mọi người cùng tham gia hoạt động tập thể. Điều này rất quan trọng trong việc phát triển sự tự tin, tinh thần hợp tác của mỗi cá nhân, nhất là những đứa trẻ.

Mầm non ở Úc và 4 điều tuyệt vời bố mẹ Việt nào cũng khát khao 5
Mỗi ngày đi học của Táo ở trường lại là một ngày đầy ắp kỉ niệm.

4. Tự tạo ra các ngày khác biệt trong năm

Trong hơn 1 năm rưỡi bạn ấy đi học ở bên Úc, mẹ nhớ có rất nhiều ngày “tự biên” của các cô giành cho các con: “Ngày những chiếc mũ dễ thương”, “ Ngày Pijama”, “Ngày của những đôi giầy”… Vào hôm đó bố mẹ hãy chuẩn bị cho các con đội những chiếc mũ dễ thương hay mặc cho con bộ Pijama mà con yêu thích. Rồi sau đó các cô chụp ảnh, dán vào nhật ký chung của lớp, ghi chú thích cho các bạn. Bố mẹ mỗi khi tới đón con, được thấy những hình ảnh đáng yêu này thì mệt mỏi vất vả một ngày cũng tan biến hết. Các con cũng thấy thích thú khi một ngày nào đó được mặc những thứ khác lạ tới lớp và các bạn khác cũng ngộ nghĩnh hơn ngày thường.
 
Mẹ Táo cảm thấy rất may mắn khi được “tây tiến” một chuyến, nhưng hạnh phúc nhất là được thấy bạn ấy lớn lên trong một môi trường giáo dục tuyệt vời như thế. Mẹ Táo cũng mong muốn với những chia sẻ này, cùng thật nhiều chia sẻ của các bà mẹ khác, các mầm non của chúng ta sẽ được hưởng một nền giáo dục tiến bộ hơn.
Chia sẻ