Lý do khiến các mẹ phải suy nghĩ lại về việc luyện ngủ cho con

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Những đêm gần như thức trắng, khao khát có một giấc ngủ đúng nghĩa khiến nhiều bà mẹ nghĩ tới chuyện phải thật nghiêm khắc trong vấn đề luyện ngủ cho con.

Mọi phụ huynh đều có giới hạn. Ngay cả những ông bố bà mẹ gắn kết với con nhất, tận tụy nhất, kiên trì nhất cũng sẽ “chạm ngưỡng” – là khi họ sẵn sàng quăng mình qua cửa sổ chỉ vì tình trạng kiệt sức do thiếu ngủ triền miên gây ra. Đó là lý do hầu hết các bà mẹ thời nay đều mong muốn luyện con tự ngủ từ sớm để công cuộc nuôi con trở nên nhàn hơn. Tuy nhiên, những lý do dưới đây sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại về việc luyện ngủ cho con.

Lý do thứ nhất: Luyện ngủ là không công bằng

Phần lớn trẻ không khóc vì chúng giận dữ khi phải học một kỹ năng mới. Bé thực sự không khóc vì chúng là những kẻ biết sử dụng mánh lới lôi kéo người lớn một cách tinh ranh. Bé khóc vì chúng cần sự thoải mái và tình yêu từ cha mẹ. Nhu cầu đó cũng thật và cũng có giá trị chẳng kém gì nhu cầu ăn uống.

Những tiếng khóc thét kéo dài, đầy căng thẳng từ đêm này sang đêm khác chứng tỏ bé đang cảm thấy đơn độc, sợ hãi và bối rối. Bé không hiểu mẹ đang kiệt sức và cần ngủ thế nào – tất cả những gì bé hiểu là cảm giác choáng ngợp vì nhu cầu cấp thiết không được đáp ứng – đó là nỗi đau về cảm xúc và sự ngóng chờ yêu thương. Chúng ta có thể biết rằng bé được an toàn trong phòng mình nhưng bé không biết điều đó. Bản năng mách bảo bé rằng bé đang cô đơn và do đó, rơi vào tâm trạng giận dữ tột độ.

Luyện cho trẻ sơ sinh tự ngủ, phương pháp đó, về bản chất, là tàn bạo.

Luyện ngủ

Lý do thứ hai: Rèn ngủ không có hiệu quả lâu dài

Sử dụng các phương pháp rèn ngủ chỉ là các giải pháp tạm thời. Với phần lớn trẻ sơ sinh, chúng thực sự có tác dụng, thể hiện ở khía cạnh trong vài đêm, bé có thể ngủ một mình và ngủ được những khoảng dài hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bé bị ốm hay đang mọc răng? Điều gì xảy ra khi gia đình đi nghỉ ở đâu đó và lịch trình trên bị đảo lộn? Họ sẽ phải bắt đầu lại quá trình kinh khủng đáng sợ đó lần nữa. 

Những bé học được thói quen ngủ nghỉ lành mạnh trong chính thời gian của mình, trong một môi trường của yêu thương và tôn trọng, sẽ có khả năng điều chỉnh để thích ứng với thay đổi của thời gian biểu mà không tốn quá nhiều công sức hay phải tiêu hao năng lượng vào những cảm xúc tiêu cực. Những bé cùng ngủ với cha mẹ thường ngủ được ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần bé có một cơ thể ấm áp ở bên để rúc vào.

Lý do thứ ba: Luyện ngủ rất nguy hiểm

Khi bé khóc, cortisol chảy khắp cơ thể giúp bé đối mặt với áp lực mà bé đang phải trải qua. Dòng chảy cortisol tạo ra phản ứng “đánh hay tránh” (fight or flight) trong cơ thể, đặt bé dưới áp lực căng thẳng về thể chất và cảm xúc rất lớn. Chịu tác động của tình trạng này nhiều lần sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm cho bé. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ luôn có mức hormone cortisol cao dễ có xu hướng hiếu chiến hơn khi trưởng thành.

Điều này thực sự có ý nghĩa. Não của một đứa trẻ liên tục lớn lên và tạo ra những kết nối mới. Bằng cách cho phép phản ứng stress trong cơ thể lặp đi lặp lại, bạn đang cho phép não bé quen thuộc với áp lực và khó khăn.

Luyện ngủ

Bên cạnh đó, cần phải lưu ý rằng, việc trẻ ngủ những khoảng ngắn là bình thường. Nếu bé ngủ quá sâu, không thể tự thức dậy khi trải qua một quãng ngừng thở thông thường, có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong trong giấc ngủ. Rèn ngủ, dạy cho trẻ ngủ trong một khoảng thời gian dài, điều này là trái tự nhiên. Sẽ tốt hơn nếu tìm ra cách giải quyết tình trạng thiếu ngủ (để bé ngủ chung giường, giấc ngủ ngắn ban ngày, đi ngủ sớm) hơn là cố thay đổi những gì thuộc về tự nhiên và hành vi bình thường của bé.

Lý do thứ tư: Bạn có nguy cơ đánh mất sự tin cậy của bé

Bé sơ sinh lệ thuộc vào cha mẹ trong mọi thứ. Đó chỉ là những sinh vật nhỏ bé, yếu đuối, vô vọng, hoàn toàn trông chờ vào tình yêu và sự chăm sóc của chúng ta. Lòng tin tưởng mà trẻ giao phó cho chúng ta là một món quà quý giá. Chúng ta đã đón nhận món quà ấy vào thời điểm bé chào đời. Bé tin rằng chúng ta sẽ ở bên bé vô điều kiện. Vì vậy, khi cha mẹ từ chối chăm sóc bé vào buổi tối như cách chúng ta làm vào ban ngày – trả lời tiếng khóc của bé, ôm ấy bé khi bé buồn, cho bé ăn khi bé đói – bé sẽ trở nên hoang mang. 

Lý do thứ năm: Luyện ngủ là trái tự nhiên

Có một nguyên do khiến rèn ngủ là rất khó. Tiếng khóc của bé là âm thanh xuyên thấu mọi ngóc ngách trong con người bạn. Âm thanh đó khiến huyết áp của bạn tăng lên và mạch cũng đập nhanh hơn. Dỗ dành bé đang khóc là sự thúc giục mang tính sinh học và cấp bách. Đáp lại tiếng gọi của bé không làm bạn yếu đi và nó chắc chắn không đồng nghĩa với việc bạn làm hư trẻ. Muốn vỗ về con trẻ khi bé khóc là việc làm thuận tự nhiên, bình thường.

Lý do thứ sáu: Luyện ngủ ảnh hưởng tiêu cực tới việc cho con bú sữa mẹ

Nếu một bà mẹ đang cho con bú, điều đặc biệt quan trọng là người mẹ ấy thường cho con bú về đêm. Lượng prolactin cao hơn vào buổi tối và hormone này chịu trách nhiệm cho lượng sữa cơ thể mẹ tiết ra. Trong trường hợp bé dưới 6 tháng tuổi, cho bé bú theo nhu cầu lúc đêm là đặc biệt cần cho sự phát triển của bé cũng như giúp duy trì nguồn sữa mẹ. Lên lịch ăn cho bé vào bất cứ tuổi nào, chưa kể với trẻ dưới 6 tháng tuổi – hay thậm chí ăn dặm về đêm – như một số chuyên gia huấn luyện trẻ gợi ý – sẽ phá hỏng mối quan hệ với bầu sữa mẹ và có thể khiến trẻ khó phát triển. Nếu ăn dặm vào đêm phải được tiến hành, nó không nên được thực hiện cho tới khi trẻ được ít nhất 12 tháng tuổi.

Trên 6 tháng tuổi, và khi bé thích thú với thức ăn đặc (việc này có thể diễn ra khá lâu sau thời điểm 6 tháng), cho bé bú về đêm vẫn rất quan trọng. Bé ở tuổi này cực kỳ bận rộn vì có rất nhiều điều để khám phá vào ban ngày. Do đó, bé có thể không dành nhiều thời gian với bầu sữa mẹ như chúng cần. Do đó, chúng bù đắp vào buổi đêm. Hiện tượng này gọi là Reverse Cycling và là hiện tượng bình thường ở bé trên 6 tháng tuổi. Nếu từ chối cho bé bú đêm, bạn có thể khiến bé thiếu hụt một số dưỡng chất cần thiết, ngay cả khi có vẻ như chúng đã được cung cấp đủ vào ban ngày. Sữa mẹ không thể định lượng được. Do đó, không có cách nào để xác định con bạn đã nhận đủ chất hay chưa.

Luyện ngủ

Lý do thứ bảy: Nó thiết lập nhịp điệu cho cách làm cha mẹ trong tương lai

Tại sao làm mẹ buổi đêm lại có gì khác so với làm mẹ ban ngày? Khi chúng ta quyết định trở thành cha mẹ, chúng ta không trông chờ gạt mình ra khỏi trách nhiệm dành cho con cái từ 7 giờ tối tới 7 giờ sáng.

Lý do thứ tám: Luyện ngủ làm hỏng mối liên kết giữa bạn và con

Sự gắn kết giữa mẹ và bé là hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nó cũng cần được nuôi dưỡng. Tại sao lại dành cả ngày cố gắng có mặt bên con, kết nối với con, giao lưu tình cảm với con chỉ để kiểm tra xem sự gắn bó ấy đạt tới giới hạn vào buổi đêm? Liên tục bị bỏ mặc trong đêm là cách khiến bạn hủy hoại sợi dây gắn kết cùng con mà bạn đã cố gắng tạo ra cũng như duy trì.

Sau một ngày dài bận rộn, chúng ta đều cảm thấy mối liên kết ấy nhạt nhòa đi. Chắc chắn là tốt hơn nếu kết thúc một ngày bằng việc ngủ cùng con (dù là trên chiếc giường chung hay chỉ là ngủ với con cho tới khi đặt bé vào nôi). Việc đó giúp bạn tái kết nối với con và chấm dứt việc để mặc con khóc đến lúc con tự thiếp vào giấc ngủ.

(Nguồn: Tổng hợp)
Chia sẻ