Luyện trẻ chơi một mình

,
Chia sẻ

Chơi cùng con mang lại nhiều lợi ích cho cả bé và mẹ. Tuy nhiên, có những lúc bận rộn, các phụ huynh không thể dành thời gian cho con.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng họ nên thường xuyên gắn bó với con cái, nhưng làm như vậy, tinh thần họ sẽ chẳng bao giờ được nghỉ ngơi. Chính việc này tạo ra những cơn stress mà chính con cái họ sẽ nhận lấy.

Trên thực tế, luyện cho trẻ tự chơi một mình là một trong những món quà tốt nhất mà phụ huynh dành tặng cho con và cho chính mình. Đó là thời gian để trẻ nguệch ngoạc vẽ viết, làm ô-tô bằng bìa cứng hay khám phá chính góc sân nhà mình. Những điều này nuôi dưỡng các kỹ năng trẻ cần để thành công như tính sáng tạo, suy nghĩ logic và sự tự tin.

Việc hướng dẫn cho bé tự bày trò chơi không quá phức tạp nhờ những cách sau:

Hướng dẫn trẻ cách thực hiện

Trước hết, bố mẹ hãy cho bé thấy rằng ở một mình không có vấn đề gì lớn lao cả, thậm chí nó còn mang lại niềm vui (tất nhiên có sự giám sát chừng mực của người lớn trong một môi trường an toàn). Quá trình này có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ bắt đầu biết bò. Bạn có thể đặt trẻ vào trong nôi hoặc cũi với vài  món đồ chơi trong lúc bạn đang ở gần đấy hoặc thậm chí lúc bạn rời khỏi phòng. Điều này sẽ gieo những hạt mầm của sự tập trung và tự lập. Những món đồ chơi phát ra tiếng, các vòng tròn xếp chồng lên nhau và các món đồ chơi dễ nắm bắt có thể giúp đứa trẻ 6 tháng tuổi bận rộn được tối đa 20 phút, đủ thời gian để bạn nghỉ lưng và đọc vài tờ báo.

Sau đó, bạn có thể tăng dần khoảng thời gian trẻ chơi một mình. Hãy chỉnh thời gian và giải thích cho bé hiểu bé sẽ phải ở trong phòng cho đến lúc nghe thấy tiếng reo của đồng hồ.

Lớn hơn, trẻ sẽ bị ảnh hưởng những sở thích và thói quen của các thành viên trong gia đình và trở thành những người có đam mê và sở thích. Khi chúng nhìn bạn nhảy, chúng cũng sẽ biết xoay người và nhảy cẫng lên. Khi trong nhà có người thích đọc sách, trẻ sẽ biết thưởng thức sách. Một vài trẻ khá tự nhiên và dạn dĩ trong việc chơi một mình, số khác có thể cần sự dìu dắt của người lớn để kích hoạt trí tưởng tượng trong bé.

Tạo không gian riêng cho trẻ

Chị Mai Lan (đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp) cho biết, chị đã dành một phòng nhỏ làm phòng chơi riêng cho hai cậu con trai của mình. Căn phòng đầy thú nhồi bông, một cái bàn, giấy, bút và nhiều thùng đồ chơi. Để có thể yên tâm với sự an toàn của con khi chúng chơi một mình, chị đã trải trên sàn nhà một tấm thảm dày, bên dưới là một tấm nệm để khi bọn trẻ vấp ngã không bị chấn thương đầu và khuỷu tay.

Nhưng không phải nhà nào cũng có điều kiện để dành hẳn một phòng chơi cho con như chị Lan. Chị Thúy (Phan Kế Bính, Q.1)chia sẻ, chỉ cần một thùng đồ chơi và một vài quyển sách là chị có thể yên tâm làm việc nhà, nấu ăn trong vài giờ vì con chị vốn đã quen với việc “tự chơi” vào những thời gian nhất định trong ngày. Tất nhiên, chị không hoàn toàn “quên” con trong chừng ấy thời gian, mà vẫn thỉnh thoảng vẫn phải đảo mắt qua.

Theo các chuyên gia và nhiều bà mẹ khác, không gian cần thiết cho trẻ gồm các trò chơi xây dựng, lắp ráp, quần áo hóa trang, bút màu, đĩa giấy và tất cả các món đồ vẽ khác.

Chấp nhận sự luộm thuộm

Để con chơi một mình tức là bạn phải chấp nhận tường nhà sẽ đầy hình vẽ, quần áo của con sẽ lấm lem màu, tóc tai bù xù, chân tay bị bôi bẩn… Cũng đừng ngao ngán khi thấy góc phòng đầy những mảnh giấy nhỏ rơi lả tả vì đôi khi trẻ thích xé nhỏ giấy và tung lên cao cho giống “cô dâu chú rể”.

Chị Hoài (P.An Phú, Q.2) nói “Mỗi lần muốn yên ổn để trồng cây xanh trong vườn là chồng tôi lại đào một cái hố trong vườn, đưa cho con gái một cái vòi nước và bảo nó làm thành một đống bùn. Con bé rất thích thú và loay hoay với những thứ ấy suốt buổi chiều, còn chồng tôi có thời gian để gieo một luống rau cải. Dĩ nhiên, tôi sẽ phải là người gánh chịu bộ quần áo đầy đất của con mình, nhưng để 2 bố con có một khoảng thời gian thú vị như vậy thì cũng đáng thôi”.

Theo Thanh niên

Chia sẻ