Lớn lên con thích làm nghề gì?

,
Chia sẻ

Những ước mơ tưởng chừng rất ngây ngô của con trẻ thực chất lại là một yếu tố rất quan trọng giúp bố mẹ khám phá năng lực tiềm ẩn trong những năm đầu đời của con.

Em Pi: Lớn lên con thích làm công an mẹ ạ.

Mẹ: Vậy à, tại sao con thích làm công an ?

Em Pi: Để con bắt những ai hay bắt nạt bạn gái như bạn Hiếu.

Mẹ: ………

Em Pi: Con còn thích cả làm bác sỹ nữa. Để khi mẹ đau chỗ nào con khám cho, mẹ ốm con lấy thuốc cho mẹ uống.

Em Pi (ngồi ngẫm nghĩ 1 lúc): À, con còn thích làm chiến sĩ nữa…

Những ước mơ tưởng chừng rất ngây ngô của con trẻ thực chất lại là một yếu tố rất quan trọng giúp bố mẹ khám phá những năng lực, sở trường cũng như tố chất tiềm ẩn trong những năm đầu đời của con. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh quan niệm rằng "ôi dào, những ước mơ của trẻ con chỉ là những ý thích nhất thời" và "hơi đâu mà đi theo những ý thích trẻ con ấy".
 

Ngay từ nhỏ, hãy giúp trẻ nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp lành mạnh
 
"Nhà nghèo mà bày đặt mơ làm phi công"
 
Đây không phải lần đầu tiên chị Hương (34 tuổi, ở khu tập thể Thành Công - Ba Đình - Hà Nội), một nhân viên nhà hàng bình thường chán nản khi bé Tít nhà chị năm nay mới 6 tuổi mà đã mơ ước trở thành một phi công. Chị tâm sự: "Cha mẹ nào chẳng muốn con được ăn sung, mặc sướng, được học hành giỏi giang. Nhưng cứ nhìn hoàn cảnh của gia đình mình mà con cứ khăng khăng muốn trở thành phi công thì làm sao mình đáp ứng được. Ước mơ của cháu là phi thực tế. Mình và ông xã chỉ muốn con mình sau này có một nghề nghiệp thu nhập ổn định".
 
Suy nghĩ của chị Hương cũng là suy nghĩ của khá nhiều bậc phụ huynh khác. Họ thường cho rằng con cái họ có những ước mơ "không bình thường" và "viển vông", thậm chí có người còn lo lắng khi thấy con lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại việc mong muốn trở thành một nhà thám hiểm đại dương Việt Nam đầu tiên lặn xuống biển Caribe. Những suy nghĩ, những lo lắng như vậy vô hình trung đã bóp chết và thổi tắt những đam mê của trẻ, khiến các em không có cơ hội được thể hiện những ước mơ đúng như lứa tuổi của mình.
 
Lại có gia đình không hề quan tâm đến việc con thích cái gì, thích làm gì. Vợ chồng anh Hưng ở Ngõ Trạm (Hà Nội) viện cớ bận việc nên để con phát triển theo hướng tự phát. Anh Hưng thổ lộ: "Giờ cháu còn nhỏ, làm sao biết tương lai là gì mà định hướng, cứ để nó thoải mái tự do, thích làm gì thì làm, chơi gì thì chơi". Kết cục, cậu con trai 7 tuổi chỉ mê chơi điện tử cả ngày mà không mảy may quan tâm đến chuyện học hành và cũng không ai quan tâm đến chuyện học hành của cậu.
 
Nhiều ông bố, bà mẹ lại ép con học theo những ngành nghề mà cha ông mình từ trước đến giờ theo đuổi. Nếu sinh ra trong một gia đình có bố, mẹ, anh, chị làm bác sĩ, giáo viên, công an… mà các em lại thích trở thành ca sĩ hoặc diễn viên thì thường bị "gò" phải vào cái "khuôn" của gia đình.
 
Đừng "vùi dập" ước mơ của con
 
Những kiểu giáo dục cha mẹ thay con định hướng nghề nghiệp theo ý thích chủ quan hay theo truyền thống gia đình thường dẫn đến tình trạng con cái sẽ bị thụ động và không phát huy được khả năng và sở trường của mình.
 

Mô hình các khu nghề nghiệp dành cho các bé đã xuất hiện ở Việt Nam, bố mẹ có thể đưa bé đến tham quan (Tham khảo: www.vindragon.com)
 
Gia đình là một nhân tố quan trọng trong việc tạo điều kiện cho con bộc lộ tối đa những xu hướng cá nhân. Tạo cơ hội cho con tiếp xúc, khám phá những sở thích và đam mê khác nhau sẽ giúp bé có cơ hội lựa chọn được đúng nghành nghề theo sở thích và năng lực của bé sau này. Không những vậy, gia đình nên biết lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của trẻ, ngay cả khi những suy nghĩ đó chưa thực sự phù hợp hoặc hoàn cảnh không cho phép.
 
Thay vì chỉ trích hay giễu cợt bé, hãy giải thích cho bé hiểu hoặc giúp bé tiếp cận với những thông tin, những hình ảnh hay dụng cụ của một ngành nghề mà bé mơ ước được làm trong tương lai. Hãy để bé hiểu làm sao để thực hiện được ước mơ và bé cần làm gì để biến ước mơ đó thành sự thực.
 
Nếu có cơ hội, bố mẹ có thể đưa trẻ đến những nơi mà bé mơ ước được làm việc để bé quan sát người lớn làm việc như thế nào, và nhận biết được tính chất công việc mà bé yêu thích sẽ như thế nào trong tương lai.
 

Vào dịp Tết thiếu nhi, từ ngày 28/5 đến 1/6/2010, tại Triển lãm "Thiết bị và đồ chơi cải cách giáo dục mầm non" sẽ có mô hình "Công viên việc làm thu nhỏ".

Bố mẹ hãy dành thời gian đưa bé qua Trung tâm triển lãm số 2 Hoa Lư, Hà Nội để bé được tham quan các khu ngành nghề nhé. Tại đó, các bé sẽ được học và tự tay làm các công việc như: chăm sóc bệnh nhân, làm phát thanh viên, phóng viên, thiết kế nhà cửa... trong một không gian tương đối giống thật.
 
Qua đó, bé sẽ có một cái nhìn tổng thể về các ngành nghề và cảm thấy hứng thú với nghề nào nhất. Lòng yêu nghề cũng từ đó sẽ dần dần hình thành giúp trẻ nỗ lực phấn đấu và xây dựng mơ ước sau này. 
 
Nguyễn Phương
Chia sẻ