Lắng nghe để hiểu bé

,
Chia sẻ

Đang chơi đồ hàng với chị ở ngoài sân, bỗng bé Huyền chạy vào nhà mếu máo với mẹ: “Chị Bống không cho con chơi nữa?”. Mẹ bé Huyền nhìn con lắc đầu.

Bé Huyền, 3 tuổi sau giờ đi học mẫu giáo về thường sang nhà chị Bống chơi. Hai chị em chơi với nhau rất ngoan và ít khi xảy ra xích mích. Nhưng hôm nay, nghe bé Huyền khóc lóc, mẹ hơi cau có và tỏ vẻ không hài lòng: “Chơi với nhau cho lắm vào rồi đánh nhau. Chị Bống lớn rồi mà không biết nhường em gì hết. Thôi, ở nhà với mẹ, mai mẹ mua cho cái khác”. Mẹ chưa nói dứt lời, Huyền đã òa khóc to hơn.

Theo các chuyên gia tư vấn, mẹ bé Huyền đã không hiểu trẻ. Trong tình huống đó, các bậc phụ huynh thường có câu trả lời con như: “Nín đi, ừ để mẹ mắng cho chi Bống tội tham lam không cho em chơi” hay “Con hơi tý đã khóc, nín đi để mẹ bảo chị Bống cho con chơi”…
 
 

Nếu  bạn xử sự như vậy với con sẽ khiến trẻ không ngừng khóc mà ngược lại những cảm xúc âm tính của bé không được giải phóng. Kèm theo đó, bé cảm thấy khóc là một phương pháp rất hữu hiệu để đòi hỏi một yêu cầu nào đó.

Khi bạn chưa hiểu được đúng thật sự vấn đề của con trẻ mà bạn đã vội kết luận “chị Bống hư” vô tình bạn dạy cho con bạn tính không thật thà và hay đổ lỗi cho người khác. Chắc chắn phải có lý do nào đó mà “chị Bống” đã không muốn cho em chơi cùng.

Trong tình huống này, chuyên gia tư vấn khuyên bạn hãy áp dụng phương pháp sau đây:

Bạn có thể chứng tỏ cho con bạn biết rằng bạn đã thực sự hiểu con đang  nghĩ gì bằng cách biểu lộ những tình cảm của con theo cách nói của bạn, hay nói cách khác bạn hãy phản hồi  lại tình cảm như gương soi với con.

Bạn hãy nhắc lại điều mà cháu vừa nói và sau đó là cảm xúc mà lúc đó cháu đang biểu lộ hoặc chưa kịp biểu lộ.

Như trong trường hợp trên bạn đọc được cảm xúc hiện tại của bé đang giận giữ vì chị Bống đã không cho bé chơi cùng. Việc bạn hiểu được những cảm xúc của con hoặc giúp con biểu lộ cảm xúc rất quan trọng giúp con bạn học cách biểu lộ tình cảm một cách thật nhất.

Bạn có thể nói với bé: “Có phải chị Bống không cho con chơi cùng làm con giận lắm à?” Khi đó bé cảm thấy là bố mẹ đang hiểu cảm xúc và suy nghĩ của nó. Bé sẽ tự nói cho bạn biết là chị Bống không cho bé chơi cùng thế nào và bé muốn gi?

Sau đó, hãy lắng nghe bé nói và có thể  hướng dẫn bé cách nói chuyện với chị Bống để được chơi cùng.

Một trường hợp tương tự, bé Hùng, 6 tuổi vừa đi học về đã chạy vào phòng vì bài toán bị điểm kém. Hùng không dám nói với ai. Khi bố mẹ hỏi điểm ở lớp, bé rụt rè: “Hôm nay, con không hiểu bài nên bị điểm kém”.

Bố Hùng liền quát to: “Chắc lại mải chơi nói chuyện không nghe cô giảng bài chứ gì? Đi học lúc nào cũng chểnh mảng?”. Hùng vẫn quả quyết: “Không phải thế, tại vì dạng bài mới ạ”. Mẹ Hùng bênh con: “Cô giáo gì không quan tâm đến học sinh biết gì hay không? Thôi để lát nữa ăn xong, bố xem cho”.

Nói chuyện với bố mẹ, Hùng buồn hơn và càng lo lắng vì một đống bài tập đang cần phải làm để mai nộp cho cô.

Rất đơn giản, bạn chỉ cần nhắc lại chính câu nói trẻ: “Con không hiểu bài toán mới hôm nay cô giáo đã giảng trên lớp à?” hoặc bạn có thể nói “Con cảm thấy buồn khi cô giáo giảng bài mới trên lớp mà con không hiểu được à?”. Khi đó con bạn sẽ cảm thấy được chia sẻ, khi biết người lớn thực sự hiểu mình trẻ sẽ muốn nói ra điều mình đang còn vướng mắc.

Lúc này, bạn có cơ hội tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng của trẻ, và đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất định hướng cho trẻ.

Lắng nghe con trẻ là cách để bạn hiểu con mình hơn. Hãy áp dụng những cách trên trong ứng xử với con. Hàng ngày bạn nên dành một khoảng thời gian để lắng nghe các vấn đề của con và cùng  trò chuyện. Đó là cách tốt nhất giúp bạn thật sự hiểu con.

 Phan Anh 

Chia sẻ