Lạm dụng Dexamethason, trẻ bị chậm lớn

,
Chia sẻ

Dexamethason được nhiều người sử dụng, nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng trị bệnh hiệu quả nhanh, nhóm thuốc này còn khiến trẻ bị chậm lớn.


Còi cọc vì lạm dụng thuốc

Chị Bùi Thị H, ngõ 256, phố Tân Mai, Hà Nội kể, khi chị sinh đứa con thứ hai bị vỡ ối từ trước, phải mổ sinh. Đứa trẻ vừa ra đời đã được tiêm rất nhiều thuốc kháng sinh để phòng tránh những dị tật do vỡ ối mẹ. Do vậy, đứa trẻ chậm lớn hẳn so với đứa con đầu.

Khi bé Trung được gần 3 tuổi, chị H. nghe nói dùng một loại thuốc bổ có chứa lượng Dexa (Dexamethason) sẽ giúp bé ăn nhiều hơn và kích thích sự tăng cân. Quả đúng vậy, sau một tuần dùng thuốc, bé Trung ăn khoẻ hơn, nhìn mỡ màng hẳn lên. Càng ngày, chị H càng trông chờ vào "thần dược" đó.


Nhiều trẻ em phải cấp cứu vì lạm dụng thuốc có chứa Dexa

Tuy vậy, một thời gian sau, trong khi chị của bé Trung học lớp 6 cân nặng tới 52kg thì bé Trung cứ ngày càng còi cọc. Chị H đưa bé Trung đi tư vấn, được bác sĩ cho biết bé chậm phát triển vì đã lạm dụng thuốc có thành phần Dexa.

Không giống trường hợp của chị Hường, Phạm Thị Nh. (18 tuổi, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên bị tắc kinh nguyệt, tháng có tháng không. Nguyên nhân là do Nh. có tiền sử sử dụng nhóm thuốc chứa Dexa để điều trị bệnh gầy yếu, nên dẫn đến rối loạn sinh dục.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngàn, quê ở Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam thì khác. Chị không trực tiếp dùng thuốc tây cho con mà đã mua một số lượng lớn thuốc hoàn cho con gái “suy dinh dưỡng” ăn để tăng cân. Thời gian đầu, con gái chị tăng cân chóng mặt nhưng chỉ được mấy tháng sau, mặt của cháu phì ra, còn chân tay ngày càng bé đi.

Khi đi khám và mang mẫu thuốc theo thì bệnh viện cho biết chị đã lạm dụng thuốc hoàn cho con, trong thuốc có chứa một lượng Dexa nhất định gây giữ nước và chậm phát triển.

Trẻ em chậm lớn chỉ là một trong nhiều biến chứng

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Nhân Thắng - Trưởng đơn vị thuốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Nhóm thuốc Corticoid (thường gọi Dexa) đóng vai trò quan trọng trong điều hoà và chuyển hoá chất, được coi là nhóm hormon có liên quan trực tiếp đến các hoạt động sống còn của cơ thể. Do đó, nhóm thuốc này có phạm vi sử dụng rộng rãi trong điều trị thường cao hơn hormon thay thế.

Do đó, tác dụng ngoài ý muốn của nhóm thuốc này trở thành phổ biến, là một vấn đề nghiêm trọng cần được khắc phục và hạn chế. Mọi tác dụng sinh lý của Dexa đều là nguồn gốc gây ra tai biến khi dùng với liều cao và dài ngày.


Bất cứ ai cũng có thể nhập viện vì lạm dụng thuốc

Những tai biến thường gặp nhất ở mọi lứa tuổi là rối loạn điện giải, giữ natri và giữ nước, gây tăng huyết áp và tình trạng phù nề, làm teo tuyến thượng thận, làm loãng xương, hoại tử xương, gây xốp xương làm gãy xương bệnh lý, làm nứt đốt sống. Dùng kéo dài loại thuốc này còn có nguy cơ loét dạ dày, thủng dạ dày, viêm tuỵ cấp. Thuốc cũng gây teo da, ban đỏ, bầm máu và rậm lông...

Đối với trẻ em, tác dụng phụ của Dexa gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng. Với liều sinh lý, Dexa kích thích sự tiết hormon tăng trưởng. Ngược lại, khi dùng liều cao, Dexa ức chế tiết hormon tăng trưởng, gây chậm lớn ở trẻ em. Hậu quả này còn do Dexa ức chế sự tạo xương, làm giảm hoạt động của các hormon tuyến giáp.

Với trẻ em tuổi dậy thì, nó ức chế hoạt động của tuyến sinh dục gây chậm lớn và rối loạn sinh dục. Theo Tiến sĩ Thắng, để khắc phục tác dụng này, trước hết phải hạn chế việc kê đơn nhóm thuốc này ở trẻ em.

Nên khuyến cáo các nhà sản xuất phải ghi trên nhãn các chế phẩm này dòng chữ “Gây chậm lớn ở trẻ em”. Nếu trường hợp bắt buộc phải dùng, nên dùng với lượng thấp nhất và hiệu quả trong thời gian ngắn nhất.

Trường hợp bắt buộc phải dùng kéo dài, nên dùng kiểu điều trị cách ngày để giảm bớt hiện tượng ức chế thượng thận, sinh dục và tuyến giáp để tránh suy thượng thận khi ngưng điều trị.

Mặt khác, nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể dục thể thao nhiều và tăng cường chế độ dinh dưỡng, tốt nhất nên sử dụng cho trẻ các chế phẩm từ sữa.

Phương Thuý

Theo Bee

Chia sẻ