Làm điệu sớm khiến con trẻ sinh hư

Thanh Hòa,
Chia sẻ

Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình xinh đẹp và giỏi giang nhưng yêu chiều con cũng cần phải có phương pháp thích hợp.

Mới 4 tuổi nhưng bé Vân đã mê mải đứng ngắm nghía mình trước gương. Buổi sáng đi học bố phải thúc giục và chờ đến nửa tiếng đồng hồ để Vân tự mình chọn lựa quần áo, giày dép...
 
Kinh tế khá giả nên ngay từ nhỏ Vân đã được ba mẹ yêu chiều hết mực. Là con gái đầu lòng, hơn nữa gia đình lại hiếm muộn về đường cháu chắt nên ông bà nội cưng nựng Vân hết mực. Trong khi nhiều nhà phải chạy vạy từng bữa ăn; quần áo cho con cái cũng chỉ đơn giản xuềnh xoàng thì đối lập lại với họ, Vân được hưởng một cuộc sống sung túc.

Cả nhà thi đua nhau sắm sửa váy áo các loại cho bé. Tủ quần áo của Vân thường xuyên phải thanh lý bớt đồ vì luôn ở trong trạng thái chật chội. Cứ thế, Vân quen sống trong nhung lụa nên sinh ra lười nhác, chỉ ham ngắm vuốt làm đẹp và muốn gì phải được nấy.

Đối với nhiều phụ huynh,  việc cho con trẻ chưng diện cũng là một cách để thể hiện sĩ diện và bộ mặt của gia đình. Nhưng có mấy ai thấy được hậu quả lâu dài tác động đến trẻ.

Chị Lan (Bạch Mai) cho bé Ly đi sắm sửa váy áo vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Áo quần dù mới mặc được vài lần nhưng Ly ít khi phải sờ lại chúng vì mỗi tuần bé đều có quần áo mới. Lâu dần, bé trở nên kiêu kỳ trong cách lựa chọn trang phục, chỉ mặc những bộ đồ mình ưa thích, ai nói thế nào bé đều dứt khoát không nghe.

Một lần, gia đình có việc bận nên mẹ đành hẹn Ly sẽ mua váy vào tuần sau. Ấy vậy mà Ly khóc lóc, giãy giụa ăn vạ đòi đi bằng được. Nhà chỉ có cô con gái rượu nên chị Lan đành tặc lưỡi chiều theo ý con, bỏ dở dang công việc để đưa bé đi lượn phố.

Việc các bậc phụ huynh nuông chiều con quá mức, cho con ăn diện và trang điểm quá sớm, điều đầu tiên là sẽ khiến trẻ trở nên kiêu căng và sinh ra thói ích kỷ. Khi đã biết làm đẹp, nhiều trẻ có xu hướng chỉ muốn kết bạn với những bé cũng đáng yêu và “đẹp” như mình. Bé Hà mới 6 tuổi đã ngấm nguẩy rỉ tai với bạn: “Mai tớ lại được mẹ cho đi mua váy mới đấy. Bọn mình đừng chơi với Thu nhé, bạn ấy chẳng có váy mới gì cả”.

Chị Trang (Đống Đa) có cô con gái duy nhất nên chẳng tiếc con điều gì. Quá yêu Oanh nên từ nhỏ chị đã tạo mọi điều kiện vật chất tốt nhất cho con.

Mỗi lần nựng con, hai vợ chồng anh chị đều nói: “Bé cưng, con là cục vàng, còn những người khác chỉ là cục đất thôi!”. Trong mắt mọi người Oanh luôn là cô công chúa nhỏ.  Chính cách dạy dỗ của anh chị đã mặc định vào trong đầu của cô con gái rằng bé cao quý hơn những người xung quanh. Bé luôn tự cho mình là đẹp hơn, thông minh hơn bạn bè đồng trang lứa.

Càng lớn, Oanh học tập càng sa sút. Mới đây chị Trang còn bị công an mời lên làm việc vì con gái tham gia đua xe trái phép.... Bà Hạnh (hàng xóm) lắc đầu ngán ngẩm “ Mỗi khi chúng bạn của Oanh đến gọi cổng, người già chúng tôi đều thấy chướng mắt, toàn ngổ ngáo, đua đòi, ăn chơi cả.  Đi trong ngõ mà chúng cứ hò hét, phi xe ầm ầm ...Ngay từ nhỏ tôi đã bảo chị Trang chiều con thì chiều tuỳ cái thôi nhưng chị ấy đâu có nghe, giờ mới thấy hậu quả....”

Làm điệu cho con sớm sẽ khiến trẻ sinh hư. Trước hết là sự ích kỉ, đòi hỏi được đáp ứng những sở thích của mình cho bằng được ở trẻ, thậm chí trẻ trở nên kiêu căng. Dần dần, khi lớn lên, thói quen chỉ ham ăn diện, đua đòi với bạn bè sẽ càng làm con trẻ không thể chú tâm vào học tập.

Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình xinh đẹp và giỏi giang nhưng yêu chiều con cũng cần phải có phương pháp thích hợp. Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ dùng tiền để đáp ứng mọi ý thích của con cái mà không dạy con về “bổn phận và trách nhiệm”. Và một khi trẻ có xu hướng chỉ biết hưởng thụ ngay từ nhỏ thì việc uốn nắn và dạy dỗ trẻ sẽ sau này trở nên vô cùng khó khăn. Bởi vậy, yêu chiều con đúng mực và "Dạy con từ thủa còn thơ" là một điều vô cùng cần thiết để tạo hành trang vốn sống cho con sau này.

                                                                                                                TH 

Chia sẻ