Kim Thư - Phước Sang chia sẻ kinh nghiệm dạy con

Theo PNo,
Chia sẻ

Mình với anh Sang thì “ngán” gặp báo chí, vì đến giờ này có còn gì đâu để mà nói, cứ những chuyện cũ hoài. Còn Dollar ngán báo vì… mẹ hay cuộn báo làm roi để đánh đòn.

Cuộc trò chuyện với vợ chồng nghệ sĩ Phước Sang - Kim Thư về việc nuôi dạy con cái mở đầu bằng câu thổ lộ khá bất ngờ của Kim Thư: “Nhà em bây giờ không chỉ em với anh Sang “ngán” báo chí mà cả các con, nhất là bé Dollar, cũng ngán”.

Bà mẹ của hai cậu con trai dí dỏm bật mí:

- Mình với anh Sang thì “ngán” gặp báo chí, vì đến giờ này có còn gì đâu để mà nói, cứ những chuyện cũ hoài nhiều lúc cũng… ngượng miệng. Còn Dollar ngán báo vì… mẹ hay cuộn báo làm roi để đánh đòn. Ở nhà nội ngoại gì, Dollar và Euro cũng được cưng như hai cục vàng. Anh Sang thì chiều con quá, nên mình phải “cứng” lại. Ngày còn nhỏ thì “giơ cao đánh khẽ” nên mình hay cuộn tờ báo, đánh kêu bồm bộp cho con sợ mà đâu có đau. Bây giờ con lớn hơn chút rồi, mình cuộn… tờ tạp chí để đánh cho “tác dụng” hơn một chút, nên hai cu cậu nhìn thấy báo với tạp chí là xanh mắt.

- Nói vậy thì Phước Sang và Kim Thư đổi vai trò làm cha làm mẹ cho nhau rồi à?

Kim Thư: Hình như là vậy. Trong nhà, những việc thường phụ nữ làm như chăm sóc, chơi đùa, trò chuyện với con là anh Sang làm, không phải mình. Vì tính mình… nóng lắm, còn anh Sang đằm tính nên kiên nhẫn hơn, chiều chuộng con hơn mình.

Phước Sang: Thực ra cũng chẳng phải đổi vai gì mà là mỗi người có một cách dạy con khác nhau thôi. Tôi thích quan sát, theo dõi những tình cảm, tâm tư, năng khiếu của con để có thể kịp thời trò chuyện, uốn nắn, nâng đỡ con. Còn Kim Thư thì nhắc nhở, hướng con vào những kỷ luật mà một đứa trẻ bắt đầu phải tập làm quen.

- Một bé ba tuổi, một bé bốn tuổi mà nghe bố mẹ nói nào hướng đi, nào kỷ luật, có phải là… sớm quá không?

Kim Thư: Thực ra chuyện nuôi dạy con giờ đây với mình đã là một vấn đề lớn, mà lớn nhất đôi khi tìm một hướng đi để dạy con cho đúng. Chẳng hạn, Dollar lớn rồi, cũng vì nghĩ nên nghiêm khắc với con nên có khi mình nóng nảy, đánh đòn con. Đến khi thấy con sợ mình, chỉ thích gần ba, mình “điều tiết” chuyện đòn roi la mắng lại thì chỉ một thời gian sau Dollar đã biết. Có ai dọa mách mẹ vì tội hư, Dollar đã biết nói: “Mẹ Thư thương Dollar lắm, mẹ Thư không đánh đòn đâu”. Thế là mình lại một lần nữa giật mình. Làm sao đây?

Phước Sang: Tôi luôn nghĩ con cái phải dạy dỗ uốn nắn từ khi còn nhỏ. Thậm chí không chỉ dạy về tính tình, phẩm chất nào đó cho con mà còn nhìn xa tới tương lai của con. Nhìn xa của vợ chồng tôi không có nghĩa sắp xếp cho con sau này học ở đâu hay làm gì mà rèn luyện cho con có bản lĩnh sống.

- Như vậy vợ chồng Phước sang - Kim Thư phải dành nhiều thời giờ cho con cái lắm?

Kim Thư: Thật ra thời buổi bây giờ, cũng không thể nào 24/24g bạn có thể kè kè bên con được. Nhưng công việc của tụi mình được cái có thể thu xếp, chủ động thời gian bên con. Như mình quản lý nhà hàng, ban ngày thường được ở nhà với con, chiều tối mới đi làm. Anh Sang đến giờ đó, khoảng 7-8 giờ lại về với con - “đổi gác” cho mẹ.

Phước Sang: Dù công việc vẫn rất bận rộn, nhưng tâm lực lớn nhất của chúng tôi là dồn cho các con. Dạy con không khó mà phải nhẫn nại. Sự nhẫn nại này nằm trong mọi điều: từ quan sát, lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu con. Con trẻ có nhiều giai đoạn phát triển nên cha mẹ phải tinh. Hiểu được sự phát triển của con để xử trí tình huống cho thích hợp. Thí dụ đưa con đến đâu nếu con tự dưng “chướng” lên không chào hỏi cũng đừng quá căng thẳng, đừng thổi phồng mọi chuyện, rằng con bướng, con hỗn… mà hãy từ từ để tìm hiểu vì sao con như vậy, lắng nghe và giải thích cho con...

Ảnh: Phạm Hoài Nam

- Hai bé trai của anh chị xấp xỉ tuổi nhau. Vậy chuyện thiên vị con này hơn con kia có bao giờ xảy ra trong gia đình mình không?

Kim Thư: Theo Thư thì… có, nhưng không lớn lắm đâu. Thí dụ trong nhà, Dollar giống ba nhiều hơn nên có vẻ như được ba cưng hơn. Còn Euro, từ khi sinh ra nó đau bệnh hoài, giờ vẫn nhỏ xíu, ốm tong teo nên mình cũng ưu tiên chăm sóc nó nhiều hơn.

Phước Sang: Theo tôi thì con nào mà không thương. Chỉ có điều, tâm tính mỗi đứa khác nhau, sự phát triển cũng khác nhau nên phải có cách dạy dỗ khác nhau mà thôi.

- Chà chà, câu hỏi này đã khiến hai vợ chồng… trả lời khác nhau rồi. Vậy hai người có bao giờ mâu thuẫn trong việc dạy con hay chưa?

Kim Thư: Chưa bao giờ. Có lẽ đó là điều may mắn lớn của tụi mình. Hai vợ chồng chấp nhận điều chỉnh lẫn nhau. Chẳng hạn khi mình nóng quá, muốn la con vì nó lỳ, nó bướng thì anh Sang kiềm chế mình bớt, mình thấy… đúng nên cũng nghe theo thôi. 

- Anh chị vừa có thể chủ động thời gian, vừa có đủ “tiềm năng” kinh tế để nuôi dạy con cái theo ý mình. Vậy sự quan tâm nhất của hai người trong việc dạy con, là gì?

Kim Thư: Làm sao để mình không sai khi dạy con, đó là một mối lo lớn với tất cả những ông bố, bà mẹ thời nay, bởi trong cuộc sống phức tạp hiện giờ, đôi khi mình còn không biết mình làm điều này, điều kia là đúng hay sai kia mà. Con trẻ lớn lên bên cạnh mình đó, cũng có thể tự dưng nó hư lúc nào không biết. Nhìn thấy những điều đó, mình rất sợ hãi.

Thực ra, kinh tế dư dả đôi khi không phải một lợi thế. Như mình đã từng giật mình khi thấy Dollar đi đâu đã biết nhón chân chê dơ, không chịu ngồi ăn ở chỗ nhiều rác giấy. Mình muốn làm sao cho con hiểu rằng: trong cuộc sống này, có rất nhiều hoàn cảnh, nhiều thang bậc của cuộc sống. Và ngay cả với mình, cuộc sống không phải lúc nào cũng như thế. Mình dự định sau này, khi đi đâu làm từ thiện, mình cũng sẽ dẫn con đi, để nó nhìn và hiểu.

Phước Sang: Chính vì thế, theo tôi nghĩ, dạy con là phải tỉnh táo mọi lúc để có thể “đo” con của mình. Vợ chồng tôi “đo” con khi so chúng với những trẻ khác, để còn điều chỉnh con và điều chỉnh chính mình cho kịp thời. Biết con mình tới đâu là một điều hết sức quan trọng với người làm cha mẹ.

- Cám ơn anh chị.

Chia sẻ