Khuấy động trí tưởng tượng của trẻ

,
Chia sẻ

Những quyển sách có các bức tranh lớn, nhiều màu sắc giúp bé hình dung về cuộc sống.

Bạn hãy chỉ cho bé thấy mọi thứ từ con cánh cam tới con kiến và tạo ra các âm thanh của con vật hay xe cộ, để bé nhận biết sự khác nhau giữa chúng.

Bạn có thể bổ sung thêm vào trí tưởng tượng của bé những điều phong phú thông qua các hoạt động hằng ngày vô cùng đơn giản:

Kể chuyện

Hãy để bé thấy mình là nhân vật chính trong câu chuyện của bạn. Điều này giúp bé bộc lộ cảm xúc của bản thân và bé sẽ không bao giờ biết chán với những cuộc phiêu lưu riêng của mình.

Tạo âm nhạc cho bé

Mặc dù bé chưa sẵn sàng để tiếp thu nhạc một cách bài bản song bạn có thể đưa vào thế giới của bé một chút âm thanh sinh động. Bạn có thể cùng bé lắng nghe một vài giai điệu và khuyến khích bé cùng tham gia hát, múa, chơi đồ chơi, dụng cụ âm nhạc tự tạo.

Khuyến khích bé chơi nhập vai

Tưởng tượng mình là bố, mẹ, bác sĩ, giáo viên… giúp bé chế ngự và kiểm soát được những cảm xúc buồn, vui, hoảng sợ, an toàn... Cách này cũng tạo cho bé sức mạnh và trách nhiệm với bản thân trong vai trò mới.

Bé học được rất nhiều từ cuộc sống tưởng tượng. Khi “tổ chức” một kịch bản, một trò chơi và tham gia vào đó, bé sẽ phát triển được kỹ năng sử dụng lời nói và giao tiếp xã hội.

Cung cấp “đồ nghề” cho bé

Hầu như mọi thứ đều có thể làm đạo cụ cho những vở kịch tưởng tượng của bé. Đạo cụ càng đơn giản càng tốt: Chiếc hộp carton có thế trở thành ôtô, con thuyền hoặc tàu hỏa. Khăn tắm có thể trở thành áo choàng của siêu nhân hay công chúa. Bạn hãy để bé được tự do đưa ý tưởng, không nhất thiết phải bắt chước giống y như trong phim hoạt hình - điều đó sẽ không có lợi cho trí tưởng tượng của bé.

Những trò chơi ẩn nấp đơn giản cũng là một cuộc phiêu lưu kỳ thú đối với bé. Bạn có thể chơi cùng con và khuyến khích bé tưởng tượng các tình huống mà (trong vai người thuyền trường, người thợ săn...) có thể gặp phải, chẳng hạn như: Gặp thú dữ bé cần ẩn nấp, gặp con người có thể hỏi thăm đường...

Hạn chế thời gian xem TV

Các nhà khoa học Mỹ đã khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi xem TV nhưng có rất nhiều bậc cha mẹ chưa để tâm đến lời khuyên đó. Nếu bé quá hứng thú với một chương trình TV nào đó, bạn hãy đặt câu hỏi để bé trình bày những ý kiến của mình về những gì bé đã thấy - xem điều gì khiến bé thích nhất.

Theo Mevabe

Chia sẻ