Không nên trộn hạt sen, đậu xanh vào gạo để nấu cho bé

,
Chia sẻ

Thực tế, ý dĩ, hạt sen không có nhiều ý nghĩa về mặt dinh dưỡng, thậm chí còn gây khó tiêu hoá.

Thạc sĩ Phan Thị Bích Nga, Phó giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng (Hà Nội), cho biết trẻ được coi là biếng ăn khi ăn không đủ lượng yêu cầu của lứa tuổi, thời gian ăn kéo dài trên 30 phút. Biếng ăn là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân như bệnh lý của toàn thân (sốt nhiễm khuẩn, thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng...), bệnh lý tại chỗ (viêm họng, viêm niêm mạc miệng, niêm mạc lưỡi…).

Đừng biến bữa ăn thành cuộc chiến

Theo thạc sĩ Nga, nguyên nhân hay gặp nhất là phương pháp chăm sóc không đúng của cha mẹ. Nhiều bà mẹ biến bữa ăn của trẻ thành cuộc chiến, trẻ bị ép ngồi gò bó, bị la, bị nhồi nhét dù không thấy đói... rồi không khí giữa những người thân căng thẳng khi bé ăn không hết suất.

Ngoài ra, cách chế biến chưa phù hợp cũng khiến trẻ không mặn mà với chuyện ăn uống. Nhiều phụ huynh cứ lặp lại mãi công thức khoai tây, su hào, cà rốt hoặc cứ thấy thực phẩm gì bổ là cho vào nồi cháo và xay nhỏ. Chính các bậc phụ huynh không ăn nổi thứ hỗn hợp đó nhưng lại bắt trẻ ngày nào cũng phải ăn, khiến trẻ khiếp sợ. Nhiều bà mẹ chỉ cho con ăn nước thịt, nước rau, không cho ăn xác thực phẩm khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến biếng ăn. Lại có trẻ mới 10 - 12 tháng đã được cho ăn cơm như người lớn (trong khi trẻ phải 2 - 3 tuổi trở lên mới nhai tốt) nên không ăn được nhiều. 
Thức ăn phù hợp và không khí vui vẻ sẽ khiến trẻ ăn ngon miệng, hấp thu tốt.
 
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, cho biết một lý do nữa khiến trẻ biếng ăn là các bà mẹ nuôi con bằng sữa nhân tạo. Sữa mẹ sẽ giúp cho dạ dày bé to ra, đường tiêu hóa phát triển, giúp bé thèm ăn, trong khi sữa nhân tạo không kích thích sự phát triển này.

Dược sĩ Phan Đức Bình, Phó Tổng biên tập tạp chí Thuốc và Sức khỏe, nhận xét, các bà mẹ đều muốn nuôi con theo ý muốn chủ quan của mình chứ không phải theo khoa học và sinh lý học cơ thể trẻ con, nên nhiều khi ép con mình ăn uống quá đáng mà vẫn chưa cho là đủ.

Điều trị tùy theo nguyên nhân

Theo thạc sĩ Nga, để chữa dứt điểm chứng biếng ăn, phải tùy thuộc vào nguyên nhân. Chẳng hạn, bé biếng ăn do thiếu máu phải điều trị thiếu máu. Biếng ăn do còi xương, tâm lý, nhiễm khuẩn... cũng phải điều trị khỏi các bệnh này, bé sẽ bớt biếng ăn.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách chế biến bữa ăn cho trẻ. Các bà mẹ cần chú ý phối hợp thức ăn cho phù hợp, tránh suốt ngày cho một vị cố hữu và nhất là không nên trộn ý dĩ, hạt sen, đậu xanh vào gạo để nấu cho trẻ. Thực tế, ý dĩ, hạt sen không có nhiều ý nghĩa về mặt dinh dưỡng, thậm chí còn làm trẻ khó tiêu hoá.

Theo các chuyên gia, tiêu chuẩn dinh dưỡng hằng ngày của trẻ rất cần chất đạm, đặc biệt là đạm động vật. Chất đạm cho bé hằng ngày là 1 gr cho mỗi kg cân nặng (tối đa là 1,5 gr). Trẻ cần ăn đạm động vật, thịt trứng, rau, cua, cá thay cho đạm thực vật.

Trẻ cần ăn đa dạng các loại thức ăn và tốt nhất là nên dùng thực phẩm tươi để chế biến thành bột, mì, cơm cháo, súp... và cần đảm bảo đủ chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Tuyệt đối không được dọa nạt trẻ. Nên dỗ dành để trẻ cảm thấy thoải mái khi ăn, nếu trẻ ăn không hết suất thì không cố ép. Nếu trẻ ăn ít, các bà mẹ phải cho trẻ ăn nhiều bữa. Không nên cho trẻ ăn quá kéo dài và phải tạo không khí vui tươi khi cho trẻ ăn. Tránh cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc uống nước ngọt  trước bữa ăn, vì nước ngọt và bánh kẹo sẽ gây cảm giác “no giả tạo” khiến trẻ không muốn ăn nhưng thực chất là vẫn “đói”, vẫn bị thiếu dinh dưỡng.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ