Khi trong nhà có con… tự kỷ

Thu Lê - Hồng Nhung,
Chia sẻ

Tự kỷ không còn là căn bệnh hiếm gặp hiện nay. Điều quan trọng nhất là người mẹ, người cha cần gần gũi và có sự tương tác với trẻ nhiều hơn

Hiện nay, chưa có một thống kê chính xác nào về tỷ lệ trẻ tự kỷ tại Việt Nam và các bậc cha mẹ có rất ít thông tin về căn bệnh tự kỷ và ở nước ta hiện nay mới chỉ có một vài trung tâm có uy tín nhưng cũng chưa đủ điều kiện để chăm sóc, giáo dục, điều trị cho trẻ tự kỷ khiến cho họ lo lắng, thậm chí là hoảng loạn và không nhận được sự trợ giúp nào để đối phó với tình trạng của con mình. Họ chỉ còn biết hy vọng, trông đợi vào sự giúp đỡ của các chuyên khoa, bác sỹ điều trị và các trung tâm từ thiện.

Chị Phùng Thị Mai, mẹ cháu Kiên Cường (hơn 3 tuổi) đang học tại Trung tâm Sao Mai thấy con đã 18 tháng tuổi có hiện tượng chậm nói và chỉ nói được vài từ rồi tuyệt nhiên không nói thêm nữa. Khi bác sỹ nói cháu có dấu hiệu của chứng tự kỷ, cả hai vợ chồng chị vô cùng tuyệt vọng. Song với sự cảm thông, động viên của người thân, vợ chồng chị đã có thêm niềm tin và họ quyết tâm tìm mọi cách để giúp con.

 3 tháng đưa con đến trung tâm, bé Cường đã bắt đầu biết nói, từng từ một, rồi biết hát và bập bẹ kể chuyện. Chị Mai kể: "Lần cháu biết gọi "bố, mẹ, ông bà", thật không gì có thể diễn tả được cảm giác hạnh phúc của gia đình tôi".

Cũng giống như chị Mai, những bà mẹ có con bị tự kỷ đã có những tháng ngày vô cùng gian truân trong cuộc nỗ lực tìm nguồn hy vọng cho con. Họ từng lâm vào tình trạng hoang mang, tuyệt vọng nhưng khi trấn tĩnh họ đã kiên cường, quyết tâm tìm mọi cách để cứu con. Nhiều bậc cha mẹ đã từ bỏ công việc của mình để có thời gian chăm sóc con … Hy vọng vào ngày mai con mình sẽ nói được tiếng đầu tiên. Những người mẹ ấy hàng ngày âm thầm tìm kiếm thông tin, những lời khuyên từ người thân, đồng nghiệp, tìm đến những trung tâm có uy tín nhất… với một niềm hy vọng mãnh liệt cho tương lai con mình.

Lời khuyên của các bác sỹ và từ những kinh nghiệm chăm sóc trẻ tự kỷ cho thấy: Yếu tố quan trọng nhất đối với trẻ tự kỷ phải là sự kiên trì của mỗi gia đình. Đó là tình yêu thương, gần gũi và đặc biệt là người mẹ, người cha, người thân cần có sự tương tác với trẻ nhiều hơn. Chính sự quan tâm không đúng mức của cha mẹ, ông bà sẽ khiến cho tình trạng của trẻ nặng hơn. Bên cạnh sự quan tâm đúng mực, tình yêu thương săn sóc, việc thu thập những kiến thức, thông tin về căn bệnh tự kỉ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chữa trị. Bản thân các bậc cha mẹ, vừa phải bám sát chương trình ở các lớp học, các trung tâm, vừa phải giành thời gian dạy con ngay từ những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cũng cần trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết thông qua việc tham gia các lớp tập huấn ở trung tâm, thường xuyên trao đổi về phương pháp can thiệp cũng như mọi thắc mắc về trẻ với giáo viên từ đó giúp các cháu tiến bộ.

Chứng tự kỷ không thể chữa khỏi, song có thể can thiệp, giáo dục để  các bé có thể tự chăm sóc bản thân và có được kỹ năng cần thiết để hòa nhập vào cộng đồng, vì tương lai sau này.

  

 Thu Lê - Hồng Nhung
SucKhoeGiaDinh

Chia sẻ