Khi cha mẹ chỉ có một con

Ngọc Hải,
Chia sẻ

Cha mẹ chỉ có một con thường lo lắng chúng sẽ bị cô đơn. Người khác thì cho rằng con một dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, con một lại có khả năng tự lập cao và rất mạnh mẽ.

Nhiều cha mẹ có thể cảm thấy “tội lỗi” vì không thể sinh thêm em bé nữa. Một số người có cảm giác họ đã lấy đi của con họ sự tương tác xã hội bởi không có anh chị em ruột. Tuy nhiên, khi họ chỉ có một con, con họ cũng có một số lợi thế nhất định, chúng không phải cạnh tranh đồ chơi hoặc ghen tị tình cảm hay chia sẻ bất cứ thứ gì với anh chị em.

Chị Hương (Thanh Xuân – Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có một con 22 tháng tuổi, giờ tôi đã mất khả năng sinh con. Tôi lớn lên trong một đại gia đình nên luôn cảm thấy rất tội lỗi và lo lắng rằng con mình sẽ cô đơn. Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống không có anh chị em của bé”.

Các bà mẹ chỉ có một con hãy yên tâm rằng chúng vẫn có cảm giác hạnh phúc trọn vẹn như bình thường. Thậm chí, khi chỉ có một mình, trẻ có nhiều ưu thế vượt trội để phát triển về thể chất cũng như tư duy. Không phải cứ có chị em thì chúng sẽ không có cảm giác cô đơn.

Bạn Thanh Thảo, không phải là con một đã cho biết: “Tôi chỉ có một chị gái, nhưng thật sự hầu hết những vướng mắc trong cuộc sống tôi chưa bao giờ tâm sự với chị mà chỉ có thể được giải tỏa nhờ bạn bè. Cá nhân tôi không bao giờ muốn cổ súy cho những gia đình đông con, anh chị em bất đồng, mâu thuẫn... Những điều đó không phải là hiếm thấy trong cuộc sống "cơm, áo, gạo, tiền" hàng ngày. Dù có một hay nhiều con, theo tôi nghĩ, cách giáo dục trong từng gia đình mới là quan trọng. Bởi lẽ người ta đâu chỉ sống với mỗi gia đình mình”.
 

Con một thường có xu hướng hành động lớn hơn tuổi, chúng lớn lên như một người hoàn hảo bởi cha mẹ có một con thường đặt nhiều kỳ vọng vào đứa con duy nhất của mình. Vì thế, chúng thường có trách nhiệm hơn và có xu hướng trưởng thành sớm hơn.

Trong quá trình được nuôi dưỡng, khi trẻ là con một sẽ được tận hưởng độ đạc một cách trọn vẹn, chúng không phải gặp khó khăn trong việc chia sẻ với anh chị em của mình. Điều đó không hẳn sẽ khiến trẻ trở nên ích kỷ và bướng bỉnh, bởi vì tính cách của trẻ một phần do cách giáo dục của cha mẹ. Chị Thúy (Cổ Nhuế - Hà Nội) cho biết: “Con trai tôi đã 14 tuổi mà tôi không có khả năng sinh thêm nữa. Tuy chỉ có một mình nhưng cháu không hề ích kỷ, luôn cởi mở với bạn bè; từ nhỏ cháu đã rất gần gũi với mọi người và sẵn sàng chia sẻ đồ chơi của mình với bạn bè khi có cơ hội”.

Cha mẹ nuôi con một có thể tận dụng những ưu điểm của việc nuôi một con như là sự vắng mặt của anh chị em của chúng. Sẽ không có tranh giành, đánh nhau, tranh luận hay tị nạnh nhau. Cha mẹ cũng sẽ có thời gian nhiều hơn dành cho con cái và bớt đi gánh nặng về tài chính cho họ.

Khi có anh chị em, cha mẹ nhiều khi cũng mắc những sai lầm như là: thiên vị hay so sánh chúng với nhau. Cha mẹ sẽ không thể tránh khỏi những câu nói như: “Con hãy dọn dẹp phòng cho sạch sẽ như phòng của chị”, hay: “Hãy phấn đấu học cho bằng anh con”… Cha mẹ không cố ý khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, tự ti hoặc có cảm giác quá kém cỏi hơn chị em của chúng, nhưng điều đó có thể hằn sâu vào tâm trí con trẻ khiến chúng có những suy nghĩ tiêu cực trong cuộc sống. Khi trẻ bị ám ảnh bởi sự so sánh chúng thường không thể có ý chí mạnh mẽ và thiếu tự tin.

Nhiều người cho rằng, khi chỉ có một mình thì trẻ dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách giáo dục của cha mẹ và môi trường sống của trẻ. Có thể trong một số trường hợp nào đó trẻ chạnh lòng vì không có anh chị em để chia sẻ nỗi mất mát hay sự khó khăn, nhưng đó cũng chính là một lợi thế giúp chúng tự đứng lên bằng khả năng của chính mình, tự tìm thấy sức mạnh bên trong để đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng.

Chia sẻ