"Im mồm! Ai cho nói chuyện?"

,
Chia sẻ

Bà và mẹ vừa cho Cún ăn, vừa ngồi ăn cơm và nói chuyện vui vẻ, Cún quay ra quát: “Im mồm! Ai cho nói chuyện?” làm mẹ và bà hoảng hốt, sững sờ.

Bình thường ở nhà, Cún rất ngoan, luôn lễ phép với người lớn nhưng dạo này mới được mẹ cho đi mẫu giáo, vừa đi được mấy hôm đã nhiễm ngay các thói quen của các bạn ở lớp. Hỏi gì cũng trả lời trống không, quát tháo người lớn, hành động hỗn do học từ bạn bè.
 
Mẹ rất muốn mắng cho con sợ nhưng bà lại bênh cháu chằm chặp nên buộc phải tìm các biện pháp khác.
 
Từ ngày đi mẫu giáo, Cún bắt đầu biết nói hỗn.
 
Ngăn chặn từ trước
 
Vì con vừa mới đi mẫu giáo, mới chỉ hơi nhiễm các thói quen từ bạn cùng lớp nên mẹ phải thực hiện ngăn chặn, không để con hình thành thói quen xấu và hư này.
 
- Từ giờ, nếu thấy con nói những câu như: “Im mồm”, “Vớ vẩn”, “Cái gì thế?”… mẹ sẽ phản ứng thật nghiêm khắc để con biết rằng, những câu nói đó là không được phép nói và lần sau không được tiếp tục lặp lại.
 
- Mỗi lần con nói chống không như: “Ăn với”, “Đi đâu thế?”… mẹ sẽ hỏi lại thật nhẹ nhàng, “Con hỏi ai đấy?” để con biết nói lại cho thật đúng và thật lễ phép.
 
- Mẹ sẽ giải thích cho con hiểu, những câu nói thế là của những đứa trẻ hư, như thế là hỗn với người lớn, đồng thời, con sẽ được nghe mẹ kể cho những câu chuyện cổ tích về tấm gương các em bé ngoan, bé hư… Con sẽ hiểu, nếu hư thì không được ông bà, bố mẹ yêu quý.
 
- Mẹ sẽ chào con mỗi ngày, mời con ăn cơm, để con có thể học theo.
 
Nếu con vẫn hư
 
Nhiều khi, thời gian con ở lớp, bên bạn bè còn lâu hơn là ở nhà với bố mẹ nên dù mẹ có uốn nắn, phòng ngừa thói hư thì nhiều khả năng con vẫn bị ảnh hưởng. Vì thế mẹ đang tìm hiểu các phương pháp “điều trị” thói hỗn hào của con:
 
Mẹ muốn "điều trị" thói hỗn hào của con.
 
- Mẹ không làm ngơ trước thói hư của con nhưng cũng không mắng mỏ đâu nhé.
 
- Nếu con nói hỗn, mẹ sẽ nhắc nhở để con biết rằng không được tiếp tục nói như thế nữa.
 
- Nếu nhắc nhở vẫn không có tác dụng, mẹ sẽ có biện pháp phạt con, chẳng hạn, con thích xem Bibi lúc ăn cơm, mẹ sẽ tắt tivi, con thích ăn kem nhưng vì hỗn, con sẽ phải nhịn món ăn yêu thích. Cách này không hay lắm nhưng mẹ muốn con biết, con phải chịu trách nhiệm trước những điều mình nói.
 
- Mẹ sẽ cảnh báo con về hình phạt nếu vẫn tiếp tục tái phạm và sẽ thực hiện đúng theo lời cảnh báo để con thấy mẹ đang nghiêm túc dạy dỗ con.
 
- Cho dù con phản đối với các hình phạt của mẹ, có khóc lóc ăn vạ mẹ cũng sẽ kiên quyết thực hiện điều này.
 
Mẹ biết, ở lứa tuổi của con, được ra ngoài tiếp xúc với nhiều người sẽ dễ tiêm nhiễm các thói xấu và bản thân con không ý thức được lời nói, hành động của mình. Vì thế, mẹ rất mong mình có thể trở thành người định hướng, chỉ bảo cho con, để con lớn lên ngoan ngoãn và biết vâng lời.
Ếch ộp
(Tổng hợp từ Webtretho)
Chia sẻ