"Hung thủ" kêu... meo meo

,
Chia sẻ

Hiện trong nhiều gia đình, chó, mèo, thậm chí là chuột... đã trở thành thú cưng của trẻ nhỏ. Nhưng, dù có được vệ sinh sạch đến mấy, những con vật này vẫn mang trong mình vô số mầm bệnh...

Nhiễm giun sán vì... “thơm” vật yêu

Bé Bi ở Tôn Đức Thắng, Hà Nội được ông bà nội tặng cho chú chó xù xinh xắn vào dịp sinh nhật tròn 6 tuổi. Từ hôm đó, cứ đi học về đến nhà là bé cả ngày quanh quẩn quanh chú chó, đêm ngủ cũng nằng nặc đòi được ôm  ngủ. Được một thời gian, bé Bi bỗng nhiên hay bị đau bụng và tiêu chảy. Mẹ bé tưởng do thức ăn nên điều chỉnh sang loại thực phẩm khác, nhưng chứng đau bụng của bé Bi vẫn không thuyên giảm.

Đến bệnh viện khám, cả nhà mới hốt hoảng khi bác sĩ bảo bé bị nhiễm sán chó. Thì ra, chú chó cưng ở nhà đã bị nhiễm sán mà không ai hay, truyền sang bé bệnh sán chó. Đốt sán già tự bò ra ngoài hậu môn hoặc theo phân ra ngoài, phát tán trong đất bụi.

TS Khu Thị Khánh Dung (PGĐ viện Nhi TƯ) cảnh báo, thói quen tai hại của những người nuôi thú cảnh là cho các thú yêu ngủ chung giường mà không biết rằng khi chó, mèo bị nhiễm giun sán, trứng giun hoặc ấu trùng sán rơi ra giường sẽ lây sang người và gây bệnh.  

TS Dung cho biết: “Loài giun sống ký sinh trong cơ thể chó, mèo, chim cảnh như giun đũa, giun móc, giun kim. Sau khi xâm nhập cơ thể người vì không thích ứng với môi trường mới nên chúng vẫn chỉ ở dạng ấu trùng và di chuyển khắp nơi trong cơ thể, gây bệnh cục bộ các cơ quan”. Sự di chuyển của ấu trùng ký sinh có thể gây nên các bệnh về da gây mẩn ngứa. Nếu nhiễm giun kim từ chó hoặc mèo thì có thể dẫn đến bệnh về nội tạng, thường là ảnh hưởng đến phổi.

Thủ phạm là “mẹ con nhà mèo” 

Bé Nguyễn Thị Phương 3 tuổi ở xóm Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên cấp cứu tại bệnh viện huyện trong tình trạng khó thở, da mặt tím tái.

Cấp cứu bé qua cơn nguy kịch, các bác sĩ chỉ định đưa bé lên tuyến trên để khám làm rõ căn nguyên khiến bé khó thở trong khi trước đó bé hoàn toàn khoẻ mạnh.

Sau nửa ngày cho bé nhập viện tuyến trên và được các bác sĩ khám kỹ, mẹ bé mới ngã ngửa khi bác sĩ bảo con chị bị khó thở là do lên cơn hen cấp tính. Thủ phạm gây bệnh chính là lông của con mèo xinh xắn vừa đẻ một lứa ba con ở nhà.

Bác sĩ bệnh viện Nhi cho biết, trong số các ca nhi cấp cứu tại bệnh viện, cá biệt có cháu bé gần 4 tuổi bị viêm hạch do bọ mèo. Nhiều trường hợp có khi chỉ do một vết cào xước của móng mèo lên cánh tay, bé cũng hoàn toàn có thể bị lây virus rồi hạch nổi toàn thân, hạch nhỏ đau. Xét nghiệm máu tăng bạch cầu đơn nhân và Limpho.

Thai nhi cũng có thể bị ký sinh trùng làm ổ kén

Theo các bác sĩ, căn bệnh mà chó, mèo gây ra được chia thành 3 nhóm: Nhóm bệnh do virus là bệnh viêm gan, xoắn khuẩn; nhóm bệnh do vi khuẩn là viêm phổi phế quản, viêm bàng quang; Nhóm bệnh do ký sinh trùng gây nên bệnh ghẻ lở, giun, sán...

Nghiêm trọng nhất là ký sinh trùng Toxoplamas Gondii có rất nhiều trong ruột của mèo có thể gây bệnh Toxoplamas ở người. Các nghiên cứu cho thấy, một con mèo có thể bài tiết 100 triệu ký sinh trùng/ ngày.  

Chỉ cần sờ, vuốt ve vào lông mèo hoặc thậm chí chỉ cần mang đổ hộp rác của mèo cũng có thể bị nhiễm loại ký sinh trùng nguy hiểm này

Thoa trùng Toxoplasma có thể tạo thành các ổ kén ở các hạch, võng mạc mắt, trong cơ tim, viêm phổi kẽ, kén ở hệ thần kinh trung ương. Những phụ nữ mang thai đặc biệt càng nguy hiểm nếu nhiễm ký sinh trùng này vì chúng có thể truyền qua nhau thai sang thai nhi khiến thai nhi cũng bị mắc bệnh. Bên cạnh đó còn có nguy cơ từ bệnh dại, hiện có khoảng 15 - 30% chó khỏe mạnh có mang vi khuẩn bệnh dại nên nguy cơ lên cơn dại có thể đến bất kỳ lúc nào với ngay cả những chú chó khoẻ mạnh nhất. 

Đừng để trẻ quá yêu những con thú cưng vì đó có thể là nguyên nhân khiến con bạn bị mắc các bệnh nêu trên.

 

TheoGia đình- Xã hội

 

Chia sẻ