Hôm nay mẹ phải... "đóng bỉm"

Hải Minh,
Chia sẻ

Một lần, chị Hương dính kỳ nguyệt san nên không thể tắm chung với con như thường lệ. Thấy thế, con gái thắc mắc: “Sao hôm nay mẹ không tắm cùng con?”.

1. Bé Kin (3 tuổi) rất thích được tắm cùng mẹ. Một lần, bé nhìn mẹ tò mò: "Sao của mẹ không giống của bạn Bi?". Sau khi mẹ giải thích: "Vì mẹ và con là phụ nữ, còn bạn Bi là đàn ông" nhưng bé vẫn lắc đầu, hỏi tiếp: "Vậy sao của mẹ không giống của con?". Chị chỉ cười và bảo con: “Sau này con lớn lên, con cũng sẽ như mẹ”.

Từ nhỏ, bé Kin đã được tắm cùng mẹ vì trong lúc tắm hai mẹ con hay chơi đồ hàng và chơi té nước nên cô bé rất thích. Có lúc, bé còn hào hứng kỳ cọ lưng cho mẹ. Tuy nhiên, dạo gần đây, bé luôn thắc mắc chuyện giới tính nên tôi không biết tắm chung như thế có gây hại gì cho con không?”, chị Vân - mẹ bé Kin chia sẻ.

2. Chị Hương (Quận 2, TP HCM) có hai bé, một trai, một gái, hơn kém nhau 4 tuổi. Chị chỉ tắm chung với con gái lớn (7 tuổi), còn bé trai hơn 3 tuổi, mỗi lần tắm cho con, chị lại mặc quần áo rất đàng hoàng. “Sợ bé trai nhìn thấy phần kín của mẹ hay chị gái thì dễ hư hoặc suy nghĩ lung tung trong đầu” – chị Hương cho biết.

Một lần, chị Hương dính kỳ nguyệt san nên không thể tắm chung với con như thường lệ. Thấy thế, con gái thắc mắc: “Sao hôm nay mẹ không tắm cùng con?”. Chị trả lời con gái: “À, hôm nay mẹ phải đóng bỉm?”. Sau đó, con gái cô lại băn khoăn: “Sao mẹ phải đóng bỉm?”. Nghĩ mãi không ra lời giải thích nào dành cho bé 7 tuổi về kỳ nguyệt san, chị thành ra lúng túng.

3. Khi tắm chung với mẹ, con gái 4 tuổi của chị Hoa (Hà Đông - Hà Nội) đã được mẹ “nhồi nhét”: “Tất cả những gì trong phòng tắm này là của quý, là gia tài của bố, mẹ và con. Nên con không được cho ai đụng vào”. Mặc dù trí óc non nớt của bé chưa đủ hiểu hết những gì mẹ nói, nhưng bé đã biết được: “Không ai được quyền chạm vào con ở chỗ này. Các chỗ ấy là của riêng con. Bây giờ con bé nên mẹ phải vệ sinh giúp con. Sau này con lớn, biết cách, con sẽ tự làm một mình”.

Và cũng từ đó, phòng tắm là nơi riêng tư của chị và con gái. Bố bị gạt sang một bên. Ở phòng tắm, bé kể cho mẹ nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, về trường lớp, về cảm nhận xung quanh và cả về cơ thể mình: “Mẹ ơi, sao tay chân con có mọc lông ạ? Mẹ ơi, hồi sáng bạn Minh tốc váy của bạn Lan. Làm như thế có phải là hư không hả mẹ?”.

Dần dần, những kiến thức về giới tính, về chu kì kinh nguyệt và nhiều điều khác luôn được hai mẹ con trao đổi khi tắm cùng nhau. Bây giờ, con gái chị đã 16 tuổi, điều gì cũng sẵn sàng hỏi mẹ mà không ngại ngùng. Cháu cũng biết những gì là không nên làm đối với người khác giới. Thỉnh thoảng con gái vẫn kể với mẹ: “Nhiều bạn ở lớp cứ bảo con sướng. Vì mẹ các bạn chẳng bao giờ nói chuyện với các bạn ý như vậy cả”.

4. Nhiều phụ huynh lo ngại chuyện tắm chung sẽ khiến cho các bé sớm tò mò chuyện giới tính. Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc tò mò giới tính ở các bé không có gì là xấu và cha mẹ không cần phải né tránh điều đó. Tuy nhiên, chuyện tắm chung nếu được phân chia theo giới tính sẽ hợp lý hơn. Mẹ sẽ tắm cùng bé gái, còn bố sẽ tắm với bé trai. Cách này sẽ dạy cho bé hiểu rằng, giữa bé trai và bé gái có sự khác biệt cơ bản về cơ thể và sự khác biệt đó là điều hết sức bình thường.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể tắm chung với bé trai vì thông qua việc tắm chung, mẹ có thể dạy bé những bài học về giới tính. Mẹ có thể dạy các bé không được cho người khác sờ vào vùng kín, không dùng tay sờ vào “chỗ này, chỗ kia” vì hành vi đó dễ làm vùng kín nhiễm trùng, khiến bé bị đau khi đi tiểu.

Cha mẹ nên tìm cách trả lời mọi thắc mắc về giới tính của con theo cách đơn giản nhất. Nếu bé tò mò: “Sao của con không giống của bạn Tôm?” thì mẹ không nên đùa: “Rồi của con sẽ dài ra như của bạn ấy”. Vì không thể hiểu nổi câu đùa của mẹ nên các bé càng tò mò hơn hoặc dễ có suy nghĩ lệch lạc.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên dạy bé gái cách vệ sinh vùng kín, không được nhét hoặc thò ngón tay vào vùng kín… Dạy bé cách chăm sóc bộ phận nhạy cảm của cơ thể cũng như cách mẹ dạy bé đánh răng, rửa tay, lau mặt…

Nhưng tắm chung không phải là công thức chung cho bài học giới tính của bé. Có thể tốt cho bé này, nhưng không phù hợp với bé khác. Nếu mẹ biết tận dụng việc này để giáo dục giới tính cho con thì rất hiệu quả. Nhưng mẹ không biết cách giải thích một cách hợp lý thì “tắm chung” dễ phản tác dụng.

Cha mẹ cũng nên lưu ý giới hạn của tắm chung. Nếu để bé lệ thuộc vào việc tắm chung, hoặc xem việc tắm chung với người cùng giới là đương nhiên thì không nên chút nào.

Đến khi nào tự bản thân bé cảm thấy không thoải mái, ngại ngùng, không hứng thú nữa thì đó là lúc nên dừng việc tắm chung. Thường khi bé lớn hơn 10 tuổi, bố mẹ không nên tắm chung với con nữa.

Chia sẻ