Hội chứng "bám mẹ"

,
Chia sẻ

Chị Thanh kể: muốn cho cháu tham gia các trò chơi cùng nhóm bạn thì bắt buộc chị phải cùng chơi hoặc đứng bên cạnh, nếu không cháu sẽ uốn éo, khóc lóc và đòi mẹ.

Một số trẻ chỉ muốn bám lấy mẹ, nếu mẹ đi vắng trẻ thường không chịu tiếp xúc mà chỉ quan sát những cử chỉ hành vi của người khác, thậm chí còn không dám tiếp xúc với đồ vật nếu không có mẹ giúp đỡ... Các chuyên gia tâm lý gọi những biểu hiện trên là hội chứng "bám mẹ".

Mẹ của Hoàng Anh (năm tuổi) thường xuyên ở nhà nên lúc nào cu cậu cũng bám riết lấy mẹ. Chị Thanh kể: muốn cho cháu tham gia các trò chơi cùng nhóm bạn thì bắt buộc chị phải cùng chơi hoặc đứng bên cạnh, nếu không cháu sẽ uốn éo, khóc lóc và đòi mẹ. Khi chị mua đồ chơi mới về thì lúc đầu cháu rất sợ hãi, chỉ biết quan sát. Chị phải làm mẫu để cháu tiếp xúc và làm quen dần với các trò chơi… Tuy vậy, mức độ tiến bộ của cháu chỉ có giới hạn. Đặc biệt cháu rất ngại tiếp xúc với những người lạ.

Bé Duyên, bốn tuổi vẫn chưa đi học mẫu giáo. Mỗi lần mẹ đưa đến trường thì cháu nhất định không chịu, cứ khóc lóc, đòi mẹ phải ở cùng… Sau nhiều lần chị Hà - mẹ cháu đành bất lực và chấp nhận để cháu ở nhà.
 

Những biểu hiện của hội chứng bám mẹ diễn ra không ít ở trẻ hiện nay, phổ biến là ở những gia đình khi người mẹ quá nuông chiều trẻ, nâng niu trẻ quá mức, đặc biệt là đối với người mẹ không phải đi làm xa, thường xuyên ở nhà cùng trẻ. Một số bà mẹ thì quá chăm chút, mọi việc đều làm thay trẻ mà lẽ ra nên để cho trẻ tự thực hiện. Chẳng hạn khi bé bị té ngã nhẹ, ném đồ vật thì mẹ không nên vội vàng giúp đỡ, hãy để trẻ tự đứng dậy, chúng sẽ tự nhận ra rằng cần phải chú ý hơn để tránh bị đau; hoặc trẻ nhận ra hành động ném đồ vật của mình sẽ không tốt, vì như vậy sẽ không còn đồ vật để chơi...

Yếu tố sinh học là một trong số những nguyên nhân của hội chứng bám mẹ. Những đứa trẻ mang kiểu hình thần kinh tương ứng với loại khí chất trầm, ưu tư thì thường hay nhút nhát, phụ thuộc nhiều vào người khác và không muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Lớn lên nếu không được rèn luyện nhiều, chúng sẽ trở nên lỳ lợm, kín kẽ, sầu não, thụ động, phụ thuộc; dễ chán nản bi quan nếu như bị thất bại cho dù là rất nhỏ. Tuy nhiên, nguyên nhân sinh học này không quyết định mà chủ yếu do điều kiện môi trường, khả năng hoạt động của trẻ và sự hướng dẫn của người lớn.

Một nguyên nhân khác là hiện nay một số cha mẹ không cho con tiếp xúc với những đứa trẻ khác, họ sợ bị ảnh hưởng bởi những thói quen xấu. Theo họ, phương pháp giáo dục của cha mẹ trong môi trường gia đình là yếu tố quyết định. Họ không hiểu rằng chính sự giao lưu tiếp xúc với nhiều trẻ ở các độ tuổi khác nhau, thậm chí tiếp xúc với cả người lớn sẽ giúp trẻ mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Sự tiếp xúc với nhiều trẻ khác cũng là môi trường để trẻ phát triển ngôn ngữ, phát triển khả năng sáng tạo, làm giàu đời sống tình cảm, đối mặt với khó khăn và biết cách vượt qua những thất bại...

Thực tế cho thấy trẻ ở nông thôn nếu gia đình có điều kiện thì mức độ thích ứng này nhanh hơn một số trẻ thành thị. Ở môi trường đó, ngay từ những năm đầu đời trẻ được cha mẹ cho tiếp xúc với các loại trò chơi cũng như buộc phải phát huy khả năng độc lập với môi trường xung quanh khi người lớn ít có điều kiện giúp đỡ với nhiều lý do khác nhau.

Hội chứng bám mẹ không phải là bệnh lý nhưng nếu người mẹ không biết cách giúp con trẻ thì đó cũng là mầm mống của bệnh tâm lý, nhiều nguy cơ của bệnh tự kỷ, trầm cảm và những rối loạn nhân cách sau này. Tốt nhất hãy cho trẻ một thế giới phong phú và đa dạng với môi trường xung quanh, cho trẻ độc lập giải quyết những việc phù hợp.
 
Theo PNO
Chia sẻ