Hai cột mốc quan trọng đầu tiên của bé ăn dặm BLW

Mẹ Ong Bông,
Chia sẻ

Ăn dặm BLW không chia các giai đoạn ăn dặm của bé theo tháng tuổi mà theo kĩ năng bé đạt được, từ đó mẹ có thể chế biến thức ăn phù hợp với kỹ năng của bé.

1. Giai đoạn 1: Tập cầm nắm

* Khoảng thời gian:

Bé sẽ bắt đầu tập bốc khi có đầy đủ các dấu hiệu sẵn sàng với ăn dặm vào khoảng 6 tháng tuổi. Tùy vào sự phát triển của bé mà giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

* Kỹ năng của bé:

- Bé cầm đồ ăn bằng cả bàn tay.Lúc đầu bé khá vụng về,  đồ ăn có thể bị rơi ra ngoài, hoặc tụt sâu vào trong lòng bàn tay hoặc bé quơ chụp mà không trúng mục tiêu. Có bé có thể cầm được đồ ăn nhưng chưa đưa vào miệng chính xác.  Sau một thời gian luyện tập bé sẽ cầm đồ ăn chắc chắn hơn và cho thức ăn vào miệng thành thạo.

- Khả năng xử lý thức ăn của bé vẫn còn kém. Bé đã biết nhai đồ ăn nhưng chưa chắc đã nuốt được. Phản ứng “Ọe” là điều xảy ra với đa số các em bé trong giai đoạn này và tùy vào từng bé mà hiện tượng ọe có thể kéo dài từ 1 đến 4 tháng. Có một số em bé biết nuốt chỉ sau 1 tuần nhưng cũng có em bé phải luyện tập hơn 1 tháng trời.

- Nếu bé biết nuốt thì phân bé còn lổn nhổn gần như ăn gì ra nấy.

Hai cột mốc quan trọng đầu tiên của bé ăn dặm BLW 1
Bữa ăn mẹ chuẩn bị cho bé mới tập bốc có cà rốt, su su, ngô bao tử, đậu đũa và tôm luộc. Ảnh (mẹ Tiểu Long)

* Mẹ nên làm gì:

- Đọc kĩ các dấu hiệu khi nào bé sẵn sàng ăn dặm.

- Cung cấp thức ăn đúng cách cho bé, đưa từng miếng thức ăn lên thẳng khay ăn cho bé, không để nhiều thức ăn lên khay hay để vào bát/đĩa.

- Tìm hiểu kĩ tài liệu, phân biệt kĩ ọe và hóc, học thuộc kĩ năng sơ cứu khẩn cấp, không móc họng bé khi bé ọe.

- Cho bé bú sữa trước khi ăn ít nhất 1-2 giờ, không nên cho bé tập ăn khi đói.

- Không sốt sắng giục bé ăn, không đưa thức ăn vào miệng bé, không can thiệp quá nhiều vào quá trình tập ăn của bé.

- Luôn để bé ngồi thẳng lưng, nếu thấy bé có dấu hiệu mỏi khi ngồi hoặc không muốn ăn, lập tức cho bé ra khỏi ghế.

-  Sử dụng yếm có máng cho bé và lót khăn trải bằng nilon hoặc giấy báo xuống dưới ghế ăn của bé.

* Món ăn trong giai đoạn này


- Rau họ củ (như cà rốt, su hào, su su, bông cải xanh)

- Các loại trái cây lớn, không trơn, dễ cầm như bơ, táo, lê, chuối....

- Bánh mỳ, nui hoặc mỳ  loại dài và to, chưa nên sử dụng cơm vì dính

- Các lọai thịt.

- Cắt rau củ  và trái cây  thành dạng thành dài cỡ ngón tay cái và độ lớn bằng 2 ngón tay chụm lại, sử dụng dao răng cưa sẽ giúp bé cầm đồ ăn dễ hơn. Nên sử dụng bánh mì baguette, cắt thành miếng to dày khoảng 5cm trở lên. Thịt luộc xé dọc hoặc ngang thớ. Nếu cho bé ăn hải sản thời gian này, hãy kiểm tra tiền sử dị ứng trong gia đình bạn.

- Bạn có thể hấp/luộc thức ăn mềm cho con.

- Tuyệt đối không cho bé ăn rau lá, khoai bứ, các loại quả còn vỏ trơn, quả, hạt nhỏ, hình tròn.
 
2. Giai đoạn 2: Bốc nhón (kỹ năng sử dụng đầu ngón trỏ và ngón cái để nhón thức ăn)

* Khoảng thời gian:

Kỹ năng bốc nhón sẽ xuất hiện sau giai đoạn tập bốc  khoảng 1,5 đến 3 tháng và kéo dài khoảng 3,4 tháng đến khi bé tập thìa.

Khi sẵn sàng chuyển từ giai đoạn bốc bằng cả bàn tay sang giai đoạn bốc bằng 2 ngón tay, bé sẽ có một số biểu hiện như: Bóp nát hoặc ném thức ăn dạng thanh dài, biếng ăn sinh lý...

* Kỹ năng của bé:

- Bé sẽ chuyển từ cầm nắm bằng cả bàn tay sang còn 3 ngón tay rồi 2 ngón trỏ và ngón cái, giống 1 gọng kìm để gắp thức ăn.

- Bé cầm được đồ ăn nhỏ hơn, trơn hơn, hình dạng, kích cỡ đa dạng.

- Bé nhai được những món đồ cứng hơn, dai hơn giai đoạn đầu. Bé nuốt tốt hơn, rất ít hoặc hầu như không còn ọe.

- Hệ tiêu hóa trưởng thành hơn nên phân bé đỡ lổn nhổn hơn.

- Bé có thể tập chấm và dùng ống hút trong giai đoạn này.

Hai cột mốc quan trọng đầu tiên của bé ăn dặm BLW 2
Bữa ăn giai đoạn bốc nhón mẹ chuẩn bị cho bé có cơm nắm, thịt viên, khoai tây hấp nhừ và quả nho. Ảnh Mẹ Tiểu Long

* Mẹ cần làm gì

- Đọc đúng dấu hiệu bé muốn chuyển sang giai đoạn bốc nhón để chế biến đồ ăn đúng hình dạng, kích thước.

- Không sốt ruột, ép bé ăn khi bé biếng ăn hay vứt, ném đồ ăn.

- Duy trì nếp ăn lành mạnh cho bé, khuyến khích gia đình ngồi ăn cùng bé, cho bé ngồi ghế ăn, không dụ dỗ bé ăn, không sử dụng tivi, ipad, không giục bé ăn, không làm phiền bé khi ăn.

- Đảm bảo lượng sữa cho bé, chuẩn bị cho bé bình ống hút, đĩa, đa dạng kết cấu món ăn, cho bé làm quen thìa và bát vào cuối giai đoạn.

* Món ăn trong giai đoạn này


- Ngoài các thức ăn ở giai đoạn trước, bé có thể ăn thêm cọng rau lá (vẫn chưa ăn lá rau), cà chua bóc vỏ bỏ hạt...

- Trái cây nhỏ và tròn như nho, vải, nhãn ... nhưng cần bóc vỏ, bỏ hạt và cắt đôi.

- Hầu hết các loại ngũ cốc bé đã có thể ăn như cơm, mỳ, xôi....

- Các loại thịt , hải sản, cá, đậu phụ, dầu ăn, bé vẫn chưa được ăn các loại hạt, đậu, quả hạch…

- Bạn có thể hấp - luộc - nướng - xào - rán thức ăn cho bé, làm súp và sốt để bé tập chấm, sinh tố để bé tập hút ống hút.
Chia sẻ