GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ cách dạy con

,
Chia sẻ

Chịu khó đi đón con tan nhà trẻ và trò chuyện cùng con trên đường về là một trong những cách dạy con khá hiệu quả được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

"Theo tôi chỉ nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản để làm nền tảng. Những kiến thức chi tiết sau này chúng sẽ tự tìm hiểu dần. Đào tạo những bộ óc chứ không đào tạo những bộ sách" - GS Nguyễn Lân Dũng trò chuyện.
 

 
Là thành viên trong một gia đình có truyền thống học hành, đỗ đạt. Ông có thể chia sẻ cách dạy con của những người cha - người thầy trong gia đình?

- Chuyện dạy con thường mỗi người mỗi khác. Con trai tôi hiện khá nổi tiếng trong lĩnh vực y học tim mạch. Từ lúc con rất nhỏ, tôi đã quan tâm đến việc giáo dục bằng một phương pháp tưởng nhỏ nhưng khá hiệu quả đó là chịu khó đi đón con từ Nhà trẻ 20 tháng 10.

Cách đây mấy chục năm, Hà Nội không như bây giờ, yên tĩnh hơn và ít xe cộ hơn. Từ nhà trẻ, trên đường về tôi hay đưa con ra Bờ Hồ, cho con ăn kem và nói chuyện với con. Tôi hay hỏi : "Hôm nay có bạn nào giỏi hơn con không?". Con bảo có bạn này bạn khác. Tôi nói con "Con phải cố để giỏi hơn các bạn đó chứ". Đại ý là luôn luôn có sự động viên khuyến khích con phấn đấu, và về sau con tôi luôn có ý thức tự  phấn đấu thật sự.

Thấy hai con trưởng thành tôi rất mừng (một cháu gái đang tu nghiệp tại Mỹ). Tôi không ép con bất kỳ một điều gì, để các con được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường đi của mình.

Theo tôi giữa việc khuyến khích cái tốt và việc trấn áp cái sai, thì cách thứ nhất luôn là cách đúng đắn nhất. Người ta vẫn nói ánh sang đẩy lùi bóng tối.

Bản thân tôi cũng chứng kiến và rất không hài lòng với nhiều kiểu dạy con, tôi tạm gọi là "thiếu văn hoá". Họ đánh mắng con cái ghê quá. Tôi không tưởng tượng được, tại sao lại đánh con như thế, thật là phi lý. Trong suốt cuộc đời, bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân - PV) không bao giờ đánh chúng tôi một cái tát bao giờ. Đánh mắng không giải quyết được vấn đề mà phải làm cho con cái nhận ra điều sai sót và có quyết tâm sửa chữa.

Có vẻ cách chăm sóc con và chương trình học như hiện nay, những đứa trẻ không còn được "được hoàn toàn tự nguyện học và lựa chọn con đường của mình" nữa rồi...?

- May mắn là con tôi được học khoá học sinh đầu tiên của trường  thực nghiệm do GS Hồ Ngọc Đại dựng lên, và cũng được học theo phương pháp khuyến khích tự nguyện học tập, rèn luyện. Qua việc theo dõi trường thực nghiệm tôi mới thấy rằng phương pháp giáo dục là vô cùng quan trọng.

Tôi ngạc nhiên khi xem nhiều sách giáo khoa hiện nay người ta dạy cho trẻ em những chi tiết, những số liệu mà thầy, cô cũng không nhớ nổi, hơn nữa các số liệu đó vừa không quan trọng gì lại có thể thay đổi theo thời gian. Sau này lớn lên nếu cần tra cứu đã có Internet, tha hồ tra cứu, tại sao phải nhồi nhét vào đầu óc non nớt của trẻ thơ.

Trường thực nghiệm hay ở chỗ họ khuyến khích được sự ham muốn và ý chí học tập của học sinh, thay cho việc nhồi nhét kiến thức. Sau này các bạn hồi ấy của con tôi hầu hết đều trưởng thành và có nhiều đóng góp đáng kể cho xã hội

Vợ chồng tôi hầu như không can thiệp quá nhiều vào việc học hành của các con. Ngay việc học thêm con tôi cũng tự quyết định, nếu  cảm thấy cần học và tin tưởng thầy nào thì cháu tìm đến học. Nếu không thấy hợp thì tự tìm đến thầy khác, tôi không can thiệp gì cả.

Người thầy lớn, NGND Nguyễn Lân có dùng phương pháp này trong gia đình của ông?

- Hoàn toàn như vậy. Tuổi thơ chúng tôi trải qua trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp quá cực khổ. Bố tôi (cố NGND Nguyễn Lân) lúc đó làm Giám đốc Giáo dục Khu X rồi sau là Liên khu Việt Bắc, vậy mà... không có lương, chỉ được vài chục cân gạo mỗi tháng. Bố tôi phải để quá nửa ở nhà cho mẹ con chúng tôi, một phần mang đi công tác tất cả các tỉnh thành trên một chiếc xe đạp.

Chính nghị lực và lòng yêu nghề của bố tôi là tấm gương để chúng tôi học tập. Trong nhà tôi không có khái niệm bắt ép việc học tập. Trong thời kỳ khó khăn đó, hàng tối, mỗi anh em chúng tôi học với cây đèn tự tạo bằng hộp kem đánh răng GIBB đã dùng hết, dầu sở và bấc cây guộc. Gian khổ, nhưng ai nấy đều tự giác và hăng hái học tập.

Bố tôi chỉ động viên và làm gương cứ không can thiệp nhiều. Tôi thấy bây giờ các bậc phụ huynh lo cho các con ghê quá, lo từ A đến Z, nhiều nhà mời thầy cô đến tận nhà để phụ đạo từng môn học, như vậy chắc gì đã tốt. Thầy cô học hộ con mình rồi thì chúng còn cần gì cố gắng.

Theo tôi chỉ nên dạy cho trẻ những kiến thức cơ bản để làm nền tảng. Những kiến thức chi tiết sau này chúng sẽ tự tìm hiểu dần. Đào tạo những bộ óc chứ không đào tạo những bộ sách. Ngoài ra là cố gắng thổi vào cho học sinh, sinh viên niềm yêu thích học hỏi và nghiên cứu khoa học. Quan trọng nhất là làm sao để khuyến khích học sinh tự giác và hứng thú  học tập. Nếu trẻ không ham học thì thầy giỏi mấy cũng không nhồi nhét cho được đâu!
 
Theo Hoàng Hường
Vietnamnet
Chia sẻ