Giúp trẻ vượt qua cảnh cha mẹ ly hôn

,
Chia sẻ

Trấn an trẻ rằng cha (mẹ) mãi mãi yêu thương chúng. Và hãy đảm bảo nguyên nhân chia tay hoàn toàn không phải từ phía con cái.

Theo những nghiên cứu mới đây, trẻ vị thành niên phạm tội tăng nhanh, trong đó tỉ lệ trẻ có cha mẹ li hôn chiếm không ít. Ở vào thời kỳ cần được cha mẹ thương yêu nhất, trẻ bỗng mất đi một nửa quan tâm, tình thương từ khi cha mẹ chia tay. May mắn thì sống hoà thuận trong gia đình mới của bố hay mẹ, rủi thì bị hắt hủi, bỗng nhiên cuộc chia tay của cha mẹ đẩy nhiều trẻ em sang con đường phạm tội từ khi nào không hay. Tại nhiều phiên toà xử trẻ vị thành niên phạm tội, không ít ông bố, bà mẹ rơi nước mắt chua xót khi chính cuộc chia tay của họ dẫn tới con đường sa ngã của con cái. Nếu bạn không thể cùng bạn đời chung sống hạnh phúc, muốn mỗi người đôi ngả, hãy chuẩn bị tâm lí thật tốt cho con bạn. Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích của các chuyên gia tâm lí:

Vào thời điểm diễn ra ly hôn

-Bạn hãy chấn an con mình rằng bản thân và người cha (mẹ) còn lại mãi mãi yêu thương đứa trẻ.

-Bạn hãy đảm bảo cho con, nguyên nhân chia tay hoàn toàn không phải từ phía con cái. Không ít trường hợp trẻ nghĩ rằng chính vì chúng mà cha mẹ chia tay, nỗi ám ảnh tâm lí khiến nhiều em rơi vào trạng thời trầm cảm, buồn chán thất vọng, dễ có những hành động dại dột.

-Cố gắng giúp trẻ hiểu rằng quyết định chia tay là đúng, hợp tình hợp lý, và chắc chắn bạn sẽ không thay đổi ý định.
 

-Cố gắng gìn giữ thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhất có thể.

-Cho trẻ niềm tin trẻ thường xuyên được tới thăm bố (mẹ) mà chúng không được chung sống cùng sau khi toà phân xử ly hôn.

-Cố gắng cởi mở với biểu hiện tình cảm đau buồn của trẻ. Khi thấy trẻ có thái độ, biểu hiện tình cảm tiêu cực hãy nhanh chóng tìm cách chia sẻ với trẻ, đừng để chúng đi quá xa nếu không muốn lãnh hậu quả xấu. Hãy giúp trẻ chia sẻ với bạn bè về nỗi sợ hãi hoặc nỗi buồn đang đè nén trong tâm can.

Sau khi ly hôn

-Đừng bao giờ tìm cách nói xấu người vợ hoặc chồng đã ly hôn trước mặt con trẻ. Nếu bạn cảm thấy bực bội, hay còn chưa nguôi giận hãy tìm một người bạn thân hoặc một chuyên gia tâm lí để trút bầu tâm sự.  

-Tỏ ra lịch thiệp khi đối phương tới thăm, dẫn con bạn đi chơi. Nếu bạn mỉm cười và con chuẩn bị đi chơi cùng cha (mẹ), hãy giúp trẻ làm quen với giai đoạn “quá độ” này.

-Khuyến khích trẻ nói chuyện qua điện thoại với người cha (mẹ) sống xa chúng.

-Trong một giới hạn nào đó, ủng hộ và tôn trọng những lời khuyên bảo từ phía đối phương.

-Đừng dồn hỏi trẻ thông tin về bạn bè, những việc đà làm hay những chuyến đi chơi, viếng thăm người cha (mẹ).

-Hãy nói chuyện thẳng thắn với đối phương về chuyến viếng thăm hay dẫn trẻ đi chơi, trước khi thông báo cho trẻ.

-Một nguyên tắc không thể quên chính là đừng bao giờ nói với trẻ về mâu thuẫn dẫn tới cuộc chia tay của bạn, cũng nên tránh để trẻ nghe thấy nhũng cuộc tranh luận nảy lửa giữa bạn và người bạn đời, dù đã chia tay.

-Khi trẻ phạm phải một lỗi nào đó, bạn đừng tìm cách lên án do người kia gây nên.

-Khi con bạn không muốn đến trường hoặc không muốn đi thăm người cha (mẹ) có thể do lo lắng tới phản ứng của bạn. Hãy cho trẻ thấy bạn hoàn toàn vui vẻ, ủng hộ trẻ.

Mộc Lan

Chia sẻ