Giật mình với những kiểu kiêng khem sau sinh thái quá

Thanh Hằng,
Chia sẻ

Kiêng tắm, kiêng ra nắng gió, kiêng nói vọng ra ngoài, kiêng ăn mọi thứ trừ thịt nạc… dường như là những kiểu kiêng khem sau sinh đã quá quen thuộc trong suy nghĩ của nhiều chị em.

Đúng là có kiêng có lành nhưng vì kiêng khem sau sinh thái quá, không ít chị em rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. 

Hôi như cú vì kiêng tắm gội, đánh răng

Chuyện thật như đùa này xảy ra trong một gia đình trí thức nằm giữa lòng Thủ đô. Chị Linh (Hàng Gà, Hà Nội) hạnh phúc bao nhiêu khi mẹ chồng mình tâm lý, yêu thương con dâu. Thế nhưng sự chăm sóc thái quá và có phần cổ hủ của bà khiến chị muốn khóc dở mếu dở. 

Ngay từ khi mang thai, bà đã rót vào tai chị những lời khuyên nhủ từ “ngàn đời nay của các cụ dạy”. Nghe lời mẹ, chị cũng thực hiện theo nhưng sau 1 tuần không tắm gội, đánh răng, không chỉ người xung quanh mà ngay cả bản thân, chị cũng không thể nào chịu nổi mùi cơ thể của mình. 

Điển hình nhất là chồng chị, dù thông cảm với vợ lắm, yêu thương vợ lắm, nhưng anh vẫn quyết định cho “hai mẹ con chị một giang sơn riêng”, anh dọn ra phòng khác để "tập trung làm việc". 

Bạn bè đến thăm cũng ái ngại, họ khuyên nhủ: “Không cần thiết phải khổ luyện đến mức này đâu Linh ơi”, họ lấy dẫn chứng luôn “mình vẫn khỏe re dù chẳng kiêng khem gì đâu nè”. 

Giật mình với những kiểu kiêng khem sau sinh thái quá  1
Lúc nào ngứa ngáy lắm, khó chịu lắm thì chị gãi, rồi lau bằng khăn ấm, răng thì chị súc miệng (Ảnh minh họa)

Nhưng cứ lần nào định tắm giặt, mẹ chồng lại lăn xả vào khuyên can rồi hăm dọa: “Con lấy khăn ẩm lau người thôi, gội đầu là sau này mất trí thì đừng trách mẹ không nhắc nhé. Gân xanh đỏ tím vàng có nổi lên phần phật thì đừng có kêu nhé, răng có rụng cả hàm cũng đừng có khóc nhé”.

Sợ xanh mặt, chị lại vâng dạ rồi tiếp tục với bài kiêng khem khổ luyện mà mình đang theo. Lúc nào ngứa ngáy lắm, khó chịu lắm thì chị gãi, rồi lau bằng khăn ấm, răng thì chị súc miệng. 

Hôi như cú đã đành nhưng sự bẩn của mẹ lại vô tình ảnh hưởng tới con. Một ngày, chị giật mình khi thấy con bỗng dưng nổi chi chít nốt đỏ tròn tròn màu hồng ở toàn thân. Đưa con đi khám, chị vừa lo lắng vừa xấu hổ khi biết con mình bị lây hắc lào từ mẹ. 

Liều với tính mạng của con vì nằm cạnh bếp than cho khỏe

Không kiêng tắm nhưng chị Lành (Ngõ Hàng Chỉ, Hà Nội) lại kiêng theo kiểu khác. Trước khi sinh con, tìm hiểu từ nhiều nguồn tin, chị được biết khi nào hai mẹ con từ viện về nhà, để tránh tà ma, bệnh tật từ bệnh viện, ngoài việc bước chân qua đống lửa to trước khi vào nhà, hai mẹ con cần phải nằm cạnh bếp than càng lâu càng tốt.

Ngày nay, không phải mỗi chị Lành có quan điểm này mà còn rất nhiều chị em có cùng suy nghĩ đó. Họ cứ nghĩ rằng nằm gần bếp than sẽ giúp bé hồng hào, khỏe mạnh. 

Thế nhưng, sau vài giờ nằm than, chị Lành thấy con có dấu hiệu khó thở, chị cứ nghĩ do bé bị thay đổi môi trường đột ngột nên cứ ôm chặt con ngủ tiếp. Một lúc sau, bé có dấu hiệu suy hô hấp, người tím tái, run bần bật, bỏ ăn, quấy khóc. 

Đưa con đi bệnh viện, chị đã biết mình suýt liều với tính mạng của con bởi những sự kiêng khem, lo lắng quá đà của mình. 

Các bác sĩ ở bệnh viện cho biết, trong khói than có chứa rất nhiều khí CO2, ảnh hưởng không hề tốt đến đường hô hấp của cả mẹ và bé, đặc biệt là bé sơ sinh. Ngoài ra, da em bé còn mỏng manh, than nóng sẽ khiến bé bị bỏng, hoặc nhẹ nhất cũng sẽ bị nổi rôm. Nguyên nhân khiến bé bị suy hô hấp đó là bé còn nhỏ, đờm nhớt trong họng còn nhiều, khi nằm than, đờm nhớt sẽ bị đông lại, không được đẩy ra ngoài. 

Sau khi sinh chỉ nằm và ăn, hạn chế vận động

Sau khi sinh, chị Thúy (Trần Hưng Đạo, TP HCM) được cả nhà động viên nên suốt ngày chị chỉ có một việc nằm một chỗ nhìn ngó xung quanh, chỉ tay năm ngón. Việc nhà, việc chăm con đã có ông bà, hai cô giúp việc chăm lo.

Trước khi sinh, đọc được thông tin ở đâu đó, anh Thành – chồng chị về loan tin cho cả nhà rằng “phải cho mẹ nó nằm dưỡng sức ít nhất 1 tháng thì mới khỏe được, không là bị hậu sản ngay”. 

Bố mẹ chồng chiều con cũng gật gù: “thời đại giờ khác mình, người ta nói thế không phải là không có lý”. Thế là từ ngày ở viện về, chị kiêng vận động hoàn toàn, chỉ khi nào cần tắm rửa chị mới ngồi dậy. 

Sai lầm khi kiêng khem quá mức

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản bệnh viện Việt Pháp cho biết, kiêng khem quá mức sau khi sinh là một việc làm sai lầm mà không ít chị em mắc phải. 

Việc kiêng tắm sau sinh trong một thời gian dài là một điều không có một cơ sở khoa học. Sau khi vượt cạn, người phụ nữ sẽ mất nhiều máu, mồ hôi tiết ra khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Nếu kiêng tắm lâu, sản phụ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh. 

Sau khi sinh, sản phụ hoàn toàn có thể tắm bằng nước ấm trong một khoảng thời gian nhất định. Việc tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cơ thể cũng khiến sản phụ được sảng khoái, tỉnh táo, khỏe mạnh.

Việc vận động sau khi sinh đặc biệt là sinh mổ có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa nhiều nguy cơ. Việc hạn chế vận động sẽ khiến khí huyết trong cơ thể sẽ khó lưu thông gây mệt mỏi. Bình thường, sau khi mổ, sản phụ càng cố gắng ngồi dậy trên giường, đứng dưới đất rồi di chuyển nhẹ nhàng càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu để ruột nhanh chóng có nhu động.

Bên cạnh đó, bác sĩ Thu còn nhấn mạnh một điều rằng sau khi sinh con, chị em cần phải được hưởng một chế độ ăn uống, chăm sóc cẩn thận để sức khỏe nhanh chóng được bình phục. Việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ giúp chị em lấy lại sức khỏe, người sinh mổ có vết mổ mau lành, cơ thể có sức đề kháng tốt và chống nhiễm trùng vết mổ. Ngoài ra, điều này còn giúp bé khỏe mạnh nhờ được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng thông qua sữa mẹ.

Dinh dưỡng cho chị em sau sinh cần phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng (bột đường, đạm, béo, chất xơ - vitamin). 

Chị em nên lưu ý rằng, sau một cuộc sinh nở đầy khó khăn, cơ thể người phụ nữ suy yếu cả về thể chất lẫn tinh thần, việc kiêng cữ không đúng cách sẽ làm cho sản phụ thêm mệt mỏi và có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh.



Cười vỡ bụng với các kiểu đãng trí sau sinh của các mẹ.
Giật mình với những kiểu kiêng khem sau sinh thái quá  2
Chia sẻ