Giận quá, mất khôn!

Hoàng Lan,
Chia sẻ

Tiến đưa tay quệt ngang trán và nhìn vào bàn tay đỏ lòm, nó thều thào nói với mẹ: “Mẹ ơi, máu” rồi lịm đi. Lúc này chị Lan mới hốt hoảng gào khóc, lay gọi con… Cả khu phố nghe tiếng chị Lan kêu cứu thì vội chạy đến đưa thằng bé vào viện.

Cả buổi trưa, chị Lan “đinh tai, nhức óc” vì thằng cu Tiến không chịu ngủ, cứ chạy nhảy loăng quăng khắp nhà để rồi thế nào mà lao sầm vào chiếc đôn để bình hoa của mẹ. Một tiếng “choang” xé vụn cả bầu không gian tĩnh lặng của buổi trưa, mảnh vỡ thủy tinh văng khắp nhà. Chị Lan hớt hải chạy ra, nửa tiếc của khi nhìn thấy chiếc bình quý vỡ tan tành trên nền nhà, nửa giận thằng bé vì tội nói mãi mà không chịu ngồi im, chị liền hùng hổ tiến thẳng đến chỗ thằng Tiến. Mặc kệ cho vẻ mặt của con đang tái xanh vì sợ hãi, hối lỗi, chị Lan vung tay, tát một phát như trời giáng vào má thằng Tiến khiến nó ngã dúi dụi xuống nền nhà. Chưa hả cơn giận, chị cúi xuống nhè tai thằng bé mà “xách”, vừa kéo thằng bé về phòng, chị vừa chửi mắng…

Cơn giận dữ khiến chị không để ý thấy rằng ở phía trán thằng cu Tiến, một mảnh thuỷ tinh nho nhỏ còn găm ở đó. Máu bắt đầu rịn ra chảy thành dòng thẳng vuông góc với sống mũi của thằng bé. Mãi cho tới khi thằng Tiến đưa tay quệt ngang trán và nhìn vào bàn tay đỏ lòm, nó thều thào nói với mẹ: “Mẹ ơi, máu” rồi lịm đi. Lúc này chị Lan mới hốt hoảng gào khóc, lay gọi con… Cả khu phố nghe tiếng chị Lan kêu cứu thì vội chạy đến đưa thằng bé vào viện. Cũng may vết thương của Tiến nhẹ, nó ngất đi vì sợ quá nếu không chị Lan có hối hận cả đời cũng không hết.

Đôi khi các bậc phụ huynh đều gần như nổi điên khi con trẻ có những hành vi nghịch ngợm, khó chịu và không nghe lời. Mặc dù đôi khi những hành động đó chỉ là thói quen vô hại, không ý thức được của con trẻ nhưng do sự tức giận không được kiểm soát của cha mẹ mà có những hành động đáng tiếc xảy ra. Do vậy việc kìm hãm cơn giận dữ khi con cái phạm lỗi là điều mà cha mẹ nên lưu tâm để tránh để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài đối với đứa trẻ và mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Dưới đây là những cách có thể giúp bố mẹ kìm hãm cơn giận dữ đối với con trẻ.

1. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi để cho cảm xúc của bạn nhấn chìm bạn

Thông thường, khi trông thấy con trẻ làm điều gì đó không hài lòng, cha mẹ thường để cho cơn giận giữ của mình bộc phát một cách tự nhiên mà không cần suy nghĩ rằng trong hoàn cảnh ấy liệu tức giận có thực sự cần thiết hay không. Do vậy cha mẹ hãy cố gắng tránh tình trạng thấy “chướng tai, gai mắt” là nạt nộ, quát tháo mà hãy dừng lại để suy nghĩ. Có rất nhiều trường hợp sau khi nổi giận các bậc cha mẹ thường cảm thấy nực cười về hành động của mình.
 
 
2. Nhận thức rõ hành vi của trẻ

Thông thường nhiều hoạt động của con trẻ được đánh giá ở mức độ ngớ ngẩn và không nghĩ ngợi cho nên dẫn đến một loạt các phản ứng cực đoan. Và rất có thể chuỗi hoạt động đó gây ra những thiệt hại về tài sản, vật dụng trong gia đình… dẫn đến việc cha mẹ cho rằng phải có những hành động nghiêm khắc ngay lập tức để chấn chỉnh (hoặc trừng trị) để ngăn chặn việc con trẻ lặp lại hành vi đó. Tuy nhiên sự nóng giận và đòn roi không phải là biện pháp hữu hiệu cho các bậc cha mẹ uốn nắn con mình. Hãy cố gắng tìm hiểu và nhận thức hành vi của trẻ chỉ là vô ý vì vậy các bậc cha mẹ nên cố gắng ngăn chặn sự tức giận của mình để giảng giải cho con thế nào là đúng, sai, điều gì nên, điều gì không nên, chỉ có như vậy trẻ mới hoàn toàn tâm phục, khẩu phục.
 
3. Rời khỏi vị trí hiện tại

Nếu một số hành động của con trẻ khiến cha mẹ gặp rắc rối, phản ứng đầu tiên của cha mẹ thường là nổi cáu, quát tháo hoặc đánh đòn – trừng phạt con. Do vậy để kiểm soát cơn giận dữ của mình thêm phần bùng nổ, cha mẹ hãy rời khỏi vị trí hiện tại của mình và đi ra ngoài hoặc đi đâu đó để tạm thời con cái thoát khỏi tầm mắt mình. Điều này sẽ giúp tâm trí của bố mẹ thoải mái và nhẹ nhõm hơn, lúc đã hoàn toàn bình tĩnh, bố mẹ có thể quay trở lại và nói chuyện với con một cách hợp lý và hành động theo tình hình.
 
 
4. Nếu buộc phải la hét thì…

Các bậc cha mẹ nên lui về phía căn phòng của mình, đóng chặt cửa phòng lại trước khi thực hiện việc la hét để được hả cơn giận giữ, bực tức. Làm như vậy tuy không ngay lập tức làm cho con của bạn nhận ngay ra sai lầm của trẻ nhưng nó lại giúp các bậc cha mẹ kiểm soát tình hình và kiểm soát chính bản thân mình trước khi có những hành động đúng mực.
 
5. Ghi nhớ và lắng nghe những gì con muốn nói

Đôi khi việc giáo dục hành vi cũng như nhận thức đối với con cái không phải là lúc nào cũng chì chiết, nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của con hoặc nói những lời giáo điều không cần thiết. Nếu con của bạn phạm phải sai lầm, bậc làm cha làm mẹ tất nhiên sẽ không tránh khỏi sự phiền lòng tuy nhiên biện pháp tích cực là cha mẹ hãy chọn thời điểm thích hợp, kiên nhẫn nói chuyện với con, lắng nghe nguyên nhân của hành động từ phía con mình. Điều này chắc chắn cũng sẽ mang lại những kết quả tích cực nhất định.
 
6. Hiểu rằng con trẻ sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau

Mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên đều không thể tránh khỏi những hành vi gây phiền nhiễu cho các bậc cha mẹ. Ở mỗi giai đoạn và mỗi thời kỳ, trẻ lại có những hành động khách nhau. Do vậy cha mẹ phải là người thấu hiểu biểu hiện tâm sinh lý của con trong từng giai đoạn và cha mẹ nên duy trì đức tính kiên nhẫn để đảm bảo không nổi khùng với con.

Chia sẻ